Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10-2019



Thông báo về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2019 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: Phiên họp diễn ra trong bối cảnh đất nước sắp đi hết chặng đường của năm 2019, trải qua những sự kiện quan trọng như Hội nghị Trung ương 11, kỳ họp Quốc hội… Mở đầu phiên họp Chính phủ, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân gia đình các nạn nhân trong vụ 39 người thiệt mạng tại Anh. Chính phủ cam kết sẽ nỗ lực hết sức để chia sẻ nỗi đau thương, mất mát to lớn này. Chính phủ thống nhất đánh giá tình hình kinh tế xã hội tháng 10 và 10 tháng tiếp tục phát triển với xu hướng tích cực: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển khá, khẳng định cơ cấu lại ngành nông nghiệp đang phát huy hiệu quả tích cực; khu vực công nghiệp tiếp tục có bước phát triển mạnh, ngành chế biến, chế tạo, sản xuất phân phối điện tăng mạnh, đặc biệt ngành khai khoáng tăng trưởng trở lại sau nhiều năm tăng trưởng âm; thị trường thương mại ổn định, nguồn cung hàng hóa được bảo đảm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức cao (11,8%); thu hút khách quốc tế tăng khá, đạt gần 14,5 triệu lượt người, tăng 13% so với cùng kỳ; chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục được kiểm soát và giữ ở mức thấp. CPI bình quân 10 tháng năm 2019 tăng 2,48% so với bình quân cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu tăng khá, đạt trên 217 tỷ USD, tăng 7,4%, cả nước có 114,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và có 34,9 nghình doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 24,8% so với cùng kỳ; đời sống nhân dân được cải thiện, cả nước có 68.000 lượt hộ thiếu đói, giảm 33,8%, văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm.

Tuy nhiên, tình hình tháng 10 và 10 tháng cũng nổi lên một số vấn đề hạn chế: Dịch tả lợn châu Phi có ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng nông nghiệp trong năm 2019, nhiều mặt hàng nông sản xuống giá, xuất khẩu nông sản tăng về sản lượng nhưng kim ngạch xuất khẩu lại giảm; môi trường kinh doanh dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn chậm, sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn, có 26.000 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh, 34.500 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể…; chỉ số IIP 10 tháng tăng 9,5%, thấp hơn mức tăng 10,3% cùng kỳ năm 2018; tỷ lệ thực hiện và tốc độ tăng giải ngân vốn đầu tư công vẫn ở mức thấp nhất trong giai đoạn 2015-2019; phát sinh nhiều vấn đề về xã hội, an ninh trật tự, môi trường…

Về nhiệm vụ thời gian tới, Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp cụ thể trên các lĩnh vực kinh tế vĩ mô, tiền tệ và tín dụng, giải ngân vốn đầu tư công, nông nghiệp, công nghiệp – thương mại, giao thông vận tải, du lịch và dịch vụ, văn hóa, xã hội, môi trường, xây dựng pháp luật và cải cách hành chính, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực với quyết tâm cao nhất, kiên định với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; phấn đấu giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế cao như hiện nay; cần sớm xây dựng các phương án ứng phó với những tình huống xấu của nền kinh tế trước những biến động khó lường…

Tại buổi họp báo, lãnh đạo các bộ, ngành đã trả lời câu hỏi của các phóng viên về các vấn đề: việc Trung Quốc cài cắm hình ảnh "đường lưỡi bò" vào các sản phẩm điện ảnh, đồ dùng học tập… ; việc quản lý biển số xe, có nên đấu giá biển số xe đẹp để tăng thu ngân sách; việc bổ nhiệm nhân sự sắp tới của Bộ Y tế; việc xử lý của Công an TP. Hà Nội với Đại úy Lê Thị Thu Hiền khi có hành vi lăng mạ nhân viên hàng không; về vụ 39 người chết trong xe container ở Anh đặt ra vấn đề quản lý lao động ngoài nước; trách nhiệm của cá nhân và tập thể cũng như hướng xử lý vụ việc lô nhôm 4,3 tỷ đô-la xuất xứ Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam chờ xuất sang Mỹ...


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất