|
Các đồng chí chủ trì Hội thảo.
|
Chủ trì Hội thảo gồm các đồng chí: GS, TS. Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng khoa học Các cơ quan đảng Trung ương; Đặng Đình Thoảng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Nam; Nguyễn Công Bằng, Chánh Văn phòng Ban Tổ chức Trung ương, Chủ nhiệm Đề tài khoa học.
Tham dự Hội thảo có đại diện Thường trực Tỉnh ủy Hà Nam; các đồng chí nguyên lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương và Đảng ủy Ngoài nước; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị thuộc Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Tạp chí Cộng sản; đại diện Hội đồng khoa học Các cơ quan đảng Trung ương; đại diện lãnh đạo ban tổ chức các tỉnh, thành ủy: Hà Nội, Hưng Yên, Ninh Bình, Hà Nam, Bắc Giang cùng một số chuyên gia, nhà khoa học và Ban Chủ nhiệm đề tài.
Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Nam bày tỏ niềm vinh dự khi được phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng công tác tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản về công tác tổ chức xây dựng Đảng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư”. Đây cũng là dịp để các cơ quan và ban xây dựng Đảng của tỉnh Hà Nam được trao đổi, học tập những kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả từ các địa phương, cơ quan, đơn vị và một số chuyên gia đầu ngành để từ đó góp phần nâng cao hơn nữa công tác tổ chức xây dựng Đảng trong thời gian tới.
|
Đồng chí Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Nam phát biểu chào mừng Hội thảo.
|
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Công Bằng, Chánh Văn phòng Ban Tổ chức Trung ương khẳng định trong quá trình lãnh đạo cách mạng, nhất là trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta luôn coi trọng việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quyết định, quy định, quy chế, kế hoạch, hướng dẫn, báo cáo, thông báo, tờ trình… của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Là cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; trong thời gian qua việc tham mưu xây dựng các văn bản về công tác tổ chức xây dựng Đảng được Ban Tổ chức Trung ương chú trọng, triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực: tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, tổ chức cơ sở đảng, đảng viên và bảo vệ chính trị nội bộ; góp phần hoàn thiện thể chế, làm căn cứ pháp lý quan trọng để các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn hệ thống chính trị triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, kết quả đạt được, việc tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản của Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XI, XII vẫn còn một số hạn chế. Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Chưa khắc phục được tình trạng ban hành nhiều nghị quyết; một số nghị quyết nội dung thiếu tính khả thi, chưa tính kỹ nguồn lực và điều kiện thực hiện. Chưa thật tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết; một số nghị quyết chậm đi vào cuộc sống”. Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Việc thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương của Đảng về một số nội dung trong công tác cán bộ còn chậm, có nội dung chưa thống nhất giữa pháp luật của Nhà nước và quy định của Đảng…”.
Do vậy, việc triển khai nghiên cứu Đề tài “Nâng cao chất lượng công tác tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản về công tác tổ chức xây dựng Đảng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư” có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, tạo sự chuyển biến rõ nét, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ của công tác tổ chức xây dựng Đảng trong tình hình mới.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những yếu tố tác động đến công tác tham mưu xây dựng, ban hành văn bản về công tác tổ chức xây dựng Đảng; đánh giá thực trạng để từ đó xác định nguyên tắc và đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu. Theo đồng chí Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng (Ban Tổ chức Trung ương), việc nâng cao chất lượng công tác tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản về công tác tổ chức xây dựng Đảng có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc; cho rằng trong quá trình xây dựng văn bản, cơ quan tham mưu phải bảo đảm nội dung thể hiện chính xác và nhất quán với quan điểm, chủ trương, đường lối và nguyên tắc tổ chức của Đảng; có tính kế thừa, đổi mới, ổn định và phát triển, giải quyết đúng, trúng những vấn đề thực tiễn đặt ra của công tác tổ chức xây dựng Đảng; đồng thời bảo đảm đúng thể thức, thẩm quyền ban hành văn bản theo quy định.
|
Đồng chí Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng (Ban Tổ chức Trung ương) phát biểu tham luận tại Hội thảo.
|
Đồng chí Trần Đình Hường, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng Trung ương Đảng thẳng thắn chỉ rõ những bất cập còn tồn tại trong công tác tham mưu, nhất là tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị mà nguyên nhân trực tiếp là do trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ tham gia tổ biên tập đề án còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ để từ đó chia sẻ một số kinh nghiệm trong tham mưu xây dựng, ban hành văn bản của Đảng nói chung và lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng nói riêng.
Từ thực trạng và yêu cầu tất yếu, khách quan đặt ra đối với công tác tham mưu xây dựng, ban hành văn bản về công tác tổ chức xây dựng Đảng; đồng chí Phạm Văn Dương, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy Ngoài nước đề xuất các nhóm nhiệm vụ, giải pháp; trong đó đặc biệt nhấn mạnh phải quan tâm, xây dựng đội ngũ chuyên gia, cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng và có nền tảng kiến thức chuyên sâu về công tác tổ chức xây dựng Đảng.
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, GS, TS. Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng khoa học Các cơ quan đảng Trung ương đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu; khẳng định văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư là sự kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, trong đó các cơ quan tham mưu và đội ngũ cán bộ tham mưu đóng vai trò trực tiếp; đòi hỏi phải có nhận thức khoa học, phương pháp khoa học và tổ chức khoa học. Việc nâng cao chất lượng tham mưu xây dựng, ban hành văn bản của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ góp phần quyết định “sinh mệnh” chính trị của Đảng, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, thống nhất của Đảng đối với toàn hệ thống chính trị. Những ý kiến đóng góp tại Hội thảo sẽ bổ sung, minh họa và làm sâu sắc thêm kết quả nghiên cứu của đề tài; góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tham mưu xây dựng, ban hành văn bản về công tác tổ chức xây dựng Đảng.
Hương Giang
Ban Tổ chức Trung ương