Kỳ họp thứ 11: Quốc hội dành 7 ngày cho công tác nhân sự
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin về kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV trong cuộc họp báo sáng 23-3. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Theo dự kiến, chương trình làm việc kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra trong 12 ngày; khai mạc sáng 24-3 và bế mạc ngày 8-4.

Tại kỳ họp này, bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội dành phần lớn thời gian tập trung thời gian cho tổng kết công tác nhiệm kỳ của các cơ quan Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và công tác nhân sự cấp cao Nhà nước.

Trong đó, Quốc hội dành khoảng 7 ngày cho công tác kiện toàn một số chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước.

Về công tác kiện toàn một số chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước thời gian qua, Bộ Chính trị đã tiến hành xem xem xét cẩn trọng cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn của việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước ngay sau Đại hội của Đảng và thống nhất cao cần sớm kiện toàn sắp xếp lại các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước một cách đồng bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội  lần thứ XIII của Đảng. Bộ Chính trị cũng đề nghị Trung ương cho thực hiện kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Cùng với đó, Quốc hội sẽ nghe báo cáo và thảo luận về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của: Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước.

Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV khẳng định, trong nhiệm kỳ 2016-2021, Quốc hội đã tập trung ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật (72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật) để kịp thời thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng và tiếp tục cụ thể hóa, đưa Hiến pháp năm 2013 vào cuộc sống.

Công tác giám sát của Quốc hội được chú trọng, nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, bao quát hầu hết các lĩnh vực, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri, nhân dân đánh giá cao. Việc xem xét báo cáo của các cơ quan được thực hiện khá hiệu quả, thảo luận kỹ lưỡng, công khai, minh bạch, có tính xây dựng, góp phần bảo đảm tổ chức và thực hiện đúng quy định của Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.

Hoạt động đối ngoại của Quốc hội được triển khai hiệu quả, đóng góp quan trọng vào thành công chung của công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Dự thảo Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước nhấn mạnh thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIV, trong nhiệm kỳ 2016-2021, Chủ tịch nước đã phối hợp chặt chẽ, tham gia đóng góp những ý kiến xác đáng với Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các luật liên quan đến tổ chức, hoạt động của bộ máy Nhà nước, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...

Chủ tịch nước đã ký Lệnh công bố 72 luật, 2 pháp lệnh đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV thông qua.

Về thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn liên quan đến lĩnh vực hành pháp, Chủ tịch nước đã tham gia ý kiến với Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ lớn mà các nghị quyết của Đảng, Quốc hội đã đề ra, góp phần tích cực vào kết quả hoạt động của bộ máy hành pháp, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước.

Trên cương vị Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Thống lĩnh Lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch nước đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổng kết phương thức lãnh đạo của Đảng về cải cách tư pháp, mô hình tổ chức hoạt động của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương qua các thời kỳ.

Trên cương vị Nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch nước đã có nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng, góp phần thực hiện hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực cũng như trên thế giới.

Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ nhấn mạnh trong nhiệm kỳ, Chính phủ luôn chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội; nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm trước nhân dân và đất nước, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.

Chính phủ chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt trong quản lý, điều hành các lĩnh vực, vừa thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, vừa xử lý kịp thời những vấn đề đột xuất, phát sinh, trong đó nổi bật là: trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 4 đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết, 107 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết; ban hành kịp thời và tương đối đầy đủ theo thẩm quyền văn bản quy định chi tiết để tổ chức thi hành pháp luật và đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan hành chính Nhà nước gắn với xây dựng Chính phủ điện tử; thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân; chủ động, quyết liệt, ứng phó kịp thời, ngăn chặn, kiểm soát tốt đại dịch COVID-19, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai;…

Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp hành nghiêm túc sự giám sát của Quốc hội; phối hợp chặt chẽ trong việc chuẩn bị nội dung, xây dựng và thực hiện chương trình các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổ chức phục vụ tốt các hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Các thành viên Chính phủ đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, kiến nghị của cử tri với tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc, thị, thẳng thắn; chấp hành nghiêm túc chế độ cáo Quốc hội và Chủ tịch nước theo quy định.

Các phiên khai mạc, bế mạc kỳ họp và các phiên thảo luận về dự thảo các Báo cáo công tác nhiệm kỳ sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV1), Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1) và Truyền hình Quốc hội Việt Nam giúp cử tri và nhân dân cả nước trực tiếp theo dõi về hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp này.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất