Sáng ngày 30-8-2013, tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với Tạp chí Xây dựng Đảng, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở vùng Tây Nguyên và phụ cận”. Chủ trì Hội thảo có đồng chí Trung tướng Triệu Xuân Hòa, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và đồng chí Lê Quang Hoan, Phó tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng. Dự Hội thảo còn có lãnh đạo ban tổ chức, sở nội vụ các tỉnh thuộc Tây Nguyên và vùng phụ cận; các vụ thuộc Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; lãnh đạo Học viện Hành chính, phân viện Tây Nguyên; đại diện Bộ Tư lệnh Biên phòng; lãnh đạo Trường Văn hóa 3, Bộ Công an và các nhà khoa học, các phóng viên phát thanh, truyền hình của Trung ương và địa phương.
Qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 18-01-2002 của Bộ Chính trị, các tỉnh vùng Tây Nguyên và phụ cận đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở và người hoạt động không chuyên trách ở xã, thị trấn và địa bàn dân cư. Nhờ vậy, công tác quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở ở Tây Nguyên và vùng phụ cận đã có những chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng thực lực hệ thống chính trị trên địa bàn toàn vùng.
Nhìn chung, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở ở Tây Nguyên và vùng phụ cận trong thời gian qua đã góp phần khắc phục tình trạng thiếu hụt cán bộ, công chức ở cấp xã; từng bước chuẩn hóa, trẻ hóa đội ngũ; nhiều cán bộ, công chức đã phát huy được năng lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với sự phối hợp của các bộ, ngành Trung ương, các địa phương vùng Tây Nguyên và phụ cận đã có nhiều giải pháp, chủ động, linh hoạt, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở; cho các cơ sở đào tạo tại địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập về nhận thức trong công tác xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, trong xây dựng buôn làng theo hướng tự quản; việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho già làng, trưởng bản, chủ hộ gia đình dọc tuyến biên giới chưa đáp ứng được yêu cầu.
Công tác tạo nguồn cán bộ cơ sở, nhất là đối với nguồn cán bộ là người dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, chưa có thực sự có hiệu quả. Tiến độ và chất lượng quy hoạch, tạo nguồn cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng cho hiện tại và tương lai.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cơ sở đạt chuẩn theo vị trí việc làm chưa đáp ứng được yêu cầu. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng chưa thật sự phù hợp với đối tượng và đặc thù của các địa phương trong vùng; phương thức và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng nhiều khi còn chồng chéo, chưa sát với thực tế.
Vẫn còn 22,34% cán bộ, công chức cấp xã chưa qua đào tạo chuyên môn và 23,79% chưa qua đào tạo lý luận chính trị. Tỷ lệ cán bộ chuyên trách chưa qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ còn rất cao, chiếm 44,2%; tỷ lệ chưa qua đào tạo lý luận chính trị còn nhiều. Tỷ lệ công chức chưa qua đào tạo lý luận chính trị chiếm 79,6% và tỷ lệ cán bộ, công chức đã qua đào tạo, bồi dưỡng về quản lý nhà nước rất ít. Một số cán bộ, công chức người Kinh không biết tiếng dân tộc tại chỗ nên ảnh hưởng nhiều đến việc giao tiếp, vận động quần chúng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Việc đào tạo cán bộ, công chức ở cơ sở nhất là người dân tộc thiểu số chưa hiệu quả.
Trình độ, năng lực thực tiễn của một bộ phận cán bộ, công chức cơ sở còn thấp và không đồng đều, một số làm việc thụ động, cảm tính. Đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở còn nhiều bất cập về số lượng, chất lượng, chế độ làm việc và nhiệm vụ được giao.
Việc tuyển dụng, bố trí và sử dụng còn nhiều bất cập, nhiều nơi chưa tìm được giải pháp khả thi để làm tốt khâu này. Mâu thuẫn giữa mục tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ với việc bổ sung mới cán bộ qua các kỳ bầu cử chưa được giải quyết triệt để. Còn nhiều cán bộ, công chức cao tuổi, không đạt chuẩn nhưng chưa có chính sách phù hợp để giải quyết chế độ và bổ sung, thay thế cán bộ trẻ, có năng lực, được đào tạo cơ bản.
Chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cơ sở còn có những khó khăn, còn mang tính bình quân, chưa cụ thể hóa cho phù hợp với tính đặc thù, phức tạp của từng địa bàn. Đặc biệt đối với đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở, chế độ làm việc, phụ cấp và một số chế độ khác còn rất bất cập.
Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc của chính quyền cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng biên giới còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Năng lực quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở ở một số địa phương trong vùng rất hạn chế, thiếu thực lực, chưa đủ sức giải quyết các vấn đề phức tạp phát sinh trong thực tiễn. Một số nơi chính quyền cơ sở hoạt động yếu, hiệu quả không cao, còn quan liêu, xa dân, không nắm được dân, một số vấn đề bức xúc trong xã hội chưa được giải quyết tốt.
Tình hình an ninh cơ sở ở Tây Nguyên vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định, công tác đảm bảo an ninh cơ sở còn bộc lộ một số yếu kém, chưa tạo được chuyển biến cơ bản, vững chắc và đồng bộ…
Những hạn chế, bất cập này đã làm cho hệ thống chính trị cơ sở trong vùng còn thiếu thực lực, nhiều nơi nắm dân không chắc, nắm tình hình hoạt động FULRO chưa tốt. Việc bảo đảm an ninh nông thôn, bố trí dân cư khu vực biên giới, giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện trong nội bộ dân cư,… nhiều nơi làm chưa tốt dẫn đến tiềm ẩn nhiều yếu tố để các thế lực thù địch lợi dụng, chống phá chính quyền cơ sở.
Thời gian tới, thực hiện Kết luận số 12-KL/TW ngày 24-10-2011 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) phát triển Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020”, và Kết luận số 64-KL/TW ngày 28-5-2013 của Ban Chấp hành Trung ương “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở”, đang đặt ra nhiều nội dung mới, yêu cầu mới trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở vùng Tây Nguyên và phụ cận.
Hội thảo tập trung vào thảo luận một số vấn đề chủ yếu:
1. Về đánh giá đúng thực trạng tình hình đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở vùng Tây Nguyên và phụ cận.
2. Kinh nghiệm và các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị cơ sở, nhất là cán bộ nữ, trẻ, dân tộc thiểu số, nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của nhiệm vụ chính trị ngay tại cơ sở.
3. Các chính sách, giải pháp xây dựng buôn làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng tự quản có hiệu quả và chất lượng như Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị đã xác định.
4. Qua đó, đề xuất, kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về các chủ trương, chính sách, giải pháp sát, đúng với thực tế tình hình Tây Nguyên và vùng phụ cận góp phần quan trọng vào việc xây dựng Tây Nguyên và các huyện miền núi của các tỉnh giáp Tây Nguyên phát triển theo hướng toàn diện và bền vững.
Hà Thư