Phát triển nguồn nhân lực cho Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Tại Đà Nẵng, Học viện Chính trị - Hành chính Khu vực III và Đại học Kinh tế Đà Nẵng vừa phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học: Phát triển nguồn nhân lực cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Hội thảo với sự tham gia của hơn 100 đại biểu, nhà khoa học đến từ Đà Nẵng, Quảng Nam và Tây Nguyên. Với 45 tham luận gửi đến Ban tổ chức và các ý kiến trình bày tại Hội thảo, nhiều nội dung liên quan đến Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vấn đề nhân lực và việc phát triển nguồn nhân lực được đặt ra và tìm hướng giải quyết.

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm 5 tỉnh, thành: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định chính thức được quy hoạch từ năm 1997 theo Quyết định 1018/1997/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu phát huy tiềm năng, vị trí địa lý và lợi thế so sánh, biến nơi đây  thành vùng hạt nhân tăng trưởng và thúc đẩy khu vực miền Trung - Tây Nguyên cùng phát triển.


Theo các nhà khoa học, sau 15 năm quy hoạch và phát triển, vị thế kinh tế của Vùng ngày càng được cải thiện. Nhiều tiềm năng, lợi thế (như nguồn lao động dồi dào, bờ biển trải dài hơn 500km, 4 di sản thế giới…) được khai thác, phát huy. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư xây dựng, với 4 sân bay, 4 cảng nước sâu, 4 khu kinh tế ven biển, 1 khu công nghệ cao và 9 tuyến quốc lộ phân bổ đều khắp các địa phương, nối liền Bắc - Nam và là cửa ngõ ra biển của Tây Nguyên, trong tương lai là của một số nước trên trục xuyên Á, hành lang Đông Tây và tiểu vùng Mê Công. Cơ cấu kinh tế Vùng chuyển dịch khá nhanh, phù hợp với xu hướng công nghiệp hóa (năm 2010 công nghiệp và xây dựng đóng góp 42,5% GDP). Nhiều ngành công nghiệp chủ lực có quy mô lớn được chú trọng, tạo bước đột phá (như lọc hóa dầu, năng lượng, lắp ráp ô tô, sửa chữa và đóng mới tàu biển, nuôi trồng, khai thác và chế biến nông, lâm, thủy sản, dệt may, da giày, v.v..). Tổng vốn đầu tư cho phát triển chiếm 62,5% GDP. Kim ngạch xuất khẩu tăng trung bình 20%/năm. Tốc độ tăng trưởng GDP cao và khá ổn định (12,9%/năm). Thu nhập bình quân năm 2010 đạt 20,9 triệu đồng/người (bằng 1,12 lần so với trung bình cả nước).


Tuy nhiên, so với cả nước, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung còn rất nhiều khó khăn, hạn chế.  Tỷ trọng các ngành nông, lâm, thủy sản ở một số tỉnh còn cao. Công nghiệp chế biến thô sơ; công nghiệp gia công hàng hóa mang lại giá trị thấp. Trình độ, chất lượng lao động hạn chế. Mô hình phát triển các tỉnh đều có tính tương đồng, chủ yếu dựa trên thế mạnh của tài nguyên đất đai, khoáng sản, biển, lao động rẻ. Đầu tư phân tán, trùng lắp, lại thiếu liên kết, thậm chí còn xung đột lợi ích… nên hiệu quả không cao, tích lũy cho đầu tư phát triển chưa nhiều.


Vấn đề đặt ra là: Làm gì để tạo bước đột phá cho sự phát triển của Vùng từ chính việc phát huy lợi thế, tiềm năng?

Câu trả lời tập trung vào vấn đề nhân lực - nguồn lực con người. Đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao trên cả 2 bình diện: nhân lực lãnh đạo, quản lý điều hành và nhân lực lao động chuyên môn kỹ thuật, lao động lành nghề. Đó chính là đối tượng của hai đơn vị chủ trì Hội thảo. Học viện Chính trị - Hành chính Khu vực III đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong quy hoạch của hệ thống chính trị miền Trung - Tây Nguyên. Đại học Kinh tế Đà Nẵng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ đại học và trên đại học về các ngành kinh tế cho cả Vùng.

Hiện Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có số dân gần 5 triệu người với hơn 60% trong độ tuổi lao động. Cơ cấu lao động nông nghiệp chiếm 47%, công nghiệp-xây dựng 24%, dịch vụ 29%. Là nơi tập trung nhiều cơ sở dạy nghề, các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, học viện (nhất là ở Huế và Đà Nẵng) nên công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực khá thuận lợi. Nhân lực của hệ thống chính trị đang dần đạt chuẩn. Nhân lực có tay nghề cao, có kiến thức chuyên sâu thuộc nhiều ngành kinh tế có thể tham gia hội nhập quốc tế được bổ sung liên tục vào thị trường lao động. Theo thống kê sơ bộ, số lao động được đào tạo những năm gần đây có trình độ sơ cấp 13.000 người, trung cấp 230.000, cao đẳng 85.000 và đại học trở lên 250.000 người. Tuy nhiên có một thực tế: quan hệ giữa đào tạo và sử dụng, giữa trình độ và năng lực thực tế, giữa năng lực và phẩm chất đạo đức của người lao động vẫn còn những khoảng cách…


Theo hướng gắn phạm vi trách nhiệm và tầm ảnh hưởng của mình, nhiều ý kiến của các nhà khoa học, nhất là của các nhà quản lý, giảng viên, nghiên cứu viên của Học viện Chính trị - Hành chính Khu vực III và Đại học kinh tế Đà Nẵng được đề xuất lại Hội thảo:

Một là, thống nhất quan điểm, nhận thức chung về nguồn nhân lực, vai trò nguồn nhân lực; những thuận lợi, khó khăn, đòi hỏi khách quan đối với nguồn nhân lực; phạm vi trách nhiệm của các chủ thể, các lực lượng tham gia công tác phát triển nguồn nhân lực hiện nay.

Hai là, nâng cao chất lượng công tác dự báo nhu cầu nhân lực phục vụ quy hoạch phát triển các ngành và tạo dựng cơ cấu lao động tương thích; xây dựng, bổ sung chính sách, chương trình, dự án cụ thể để nâng cao chất lượng dân số (về thể lực, trí lực), nâng cao kỹ năng nghề cho lực lượng lao động và bồi dưỡng nhân tài; đổi mới nội dung, phương pháp, tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác liên vùng, hợp tác với cơ sở sử dụng lao động trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.

Ba là, phát huy tính tích cực chủ động của các chủ thể lãnh đạo, quản lý nguồn nhân lực (các cấp ủy đảng, chính quyền Trung ương cũng như các tỉnh, thành trong Vùng) trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội toàn Vùng; tạo nguồn (thu hút, đào tạo, đầu tư phát triển, tạo môi trường cống hiến …) đối với nguồn nhân lực chất lượng cao; gắn phát triển với phân bổ, sử dụng, đãi ngộ nguồn nhân lực hợp lý; phát triển đồng bộ hệ thống các trường, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho công tác phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH và hội nhập quốc tế…

 

Bạch Yến

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất