Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin: Hôm nay, ngày 2-10, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 9-2019 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2019.Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá: Kinh tế tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2019 cho thấy tín hiệu lạc quan của nền kinh tế. GDP 9 tháng tăng 6,98%, mức tăng cao nhất trong vòng 9 năm qua, trong đó riêng quý III ước tăng 7,31%, cao hơn cùng kỳ năm 2018. Động lực tăng trưởng chủ yếu là khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp, bình quân 9 tháng tăng 2,5%, mức tăng thấp nhất trong 3 năm qua.
Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng cao, ước đạt 9,36%, đóng góp 52,6% vào tăng trưởng chung, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực chính dẫn dắt tăng trưởng chung của ngành và toàn nền kinh tế (ước tăng 11,37%).
Nông nghiệp mặc dù gặp khó khăn như dịch tả lợn châu Phi, hạn hán, biến đổi khí hậu nhưng đã tập trung cơ cấu lại nội ngành theo hướng hiệu quả hơn. Chăn nuôi gia cầm, thủy sản tăng mạnh, nên cả ngành vẫn đạt mức tăng trên 2%. Thủ tướng cho biết thông tin mới nhận sáng nay là năm nay, chúng ta tái cơ cấu mạnh mẽ ngành nông nghiệp, trong đó có ngành lâm sản xuất khẩu gỗ rừng trồng nên 9 tháng đạt con số trên 9 tỷ USD và cả năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ có thể đạt trên 11 tỷ USD.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục với 102.000 doanh nghiệp (tăng 5,9% về số doanh nghiệp và tăng 34% về số vốn đăng ký). Kết quả điều tra kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy 87,9% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn.
Bên cạnh tăng trưởng khá, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, các chỉ số vĩ mô đều ở mức tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,32% so với tháng trước; tính chung 9 tháng, CPI bình quân tăng 2,5%, hướng tới mục tiêu vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,91% so với bình quân cùng kỳ.
Khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 13 triệu lượt, tăng gần 11% so với cùng kỳ 2018. Việt Nam tiếp tục là điểm đến thu hút khách du lịch quốc tế. Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2019 của WEF, năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam tăng 4 hạng, từ 67/136 năm 2017 lên 63/140 quốc gia và nền kinh tế.
Về các lĩnh vực xã hội, công tác an sinh xã hội, chăm lo sức khỏe và đời sống nhân dân được quan tâm thực hiện. Đã cấp được hơn 20 triệu thẻ bảo hiểm y tế, thẻ khám chữa bệnh cho các đối tượng chính sách; giải quyết việc làm cho trên 1,2 triệu lao động.
Không chỉ kinh tế, lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục có nhiều chuyển biến và đạt kết quả rất quan trọng.
“Chúng ta rất mừng khi đời sống nhân dân trên mọi miền Tổ quốc tiếp tục được cải thiện rõ nét, từ thành thị đến nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo. Số hộ thiếu đói giảm 33%”, Thủ tướng nói.
Kết quả trên càng khẳng định sự phù hợp của nhận định, đánh giá tình hình mà Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị và sắp tới trình Trung ương, đó là dự kiến năm 2019 sẽ hoàn thành toàn diện, vượt mức các mục tiêu kế hoạch đề ra, là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt, Thủ tướng nêu rõ. Điều đáng nói là không chỉ tăng trưởng về số lượng mà chất lượng được cải thiện rõ nét. Tăng trưởng vượt mục tiêu đề ra trong khi vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, đặc biệt lạm phát được kiểm soát tốt và các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Đời sống nhân dân chuyển biến rõ nét.
Những thành tựu đạt được rất ấn tượng và tự hào trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tác động, ảnh hưởng nhiều mặt, không thuận của tình hình thế giới, khu vực, nhất là thiên tai, biến đổi khí hậu và dịch bệnh.
