Khánh thành Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ khánh thành tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên.

Tối 9-12, tại Quảng trường Ðại đoàn kết, thành phố Plei Ku (Gia Lai), Tỉnh ủy, HÐND, UBND và MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai tổ chức trọng thể Lễ khánh thành Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên với sự tham dự của 14 nghìn người. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu ý kiến.

Cùng dự có nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước; lãnh đạo tỉnh Gia Lai các thời kỳ, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng Lao động, đại diện các nhân sĩ, trí thức, tôn giáo và đông đảo các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai.

Phát biểu ý kiến tại buổi Lễ, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Lễ khánh thành Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên là một sự kiện có ý nghĩa chính trị - văn hóa to lớn. Khẳng định những tình cảm của Bác đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên và tấm lòng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đối với Bác thật là lớn lao, cao cả và sâu sắc, đồng chí Tổng Bí thư khẳng định, Tượng đài Bác Hồ là công trình văn hóa có ý nghĩa lịch sử và nhân văn tiêu biểu của đồng bào các tỉnh Tây Nguyên và là niềm vui chung của tất cả chúng ta.

Công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên được khởi công xây dựng cuối năm 2010, đặt tại Quảng trường Ðại đoàn kết, TP Plei Ku. Có chiều cao 10,8 m, Tượng đài Bác Hồ làm bằng đồng tấm dày năm ly, theo công nghệ ép tạo hình và hàn - công nghệ mới, lần đầu được sử dụng tại Việt Nam. Kết cấu tượng và bệ tượng chịu được động đất bảy độ rích-te, gió xoáy cấp 12 và nhiệt độ ở 90oC cũng không bị biến dạng. Công trình Tượng đài Bác Hồ nằm trong quần thể các kiến trúc có diện tích 12,5 ha, có nhiều hạng mục phụ trợ tạo nên cảnh quan hài hòa đậm nét văn hóa như: bức phù điêu bằng đá tự nhiên rộng 600 m2 chạm khắc hình ảnh đời sống văn hóa, sản xuất và chiến đấu của đồng bào Tây Nguyên; bức thạch thư bằng đá gra-nít rộng 3 m, cao 4 m, dày 2,5 m, khắc bức thư Bác Hồ gửi Ðại hội các dân tộc thiểu số miền nam tổ chức tại Plei Ku ngày 19-4-1946; hai dàn cồng chiêng là biểu tượng của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và Di sản phi vật thể của nhân loại,... Tổng thể kiến trúc của Tượng đài, Quảng trường, cùng với Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng tổng hợp tỉnh, Bảo tàng cổ vật và tượng anh hùng Núp đã tạo nên một quần thể lịch sử, văn hóa, mỹ thuật hoàn chỉnh. Ðây là công trình có tầm vóc và ý nghĩa chính trị, lịch sử văn hóa to lớn, là nơi giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống, lịch sử cho các thế hệ đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

* Chiều cùng ngày, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai, nghe báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng đảng và công tác chuẩn bị Lễ khánh thành công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên; trồng cây lưu niệm tại khu vực Tượng đài Bác Hồ.

Nguồn: TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất