Lớp Bồi dưỡng bí thư cấp ủy, cấp huyện thứ hai gồm 66 học viên. Các học viên sẽ thực hiện 5 chuyên đề lý thuyết, 9 chuyên đề kỹ năng và báo cáo kinh nghiệm thực tế.
Phát biểu tại Lễ khai giảng, đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khẳng định: Việc tổ chức các lớp bồi dưỡng bí thư cấp ủy, cấp huyện là kết quả của sự chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng; sự dày công chuẩn bị của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là Ban Tổ chức Trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Lớp học này là sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn đổi mới.
Để tổ chức triển khai các nội dung, chương trình lớp học có chất lượng, hiệu quả, nhằm chuyển hóa kiến thức thành nhận thức và hành động đúng đắn, thành phương pháp tư duy khoa học, đồng chí Tô Huy Rứa đề nghị Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cần bảo đảm đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, có năng lực chuyên môn cao và kinh nghiệm thực tiễn phong phú tham gia báo cáo các chuyên đề cho lớp học, mặt khác phải thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, giám sát quá trình học tập, rèn luyện đạo đức, tác phong của học viên. Đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để học viên hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị quan trọng của mình.
Về phía học viên, việc học tập và rèn luyện trong các khóa học nhất thiết phải được thực hiện với tinh thần tự giác cao, nghiêm túc, đảm bảo công phu và thấu đáo; thể hiện ở mọi lúc mọi nơi, cả trong các buổi học trên lớp, trong sinh hoạt chuyên đề hay đi thực tế. Các học viên cần tập trung sức lực và trí tuệ để hoàn thành tốt các nội dung trong chương trình của lớp học.
Lớp học sẽ thực sự là diễn đàn để các học viên trao đổi, thảo luận nhằm nhận thức rõ ràng và sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan. Đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn về công tác chuyên môn của người bí thư cấp ủy cấp huyện. Trên cơ sở đó, khi lớp học kết thúc, các học viên sẽ có điều kiện hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ chính trị của mình tại các địa phương. Mặt khác, trong điều kiện của mình, các học viên có trách nhiệm đóng góp ý kiến vào nội dung chương trình cũng như cách thức tổ chức lớp học. Đây là những căn cứ quan trọng để Ban Chỉ đạo và Ban Tổ chức có những điều chỉnh, bổ sung cần thiết đối với các lớp khóa sau.
Minh Thư