|
Toàn cảnh Hội thảo.
|
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phan Thăng An nhấn mạnh, công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng ta xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên lâu dài trong công tác xây dựng Đảng.
Kể từ năm 2013, Bộ Chính trị ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, đạt được những kết quả to lớn, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Từ năm 2012 đến nay, đã xử lý kỷ luật 2.740 tổ chức đảng và hơn 167.000 cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý (4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 36 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương; hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang); qua kiểm tra, thanh tra, kiểm toán kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra, xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
"Những con số nếu trên đã cho thấy quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt của Đảng và Nhà nước trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực. Và có thể nói cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng", Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đặc biệt nhấn mạnh.
|
Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phan Thăng An nhấn mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng.
|
Đồng chí Phan Thăng An cũng cho biết, trong giai đoạn này, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành cũng tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục những sơ hở, bất cập làm phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Thực tế cho thấy, một bộ phận cán bộ, công chức đã làm ngơ, dung túng, tiếp tay, bao che, đồng phạm, thậm chí là chủ mưu trong những vụ việc, vụ án tham nhũng; thậm chí có sự móc nối, liên kết ở quy mô rộng lớn, cả lĩnh vực công và lĩnh vực tư. Điều này cho thấy vẫn còn những nguyên nhân xuất phát từ cơ chế, chính sách pháp luật còn bất cập, công tác tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, xử lý chưa kịp thời, nghiêm minh; cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hiệu quả, công tác quản lý cán bộ, đảng viên chưa được thực hiện tốt.
Do đó, Hội thảo cần đạt được 4 mục tiêu quan trọng: Một là, góp phần hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để cán bộ, đảng viên không thể tham nhũng, tiêu cực; Hai là, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực để cán bộ, đảng viên không dám tham nhũng, tiêu cực; Ba là, đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao đời sống để cán bộ, công chức, viên chức không cần tham nhũng, tiêu cực; Cuối cùng là, xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để cán bộ, đảng viên không muốn tham nhũng, tiêu cực.
Đồng chí Trần Thị Minh, Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức, cán bộ (Ban Tổ chức Trung ương) cho biết, qua hơn 5 tháng nghiên cứu và triển khai công tác tổ chức Hội thảo, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 39 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo, quản lý, cán bộ trực tiếp làm công tác tham mưu trong lĩnh vực nội chính, thanh tra, kiểm tra ở Trung ương và địa phương.
|
Đồng chí Trần Thị Minh cho biết, qua kết quả nghiên cứu bước đầu và hầu hết tham luận đều đã chỉ ra, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn những mặt hạn chế.
|
Các tham luận công phu, trách nhiệm, tâm huyết của các đồng chí đã cho thấy một bức tranh tương đối toàn diện, phong phú, sinh động về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên. Theo đó, về thể chế, nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước được ban hành nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ, tạo bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, góp phần nâng cao uy tín, sức chiến đấu của Đảng. Số địa phương không phát hiện, khởi tố vụ án tham nhũng mới hằng năm có xu hướng giảm dần. Một số địa phương phát hiện, khởi tố vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn như Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai... Việc xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách về tổ chức, cán bộ để phòng, chống tham nhũng có nhiều chuyển biến rõ nét; chú trọng kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng phòng, chống tham nhũng. Tất cả 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và nhanh chóng đi vào hoạt động, đạt được những kết quả quan trọng bước đầu.
Đồng chí Trần Thị Minh cũng cho biết, qua kết quả nghiên cứu bước đầu và hầu hết tham luận đều đã chỉ ra, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn những mặt hạn chế. Một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa có quyết tâm cao, chưa có sự chuyển biến mạnh. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực vẫn còn hạn chế; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp, giai đoạn 10 năm (2012-2022) mới chỉ thu hồi 61.000 tỷ đồng, đạt 34,7%, như vậy còn khoảng hơn 120 nghìn tỷ đồng chưa được thu hồi; trong đó riêng trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi còn gần 70.000 tỷ đồng cần được thu hồi. Đây cũng là một trong những thách thức, rào cản mà Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt khi giải quyết vấn nạn tham nhũng. Việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị còn là khâu yếu. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả, tham nhũng không chỉ diễn ra trong lĩnh vực kinh tế, tài chính... mà còn diễn ra ngay cả ở những lĩnh vực lẽ ra không thể tham nhũng, đó là y tế, giáo dục, khoa học. Tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp với những biểu hiện ngày càng tinh vi, là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Tại Hội thảo, các ý kiến phát biểu tập trung về một số vấn đề liên quan đến lý luận, thực trạng, những vấn đề đặt ra, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên; kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bài học kinh nghiệm, quan điểm, mục tiêu, giải pháp của một số địa phương, đơn vị về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, GS, TS. Phùng Hữu Phú cho biết, mới đây đã ra mắt cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là tác phẩm mang tính lý luận, tổng kết rất cao về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Khi toàn Đảng đang thực hiện việc học tập, quán triệt cuốn sách của Tổng Bí thư thì hội thảo lần này cũng là cuộc sinh hoạt để trao đổi, thảo luận, cụ thể hóa tư tưởng trong tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cuộc hội thảo rất đặc sắc khi liên danh tổ chức giữa 3 cơ quan là 3 lực lượng thuộc khối nội chính, kiểm tra và tổ chức. GS, TS. Phùng Hữu Phú cho biết, muốn đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, có sự kết nối chặt chẽ trong đó ngành nội chính, kiểm tra phải gắn rất chặt với ngành tổ chức. Hội thảo còn có sự tham dự của nhiều nhà nghiên cứu lý luận, tạo bầu không khí phong phú sôi nổi với nhiều góc tiếp cận khoa học.
|
GS, TS. Phùng Hữu Phú nhấn mạnh: “Còn kẽ hở thì còn tham nhũng, tiêu cực".
|
Các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã đề cập nhiều vấn đề phong phú, thẳng thắn, trách nhiệm khiến chúng ta phải nhìn nhận sâu hơn, rộng hơn về mối quan hệ và tác hại của tiêu cực đến tham nhũng, giữa vấn đề "xây" và "chống", giữa giáo dục, quản lý và xử lý; vấn đề tháo gỡ cơ chế, chính sách...
GS, TS. Phùng Hữu Phú nhấn mạnh: “Còn kẽ hở thì còn tham nhũng, tiêu cực. Do đó, các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp phong phú, mang tính thực tiễn cao trong việc kết hợp giữa "xây" và "chống", giữa phòng, chống tiêu cực với phòng, chống tham nhũng; việc xây dựng hệ giá trị, chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên; giải pháp về cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy, công tác cán bộ”.
Ngọc Anh