Kỳ họp thứ 8 sôi nổi, thông qua nhiều quyết sách quan trọng
Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.

Kỳ họp dài, khối lượng công việc nhiều

Sau 28 ngày làm việc, chiều 27-11, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đã bế mạc. Quốc hội đã thông qua 11 luật, bộ luật, 17 nghị quyết với sự đồng thuận cao và cho ý kiến 10 dự án luật khác. Kỳ họp được đánh giá đã hoàn thành toàn bộ chương trình làm việc với nhiều nội dung trên tất cả các lĩnh vực: lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Các đại biểu đánh giá, Kỳ họp thứ 8 rất quan trọng, bởi ngay trước năm cuối của giai đoạn phát triển 2016-2020 và tạo tiền đề cho năm 2020, năm "bản lề" cho giai đoạn mới 2021-2025.

Theo đại biểu Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng), kỳ họp lần này có khối lượng công việc lớn, thời gian họp dài gấp rưỡi các kỳ họp trước. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như Chính phủ đã chuẩn bị rất chu đáo, giúp các đại biểu Quốc hội có thể thảo luận cho ý kiến và quyết định những vấn đề lớn cũng như cho ý kiến với nhiều nhân sự quan trọng.

Đại biểu Bùi Thanh Tùng cũng cho rằng, đây là kỳ họp tiếp tục có nhiều đổi mới, từ việc cung cấp thông tin cho đại biểu thông qua hệ thống thông tin điện tử, giúp đại biểu tiếp cận một cách nhanh chóng và linh hoạt hơn với những thông tin được cung cấp, thảo luận tại hội trường, thảo luận tổ... Bên cạnh đó, việc đổi mới trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn giúp đại biểu đến các tư lệnh ngành phát huy tinh thần trách nhiệm rất cao, phát biểu thẳng thắn, dân chủ và có nhiều ý kiến rất sôi nổi, xác đáng.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP. HCM) cũng đánh giá, phiên chất vấn tại kỳ họp này để lại nhiều dấu ấn cho đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước. Tại kỳ họp này, phương thức chất vấn hỏi nhanh, đáp gọn tiếp tục được áp dụng. “Nhiều đại biểu nắm chắc vấn đề, đưa ra câu hỏi rất sắc sảo. Vì vậy đòi hỏi các Bộ trưởng trả lời cũng phải sắc sảo thì mới đáp ứng được yêu cầu của đại biểu”- đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng trăn trở, trong phiên chất vấn một số tư lệnh ngành còn trả lời chung chung, chưa trúng vấn đề. “Trách nhiệm của Bộ trưởng là phải đưa ra được giải pháp đột phá để tháo gỡ và khắc phục vấn đề. Các Bộ trưởng nên trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm, tránh trả lời dài dòng, vòng vo. Tôi nghĩ rằng, đây cũng là điều mà các Bộ trưởng cũng nên quan tâm lắng nghe ý kiến đại biểu để phần trả lời của mình thuyết phục hơn”- đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho hay.

Cũng như các kỳ họp trước, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu đánh giá cao vai trò của Đoàn Chủ tịch khi điều hành các phiên họp. Các đại biểu đều có chung nhận xét, sự điều hành của Chủ tịch Đoàn, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội rất linh hoạt, kiên quyết, thuyết phục, tạo nên một kỳ họp nghiêm túc, hiệu quả nhưng không quá căng thẳng.

Kỳ họp quyết định nhiều vấn đề quan trọng

Các đại biểu cũng đánh giá, điểm nhấn của kỳ họp là đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) ấn tượng về kỳ họp có rất nhiều nội dung được thông qua. Theo đại biểu, tại kỳ họp này, Quốc hội thông qua 11 luật, bộ luật, 17 nghị quyết với sự đồng thuận cao và cho ý kiến 10 dự án luật khác. Trong đó, có những dự án luật được người dân và cử tri cả nước đặc biệt quan tâm như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Bộ luật Lao động (sửa đổi); Nghị quyết về vấn đề thực hiện giai đoạn 1 của Dự án sân bay Long Thành...

“Dự án sân bay Long Thành được đưa ra thảo luận từ Quốc hội khóa XIII , đến Quốc hội khóa XIV bây giờ mới thí điểm đưa ra để thực hiện. Đây là điểm đột phá nhằm mở rộng quan hệ, phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cũng đưa sức cạnh tranh sân bay quốc tế của Việt Nam với các nước trong khu vực...”- đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho biết.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, việc thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại kỳ họp này được nhân dân và xã hội đặc biệt quan tâm. Các nội dung được sửa đổi, bổ sung sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; tạo khung pháp lý thúc đẩy thị trường lao động phát triển phù hợp với bối cảnh mới về hội nhập; bảo đảm tốt hơn và hài hòa quyền, lợi ích chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động…

Với 100% đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Căm-pu-chia cùng Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Căm-pu-chia.

Việc phê chuẩn hai văn kiện này sẽ là bước đệm quan trọng trong việc xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết truyền thống, hữu nghị, hợp tác, đối tác chiến lược, toàn diện giữa Nhà nước và nhân dân hai nước; đồng thời là cơ sở chính trị, pháp lý để tiếp tục giải quyết những vấn đề còn lại về phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới.

Quốc hội đã dành nhiều thời gian để thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, phương hướng nhiệm vụ năm 2020; qua đó, ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để đưa năm 2019 trở thành năm thứ hai liên tiếp đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu Quốc hội đề ra về kinh tế - xã hội.

Quốc hội cũng đã thẳng thắn phân tích, chỉ rõ những khó khăn, thách thức, những bất cập, yếu kém của nền kinh tế và đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Trước diễn biến trên thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, trong đó có tình hình phức tạp ở Biển Đông, Quốc hội yêu cầu tiếp tục chủ động theo dõi sát tình hình thực tiễn để kịp thời có giải pháp ứng phó phù hợp với những vấn đề phát sinh; kiên trì, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Cũng tại kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội ban hành Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.  

Đề án bao gồm hệ thống các giải pháp toàn diện nhằm khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải về chính sách, về nguồn lực đầu tư và là căn cứ để xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi cho giai đoạn 2021-2030; tạo đột phá cho chính sách dân tộc nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các vùng, miền và địa phương; phát huy tinh thần tự lực vươn lên của đồng bào, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội của các vùng này so với cả nước, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc.                               

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, đến thời điểm này, những mục tiêu lớn về kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 đã hoàn thành ở mức cao. Các đại biểu mong muốn giai đoạn tiếp theo phải tạo ra đột phá, từ đó có thể đưa mức thu nhập, năng suất lao động đạt được mức thu nhập trung bình cao.

"Mặc dù tốc độ tăng trưởng của Việt Nam ghi nhận là cao nhưng mức thu nhập lại thấp. Chúng tôi kỳ vọng nhiều hơn ở năm 2020 phải tạo ra được tiền đề mạnh hơn để bứt phá về kinh tế xã hội" - đại biểu Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.

Đại biểu Hoàng Văn Cường đánh giá cao tại kỳ họp này Quốc hội đã có những quyết định quan trọng liên quan đến bộ máy nhân sự. "Chúng ta cũng làm ngay mà không phải chờ đợi đến kỳ đại hội. Hành động nghiêm túc, quy cách thực hiện chặt chẽ của Chính phủ cũng cho thấy rõ ràng các bước đi định hướng tiếp theo liên quan đến nhân sự bộ máy của Quốc hội", đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long) cho rằng, kỳ họp đã thực sự thành công tốt đẹp khi đại biểu đã mang được tiếng nói của đồng bào cử tri đến diễn đàn Quốc hội. Đây là kỳ họp mà Quốc hội đã thực hiện một khối công việc lớn. Theo đại biểu, các luật, bộ luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này đã tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế của nước ta, thúc đẩy kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, để hệ thống luật đi vào thực tiễn cuộc sống, đại biểu Phạm Tất Thắng cho rằng, trước tiên hệ thống văn bản hướng dẫn luật phải được soạn thảo một cách đồng bộ, kỹ lưỡng và kịp thời với việc ban hành luật.

Bên cạnh đó, khi tổ chức triển khai, đòi hỏi nguồn lực con người- những người thực thi pháp luật phải có kiến thức vững chắc, vận dụng luật tốt và có thần trách nhiệm cao. Đồng thời, Chính phủ cũng phải dành nguồn lực về cơ sở vật chất, kinh phí để công tác tổ chức thực hiện luật đạt hiệu quả, thực sự đáp ứng được nguyện vọng của cử tri cả nước.

Trong phiên bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Kết quả kỳ họp tạo niềm tin, sự phấn khởi, đoàn kết, nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ đã được Quốc hội giao.

Năm 2020 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; đồng thời sẽ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tiếp theo.  Đây cũng là năm có nhiều sự kiện chính trị, ngoại giao rất quan trọng như: Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...                         

Đây cũng là năm chúng ta bắt đầu vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; đồng thời đảm nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2020, Chủ tịch Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) lần thứ 41...                               
Vì vậy, cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng tâm, hiệp lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân mới có thể bảo đảm hoàn thành tốt một khối lượng công việc lớn và những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho năm 2020. 

Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành khẩn trương triển khai thực hiện các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua; chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật; nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của đại biểu Quốc hội, của cử tri và nhân dân để có giải pháp thiết thực hơn nhằm tạo chuyển biến tích cực trong lĩnh vực quản lý cũng như bảo đảm tiến độ, chất lượng các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp sau.                 

Đồng thời, cần chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ để bảo đảm hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ đề ra, tổ chức thành công các sự kiện quan trọng của Đảng, Nhà nước, đạt nhiều thành tích chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc.           

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội kịp thời báo cáo kết quả kỳ họp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để kịp thời phản ánh, kiến nghị với Quốc hội, với Chính phủ, các cơ quan hữu quan và hoàn thành tốt hơn nữa trọng trách của người đại biểu nhân dân.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất