Nhớ đồng chí Nguyễn Văn Linh

Tưởng niệm 12 năm Ngày đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh từ trần (27-4-1998 - 27-4-2010) vào dịp toàn Đảng, toàn dân đang thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", triển khai đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Ðại hội toàn quốc lần thứ XI của Ðảng. Tạp chí Xây dựng Đảng trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết Nhớ đồng chí Nguyễn Văn Linh của đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội.

 

Có một người đã vĩnh biệt chúng ta, nhưng tên tuổi và sự nghiệp của con người ấy luôn sống trong lòng mọi người, mãi mãi gắn bó với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Ðảng và nhân dân. Người ấy là đồng chí Nguyễn Văn Linh, tên thật là Nguyễn Văn Cúc, tên thường gọi là Mười Cúc.

 

Với niềm kính trọng và quý mến từ đáy lòng, từ lâu trong tôi luôn có sự thôi thúc viết những dòng tưởng nhớ một con người đã về cõi thiêng, về với Bác Hồ. Nhưng lại cũng có những lý do khiến tôi dè dặt mỗi khi định cầm cây bút, vì đã có và sẽ có nhiều bài viết rất hay và sâu sắc về một con người vừa có tư tưởng, lý tưởng và đạo đức cao đẹp, lớn lao; vừa có những nét đẹp đời thường rất đỗi sáng trong, bình dị.

 

Ðiếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, do Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đọc đã dành những lời tốt đẹp nói về đồng chí: "Ðồng chí đã để lại cho cán bộ và nhân dân ta một tấm gương trong sáng về phẩm chất của người cộng sản "Tận trung với nước, tận hiếu với dân", sống trung thực, thẳng thắn, chan hòa, gần gũi mọi người, giản dị và cần kiệm, ghét thói phô trương, hình thức...".

 

Diễn văn của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng đọc tại kỷ niệm lần thứ 90 Ngày sinh đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh có những lời đánh giá hết sức trân trọng: Ðồng chí là "một nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo, kiên định về lập trường, nguyên tắc, nhưng luôn trăn trở, tìm tòi, sáng tạo trước những nhiệm vụ mới của cách mạng, của thực tiễn...", "Hơn 10 năm bị giam cầm, tra tấn trong ngục tù Côn Ðảo, 30 năm gian khổ trong hai cuộc kháng chiến ở miền Nam, cho đến khi trở thành Tổng Bí thư của Ðảng, đồng chí vẫn giữ nguyên đức tính liêm khiết, khiêm tốn, giản dị của người cách mạng, giữ gìn cuộc sống cá nhân mẫu mực, trong sáng theo gương Bác Hồ"...;

 

"...Là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn luôn nêu cao đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư"...

 

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Linh như là một sự lựa chọn của lịch sử. Ðúng vào lúc Ðảng, đất nước, nhân dân yêu cầu, đồng chí xuất hiện trên những cương vị khác nhau. Không ồn ào, chói lóa, mà luôn hết sức chân thành, khiêm tốn, điềm tĩnh đón nhận những trọng trách hết sức nặng nề. Trọng trách cuối cùng mà đồng chí được giao là đứng đầu Ðảng ta, Ðảng do Bác Hồ sáng lập và rèn luyện, tại thời điểm đất nước đang trong cơn khủng hoảng kinh tế xã hội, đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách. Công cuộc đổi mới bắt đầu từ Ðại hội VI, với yêu cầu phải đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, với tinh thần "nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật". Với tuyên ngôn đổi mới của Ðại hội VI, đồng chí đã bình tĩnh đảm nhiệm vai trò người cầm lái con thuyền của Ðảng vững vàng vượt qua sóng gió, vượt qua muôn ngàn lực cản để mở cánh cửa đổi mới, đón ánh nắng và không khí trong lành, mang lại những nguồn sinh lực mới cho Ðảng và đất nước.

