Phát biểu mở đầu phiên chất vấn sáng nay (30-10), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, thời gian qua, việc thực hiện 6 Nghị quyết của Quốc hội đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự nỗ lực cao của Chính phủ và các thành viên Chính phủ trong công tác chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, bên cạnh những nội dung đã thực hiện tốt, vẫn còn những nhiệm vụ Quốc hội giao cần có thời gian để triển khai thực hiện,...Phiên chất vấn chính là thể hiện sự giám sát của Quốc hội nhằm chỉ ra những vướng mắc, tồn tại, bàn thảo các giải pháp tháo gỡ, để thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Do tính chất của phiên chất vấn là về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và nghị quyết chất vấn nên các câu hỏi đại biểu đặt ra có nội dung thuộc ngành nào thì người đứng đầu ngành đó trả lời.
Những vấn đề chung thuộc trách nhiệm của Chính phủ thì Thủ tướng và Phó Thủ tướng trả lời. Riêng nội dung của Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ do Phó Thủ tướng trả lời. Thủ tướng Chính phủ sẽ phát biểu làm rõ thêm các vấn đề vào cuối phiên chất vấn.
Các đại biểu nêu câu hỏi không quá 1 phút và người trả lời không quá 3 phút cho một đại biểu. Người trả lời cần đi thẳng vào vấn đề mà đại biểu quan tâm, đồng thời nêu rõ phương hướng khắc phục trong thời gian tới.
Trong sáng 30-10, các đại biểu Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày báo cáo của Chính phủ tổng hợp việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XIV.
Báo cáo nêu rõ, sau Kỳ họp thứ 2, thứ 3 và thứ 4 (khóa XIV), Quốc hội đã ban hành các Nghị quyết số 43/2017/QH14, số 56/2017/QH14 về giám sát chuyên đề, các Nghị quyết số 33/2016/QH14, số 44/2017/QH14 và số 55/2017/QH14 về hoạt động chất vấn.
Xác định những nhiệm vụ đã cam kết tại các phiên chất vấn qua các kỳ họp có ảnh hưởng lớn trong công tác chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra.
Thực hiện Nghị quyết số 43/2017/QH14 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì hoàn thiện Báo cáo đánh giá 5 năm thi hành Luật An toàn thực phẩm và tiếp tục nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật An toàn thực phẩm khi đủ điều kiện, bảo đảm tính khả thi; tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn thực phẩm theo hướng ưu tiên hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn của các nước là thị trường xuất nhập khẩu chính; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn quản lý hệ thống tiến tiến, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Liên quan đến kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/2016/QH14 về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV, về rà soát, đánh giá tổng thể thực trạng, mức độ thiệt hại, xử lý dứt điểm đối với các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì rà soát, cập nhật, hoàn thiện nội dung “Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.”
Sau hơn một năm triển khai thực hiện công tác rà soát, đánh giá, xử lý tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp thuộc ngành công thương cho thấy công tác chỉ đạo xử lý tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp đã được thực hiện thống nhất, đồng bộ, bảo đảm bám sát quan điểm, mục tiêu, nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị và phương án, giải pháp xử lý các dự án, doanh nghiệp theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đối với kết quả thực hiện Nghị quyết số 44/2017/QH14 về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XIV, liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1819/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020. Công tác quản lý sản xuất và kinh doanh phân bón thời gian qua đã đạt được một số kết quả, đã xây dựng quy hoạch phân bón làm cơ sở phát triển công nghiệp phân bón gắn liền với phát triển hệ thống phân phối, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, phù hợp với quy hoạch phát triển nông nghiệp và các ngành công nghiệp khác có liên quan.
Về xử lý các sai phạm trong lĩnh vực phân bón, Chính phủ cũng đã ban hành các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón; triển khai xây dựng hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân bón; thống nhất giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm đầu mối chịu trách nhiệm công tác quản lý phân bón...
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2016-2020, danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020, danh sách các huyện nghèo và huyện thoát nghèo giai đoạn 2018-2020. Đây là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành phân khai nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ các địa bàn khó khăn, vùng dân tộc và miền núi...
Trong việc thực hiện Nghị quyết số 55/2017/QH14 về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, về ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa phương thức quản lý, cơ quan thuế, hải quan đã, đang tiếp tục thực hiện các dự án ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đổi mới hoạt động quản lý của ngành, phấn đấu thực hiện các mục tiêu đã giao tại Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP và Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử.
Về tăng cường quản lý hoạt động tạm nhập, tái xuất, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan, khắc phục tồn tại, bất cập, quản lý chặt chẽ, hạn chế việc lợi dụng tạm nhập, tái xuất để buôn lậu, gian lận thương mại.
Chính phủ đã tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp chống thất thu ngân sách nhà nước, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, tích cực triển khai các giải pháp đôn đốc thu hồi nợ đọng, tăng cường hỗ trợ người nộp thuế; xác định rõ nhóm đối tượng rủi ro cần tập trung kiểm tra, khảo sát để điều chỉnh doanh thu ấn định thuế.