Theo nhận định của nhiều tổ chức quốc tế, do tác động của xung đột thương mại Mỹ - Trung và các yếu tố rủi ro có tính chất chu kỳ, kinh tế thế giới tăng trưởng thấp nhất từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và đang đứng bên bờ suy thoái. Tăng trưởng kinh tế của nhiều nền kinh tế giảm mạnh (tăng trưởng của Mỹ 2%, EU 1%, Nhật Bản 0,6%, Ấn Độ 5%, Trung Quốc dưới 6%, Sin-ga-po 0%...). Nhiều nước đã bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục hạ lãi suất.
Trong bối cảnh như vậy, các tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao Việt Nam tiếp tục là điểm sáng của kinh tế khu vực và toàn cầu. Bộ trưởng cho biết thêm, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng thấp nhất từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và đang đứng bên bờ suy thoái, song theo nhận định, đánh giá của các tổ chức quốc tế, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cao. ADB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,8% năm 2019 và 6,7% năm 2020. Citigroup Inc đã điều chỉnh dự báo cả năm cho kinh tế Việt Nam lên 6,9%, từ mức 6,7% trước đó. Các nhà phân tích tại Maybank Kim Eng Research Ltd hiện đã dự báo mức tăng trưởng 7% cho kinh tế Việt Nam năm 2019,… Dự báo Việt Nam sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm nay với tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 6,9%, và tốc độ này được kỳ vọng sẽ duy trì trong vài năm tới. Tạp chí US News &World Report vừa xếp hạng Việt Nam đứng thứ 8 trong số 20 quốc gia top đầu có nền kinh tế tốt nhất để đầu tư.
Tất cả điều đó khẳng định những nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước để vượt qua khó khăn, thách thức từ đầu năm và mang lại kết quả khả quan, không khí phấn khởi cho toàn xã hội, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong ngoài nước, khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành lãnh đạo chỉ đạo, điều hành.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực, còn nhiều điểm yếu, khó khăn, thách thức. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, mới đạt 45,17% kế hoạch được Quốc hội thông qua. Ngành nông nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh gây ra, nhất là dịch tả lợn châu Phi làm 5 triệu con bị tiêu huỷ, đàn lợn giảm gần 20%. Sản xuất, kinh doanh một số lĩnh vực gặp khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Một số dự án công nghiệp, giao thông trọng điểm tiếp tục chậm tiến độ. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm nhất là nông sản do giá giảm mạnh
Đặc biệt, trong tháng 9 và quý III, phát sinh nhiều vấn đề về văn hóa, xã hội, an ninh trật tự mà chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn nữa trong thời gian tới, đặc biệt là dịch bệnh sốt xuất huyết, chân tay miệng và sởi, sản xuất ma túy, đánh bạc qua mạng, lừa đảo qua mạng, cướp của, giết người, cho vay nặng lãi... gây bức xúc xã hội, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Môi trường 2 đô thị lớn là TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh ô nhiễm nghiêm trọng, chưa có giải pháp hữu hiệu…
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tinh thần quyết tâm, kiên định thực hiện các mục tiêu đề ra; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh những nhiệm vụ, giải pháp Thủ tướng nêu rõ quan điểm điều hành là Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tuyệt đối không chủ quan, tập trung chỉ đạo các biện pháp cụ thể, khắc phục tồn tại, hạn chế, yếu kém. Tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đề ra. Theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước để có đối sách phù hợp, kịp thời. Ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng...
Tại buổi họp báo, đại diện lãnh đạo các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Giao thông - Vận tải, Công an, Công thương, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng và lãnh đạo TP. Hà Nội đã trả lời các câu hỏi của phóng viên về: Bao giờ vận hành đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông; việc nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài; về các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng cho tài xế grab; về trách nhiệm của bộ, ngành và TP. Hà Nội trong việc bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô khi Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới; về tăng trưởng của nền kinh tế có bền vững khi đạt chỉ số cao nhất trong 9 năm qua; xử lý việc tỉnh Sóc Trăng sử dụng sai ngân sách khi lắp camera ở nhà riêng các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước để xảy ra sai phạm của Công ty Alibaba; về xác minh làm rõ sai phạm của Tập đoàn Asanro...
T.X