Chiều 2-6, tại Hà Nội, buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5-2020 diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng. Tham gia buổi họp báo có lãnh đạo Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam... và phóng viên các cơ quan báo chí.
Quang cảnh buổi họp báo.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 5-2020 để đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm, thảo luận và quyết định các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Trong tháng 5-2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức cuộc họp và làm việc với các doanh nghiệp, địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất - kinh doanh; thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Xác định việc sớm kiềm chế được dịch bệnh là cơ hội vàng rất quan trọng để Việt Nam vươn lên trong bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo với tinh thần kiên quyết không lùi bước trước thách thức, đổi mới, sáng tạo trong điều hành, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, chủ động thu hút đầu tư phát triển, kể cả trong nước và quốc tế.
Chính phủ thống nhất đánh giá, ngay sau khi thực hiện việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, thiết lập trạng thái bình thường mới; dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và sự hào hứng quay trở lại làm việc của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5-2020 đã có nhiều biến chuyển tích cực. Vấn đề khôi phục thị trường nội địa với sức sống mạnh mẽ đã được phát động, các trung tâm du lịch lớn đón đông du khách nội địa. Các hãng hàng không, ngành du lịch bị thiệt nặng nề do COVID-19 đã trở lại hoạt động tương đối nhộn nhịp. Trong tháng 5-2020, có 10.700 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 36,1% so với tháng 4; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 10,5%; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể giảm 14,5% và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 4,8%.
Khách quốc tế đến nước ta giảm mạnh do chưa mở cửa cho du lịch quốc tế nên lượng khách đến trong tháng chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài. Tính chung 5 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến nước ta đạt 3,7 triệu lượt người, giảm 48,8%.
Nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ ổn định. Lãi suất điều hành giảm, chính sách tiền tệ được thực hiện linh hoạt, chủ động. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5-2020 giảm 0,03% so với tháng trước, tính chung 5 tháng, CPI bình quân tăng 4,39% so với cùng kỳ.
Thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định, thị trường ngoại hối hoạt động hiệu quả, thông suốt. Tính đến ngày 20-5 huy động vốn tăng 1,85%; tín dụng tăng 1,32% so với cuối năm 2019. Trong tháng 5, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh giảm lần 2 các mức lãi suất điều hành, trần lãi suất huy động và trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên để cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã sôi động hơn nhờ tình hình dịch COVID-19 trong nước cơ bản được kiểm soát, hoạt động sản xuất - kinh doanh đã thiết lập trạng thái bình thường mới.
Sản xuất nông nghiệp có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm (năng suất lúa đông xuân tăng 0,3 tạ/ha). Đáng chú ý, thời gian qua, chăn nuôi lợn của chúng ta bị ảnh hưởng rất lớn do dịch bệnh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có rất nhiều nỗ lực nhằm tái đàn nhưng giá thịt lợn hiện vẫn ở mức cao mặc dù Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp. Thủ tướng nêu rõ quan điểm là giải quyết căn cơ, bài bản vấn đề giá thịt heo cao nhưng cũng tránh những thời điểm thịt heo rớt giá, làm tổn hại đến lợi ích người nuôi heo, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững ngành chăn nuôi. Phát động tái đàn trên cơ sở khống chế dịch tả lợn châu Phi, khuyến khích đầu tư quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại, đặc biệt là giải quyết tốt khâu đầu vào, giống, thức ăn, kết hợp với nhập khẩu để giữ giá thịt heo ổn định.
Hoạt động thương mại, dịch vụ tăng mạnh trở lại, do cuộc sống trở lại bình thường sau giãn cách xã hội, cùng với kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 nên hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng của người dân có dấu hiệu tăng khá (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5-2020 tăng 26,9% so với tháng trước).
Công tác triển khai hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được triển khai tích cực khắp cả nước. Đến nay, tổng số tiền đã chi hỗ trợ cho các đối tượng là 17,5 nghìn tỷ đồng (chưa bao gồm chi trả bảo hiểm thất nghiệp 2.000 tỷ đồng). Nhiều địa phương đã hỗ trợ mở rộng hơn so với Nghị quyết số 42 và Quyết định số 15. Cho đến nay, về cơ bản, các đối tượng chính sách, người có công đều đã nhận được hỗ trợ. Nhóm đối tượng là công nhân mất việc làm, tạm nghỉ việc cũng đang được các cơ quan chức năng, địa phương hoàn tất các thủ tục để triển khai hỗ trợ.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nghiêm trọng, do dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu vẫn còn diễn biến phức tạp, cũng như những khó khăn do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, thiên tai, thời tiết cực đoan, đã làm ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nước, nhất là trong sản xuất công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu, khách quốc tế, như:
Nhiều ngành sản xuất công nghiệp giảm mạnh do chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào bị gián đoạn (sản xuất xe có động cơ giảm 16,3%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 15,6%; sản xuất đồ uống giảm 14,6%; khai thác dầu thô và khí đốt giảm 12%; sản xuất thiết bị điện giảm 5,2%...). Chỉ số IIP tăng 1%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019 và trong nhiều năm qua.
Mặc dù trong tháng 5 vừa qua, chúng ta đã có nhiều cố gắng, tình hình sản xuất - kinh doanh đã bắt đầu có bước hồi phục; nhưng trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa. Quan điểm của Chính phủ là: Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức; phải biến khó khăn, thách thức thành cơ hội; “khó một, chứ khó mười vẫn phải cố gắng vượt qua”, kiên định với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra; phát huy sáng tạo, chung sức, đồng lòng nỗ lực vượt qua khó khăn; quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch 2020 của cả nước và của từng bộ, ngành, địa phương. Các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Tập trung thiết lập trạng thái bình thường mới; đồng thời không được chủ quan, lơ là, phải luôn đề cao cảnh giác, kiên quyết không để dịch bệnh quay trở lại.
Tại buổi họp báo, lãnh đạo các bộ, ngành đã trả lời câu hỏi của các phóng viên về các vấn đề: bảo đảm thông tin của người sử dụng ví điện tử khi được yêu cầu xác thực thông tin; quan điểm của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ như thế nào khi các doanh nghiệp cho rằng còn khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn trong khi các ngân hàng cho biết họ không hạ chuẩn cho vay; về việc thúc đẩy tiến độ dự án thu phí không dừng; quá trình điều tra đối với 5 đại án: Vụ Nhật Cường, vụ án “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam, vụ tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” của Công ty Gang thép Thái Nguyên; về lộ trình mở cửa trở lại đối với các dịch vụ công thiết yếu; về việc xử lý sai phạm của một số địa phương trong việc thưc hiện gói hỗ trỡ cho các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19; giải pháp xử lý với dịch vụ vay tiền lãi suất cao qua App; kết quả điều tra đối với vụ Doanh nghiệp Tenma của Nhật Bản nghi hối lộ quan chức Hải quan và Cục thuế Bắc Ninh; ý kiến của các bộ, ngành về đề xuất của doanh nghiệp giãn một số loại thuế lên 12 tháng…
PG