 

Ở đồng chí Nguyễn Văn Linh, mọi người đều nhận rõ những phẩm chất hết sức nổi bật: tấm lòng sắt son, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng không gì lay chuyển được, nhưng đồng thời, lại rất mạnh mẽ, quyết liệt và giàu sức sáng tạo đến không ngờ. Trung thành và sáng tạo, hai phẩm chất vô cùng quan trọng được hòa quyện trong một con người, được thể hiện một cách điển hình và mẫu mực ở đồng chí Nguyễn Văn Linh.

 

Theo đồng chí kể lại thì 10 năm trong lao tù đế quốc thực dân là quãng thời gian, là môi trường luyện rèn, thử thách ý chí, lòng dũng cảm của người chiến sĩ cách mạng; hằng ngày, hằng giờ phải đương đầu với sự tra tấn dã man của thực dân, đế quốc và đồng thời nơi đấy cũng là trường học hết sức đặc biệt. Những người cộng sản không được tham gia hoạt động ở bên ngoài thì tranh thủ thời gian trong lao tù để tự học, tự nâng cao trình độ văn hóa, lý luận, ngoại ngữ với phương châm "biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng". Cho nên, những kiến thức lý luận được chắt lọc, lắng đọng trong con người đồng chí đều là những giá trị cốt lõi, chứa đựng trong đó vừa là những chân lý phổ biến của lý luận cách mạng, vừa là những bài học kinh nghiệm được sàng lọc, kiểm nghiệm, đúc rút từ thực tiễn vô cùng phong phú của cách mạng Việt Nam. Môi trường ấy không thể dung nạp sự quan liêu, kinh viện, giáo điều. Và nhất là không có chỗ tồn tại cho chủ nghĩa cá nhân. Phải chăng, đó chính là điều mà chúng ta có thể lý giải về nguồn gốc của phẩm chất trung thành và sáng tạo, sự chính trực và liêm khiết được kết tinh trong con người đồng chí Nguyễn Văn Linh.

 

Tôi được gặp đồng chí Mười Cúc lần đầu tiên vào dịp cuối năm 1974 ở chiến trường B2, Tây Ninh. Trong chiến trường khi đó, lứa tuổi chúng tôi đều gọi đồng chí theo cách xưng hô Nam Bộ, gần gũi và kính trọng: Chú Mười Cúc. Chú Mười tới thăm và nói chuyện với đoàn cán bộ "R" được "hạ phóng" từ chiến khu Lò Gò - Xa Mát xuống các tỉnh miền Ðông Nam Bộ để tham gia cuộc chiến đấu giành dân, giữ đất, mở rộng vùng giải phóng sau Hiệp định Pa-ri. Vào lúc ấy, chúng tôi hoàn toàn không biết được sau đó không lâu, Trung ương sẽ quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

 

Với sự ngưỡng mộ pha chút hiếu kỳ của tuổi trẻ, tôi chăm chú quan sát ngay từ lúc chú Mười Cúc vừa từ "xe ôm"(1) bước xuống. Chú Mười đi dép râu, bận bộ bà ba hơi rộng, mầu tro sáng. Dáng đi của chú hơi lao về phía trước. Và tôi nhớ quần của chú có một mảng vá. Nội dung bài nói chuyện của chú hôm đó tôi ghi khá đầy đủ trong sổ tay công tác. Chú nói tình hình thời sự chiến trường, về chủ trương đánh địch mở rộng vùng giải phóng và những công việc cần phải làm sau khi miền Nam giải phóng, v.v... Trong số những điều chú Mười nói, tôi rất nhớ việc chú quả quyết sau khi miền Nam giải phóng sẽ không làm HTX nông nghiệp như cách miền Bắc đã làm bởi những đặc điểm của nông thôn Nam Bộ không giống như ở miền Bắc. Nếu gọi là tư duy đổi mới, thì ngay từ lúc đó chú Mười Cúc đã ấp ủ, đã dự tính những biện pháp, cách làm đổi mới, phù hợp với thực tiễn của miền Nam, chứ không rập khuôn, sao chép.

 

Ngay từ lần gặp ấy, tôi nhận thấy chú Mười là một người lãnh đạo rất giản dị. Giản dị trong ăn, ở, sinh hoạt; giản dị trong cách nói nhẹ nhàng, mộc mạc, dễ hiểu; kể cả sau này, khi là Tổng Bí thư, đồng chí vẫn giữ phong cách ấy. Qua buổi nói chuyện hôm ấy, có một chi tiết làm tôi đặc biệt chú ý, là chú Mười đi xa quê hương Hưng Yên đã rất lâu, từ khi chưa tròn 15 tuổi, hoạt động bám đất, bám dân mấy chục năm ở chiến trường Nam Bộ, nhưng vẫn giữ nguyên ngôn từ, giọng nói Hưng Yên.

 

Không bao lâu sau, Sài Gòn được giải phóng, đất nước hòa bình, thống nhất, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Biết bao là công việc mới mẻ và khó khăn sau khi chính quyền cách mạng tiếp quản một thành phố 4 - 5 triệu dân. Tiếp theo đó là những diễn biến tình hình ở trong nước và thế giới, đặc biệt là những đảo lộn không ai có thể lường được ở Liên Xô và Ðông Âu đã xảy ra. Ðó là khoảng thời gian, được nhiều người gọi bằng cái tên những đêm trước đổi mới.

 

Vào thời điểm vô cùng khó khăn ấy, nếu cứ tiếp tục cách nghĩ, cách làm của cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp thì đất nước không thể thoát ra khỏi trì trệ, khủng hoảng, càng không thể tạo được động lực để đưa đất nước tiến lên. Nhưng đổi mới thế nào, bắt đầu từ đâu để không vấp phải những sai lầm chết người, không xa rời nguyên tắc và mục tiêu, lý tưởng, dẫn tới sự chênh vênh, đổ vỡ như Liên Xô và Ðông Âu? Ðổi mới như thế nào mà vẫn giữ vững mục tiêu chủ nghĩa xã hội, vừa tạo được sự nhất trí trong Ðảng và trong nhân dân? Ðó là những câu hỏi lớn đặt ra cho Ðảng, cho đất nước và nhân dân ta. Ðể trả lời những câu hỏi đó, vào lúc ấy thật không đơn giản. Với cương vị Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí là người luôn khuyến khích, cổ vũ, động viên những ai dám tìm tòi, đổi mới, dám "xé rào" để đưa sự nghiệp cách mạng tiếp tục tiến lên phía trước; cổ vũ các đồng chí mình hãy dũng cảm thay đổi cách nghĩ, cách làm khi cơ chế, chính sách ở cấp vĩ mô chưa thay đổi. Ðồng chí đã có những lời khuyên vào thời điểm ấy nghe thật là "kinh thiên, động địa", rất sáng tạo nhưng cũng rất mực nguyên tắc: "Phải tự cứu lấy mình trước khi trời cứu", "Nếu phải đi ở tù thì tôi sẽ đem cơm thăm nuôi", "Mình phải chặt chẽ với mình. Khi thấy mình là đúng, có ý thức xây dựng thì phải kiên quyết bảo vệ chân lý, phải dũng cảm". "Ðổi mới là một cuộc cách mạng sâu sắc, triệt để: đổi mới tư duy, đổi mới chính sách, đổi mới tổ chức, đổi mới cán bộ... Người lãnh đạo mà bảo thủ, sai lầm, không chấp nhận đổi mới thật sự thì không thể lãnh đạo được". Những lời khích lệ, động viên ấy đến hôm nay vẫn hết sức cần thiết đối với chúng ta. (Nói chuyện với văn nghệ sĩ. Báo Văn nghệ, số 42-ngày 17-10-1987).

 

Hiếm có một nhà lãnh đạo nào đã trải qua những chặng đường như  đồng chí đã trải qua: vào rồi lại ra, rồi lại được Trung ương bầu lại vào Bộ Chính trị. Dù lịch sử có những lúc phải đi qua những chặng đường gồ ghề, khúc khuỷu; phải trải qua những lựa chọn hết sức khó khăn, nhưng cuối cùng là một lựa chọn đúng đắn và sáng suốt của Ðảng ta: Ðồng chí Mười Cúc - Nguyễn Văn Linh được Ðại hội toàn quốc lần thứ VI của Ðảng năm 1986 bầu giữ chức Tổng Bí thư của Ðảng. Trước Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí đã phát biểu những lời hết sức chân thành và xúc động: "Các đồng chí lãnh đạo lớp trước đều cao hơn hẳn chúng ta một hoặc nhiều cái đầu. Còn bây giờ chúng ta ở đây chắc không hơn nhau sợi tóc. Vì thế tôi và các đồng chí cần khiêm tốn học hỏi lẫn nhau, giúp đỡ nhau gánh vác công việc chung hết sức nặng nề do Ðảng và nhân dân giao phó...".

 

Trong thời gian Ðại hội VI diễn ra, tôi có may mắn được tham gia Tiểu ban phục vụ và được phân công tiếp nhận hồ sơ lý lịch của đồng chí để soạn thảo tiểu sử cung cấp cho báo chí trong nước và quốc tế. Chú Mười vừa dùng bữa cơm tối, vừa nghe đồng chí Sáu Thảo đọc dự thảo tiểu sử của mình. Chú yêu cầu sửa chữa một vài chỗ, trong đó có một câu viết về việc khi chú đang là học sinh đã tham gia rải truyền đơn chống thực dân Pháp nên bị bắt, bị bỏ tù và đày ra Côn Ðảo. Chú đề nghị viết thêm mấy chữ "mặc dù khi ấy đồng chí mới 15 tuổi". Mới 15 tuổi mà đã "được" đi ở tù của đế quốc, thực dân. Mới 15 tuổi đã chịu án tù chung thân... Ðó là những dòng tiểu sử đặc sắc của một con người đã được tôi luyện trong lửa đỏ và nước lạnh của trường học cách mạng đầy máu lửa, với kinh nghiệm và vốn sống thực tiễn hết sức phong phú và sôi động.

 

Với một nhiệm kỳ làm Tổng Bí thư, đồng chí Mười Cúc đã góp phần có ý nghĩa quyết định làm xoay chuyển tình thế, mở đường cho sự nghiệp đổi mới tiến lên. Ðể khắc phục những bất cập, lạc hậu của cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, đồng chí đã đưa ra những ý tưởng mới, quan niệm mới, cách làm mới. Ðể làm gương về chống tác phong quan liêu, xa dân, từ bỏ những đặc quyền đặc lợi, đồng chí đã bỏ chế độ Tổng Bí thư đi chuyên cơ trong nước, hằng ngày đi làm việc, đi công tác bằng xe Lada không có máy điều hòa - xe tiêu chuẩn dùng cho cấp thứ trưởng; vào nam ra bắc đi máy bay chung với mọi người; cắt giảm xe bảo vệ, v.v...

 

Trước đây cũng như bây giờ, không ít người muốn thể hiện tình cảm yêu nước thông qua việc khuyến khích dùng hàng Việt Nam. Nhưng những người làm được như đồng chí Mười Cúc thì thật sự không nhiều. Trong căn phòng làm việc của đồng chí Mười Cúc ở T78 thành phố Hồ Chí Minh, mọi tiện nghi trong phòng, từ chiếc quạt bàn, bộ ấm chén, lọ hoa, chiếc đồng hồ treo tường... hết thẩy đều là hàng Việt Nam sản xuất, chất lượng, mẫu mã thuộc loại trung bình. Và quần áo Chú Mười mặc, nói theo từ Nam Bộ, thì "rặt" là đồ nội.

 

Năm tháng đã trôi qua, đến hôm nay mọi người vẫn cảm nhận một cách sâu sắc tính thời sự lớn lao của sự kiện đồng chí Nguyễn Văn Linh tự tay viết bài, tự đến cơ quan Báo Nhân Dân để gửi bài viết về "Những việc cần làm ngay", ký tên N.V.L. Sau này, khi nói chuyện với hội nghị các nhà văn, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã thổ lộ: "Nhiều người hoan nghênh, hưởng ứng nhưng không phải không có những người cho rằng: "Sao lại bôi đen chế độ", "không khéo đây là một kiểu phát động cách mạng văn hóa, v.v...". Mặc dù có những ý kiến như vậy, đồng chí Tổng Bí thư của Ðảng vẫn kiên quyết tuyên chiến với cái xấu, cái tiêu cực trong Ðảng và trong xã hội. Những bài viết ngắn gọn mà rực lửa chiến đấu của N.V.L đã tác động rất mạnh đến tư tưởng, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhiều người đã "dịch" ba chữ N.V.L thành các từ "nói và làm", "nhảy vào lửa"... Ðúng là làm cách mạng, cải tạo xã hội luôn luôn cần phải có những người dám nói và làm, dám dũng cảm nhảy vào lửa...

 

Từ những bài báo này, thông điệp mà xã hội tiếp nhận được là người đứng đầu của Ðảng cảnh báo về sự hệ trọng và cấp bách của cuộc đấu tranh chống tiêu cực trong Ðảng và trong xã hội. "Phải quyết liệt chống tiêu cực thì nhân tố mới mới thật sự có chỗ đứng, giống như có nhổ sạch cỏ dại, diệt sâu rầy thì lúa mới mọc lên vậy". Vào thời điểm ấy, những bài viết của đồng chí Nguyễn Văn Linh trở thành tiêu điểm chú ý của toàn xã hội. Sự hấp dẫn, cuốn hút từ các bài báo "Những việc cần làm ngay" không phải vì cái hay của văn chương, cái mới lạ về bút pháp, phong cách, mà trước hết là bởi các sự kiện, các vấn đề được đề cập đã thực sự nói đúng những vấn đề trọng tâm, bức xúc nhất trong đời sống xã hội, và bởi nhiều sự phê bình, đấu tranh được nêu lên trong các bài viết của đồng chí có tên tuổi, địa chỉ cụ thể, rõ ràng.

 

Vào dịp kỷ niệm 90 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Linh, cùng với bài diễn văn của Ban Chấp hành Trung ương, còn có bài phát biểu tràn đầy tình cảm trân trọng và cảm mến của nguyên Bí thư Trung ương Ðảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Khánh. Ðồng chí Nguyễn Khánh tâm sự: "Với một con người như Anh Nguyễn Văn Linh, khi được tổ chức gợi ý viết bài, mình cảm thấy vô cùng hào hứng và phấn khởi. Anh là một trong những người học trò thật sự xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là về tấm gương mẫu mực của sự liêm khiết và chính trực. Do đó, được viết về Anh là cả một niềm phấn khởi và vinh dự to lớn".

 

Giữa lúc toàn Ðảng, toàn dân ta đang ra sức thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", chúng ta càng thêm tin tưởng, tự hào và nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người đã sáng lập và rèn luyện Ðảng ta; tự hào và nhớ ơn các đồng chí lãnh đạo tiền bối, những người học trò ưu tú đã noi gương Người hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Ðảng và nhân dân; chúng ta nhớ đồng chí Nguyễn Văn Linh, một người lãnh đạo có uy tín lớn đã đi xa, về với Bác Hồ.

 

Nhớ Ðồng chí Nguyễn Văn Linh, một con người như đại văn hào Mác-xim Goóc-ki đã từng nói: Con người hai tiếng ấy vang lên mới kiêu hãnh làm sao; hai tiếng CON NGƯỜI xứng đáng được viết hoa cùng với những tính cách nổi bật của con người ấy.

 

Ðồng chí Nguyễn Văn Linh, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại luôn sống trong tâm trí mọi người, trong lòng Ðảng, lòng dân như thế đấy!
Những đoạn trích dẫn trong bài viết này từ các bài nói, bài viết của đồng chí Nguyễn Văn Linh.

Nguồn: Báo Nhân Dân.

 ------------------------------------

 (1) "xe ôm": Trong thời kỳ chiến tranh, các đồng chí lãnh đạo thường đi công tác bằng phương tiện xe máy, do giao liên, bảo vệ chở đi.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất