Quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào là tài sản vô giá

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào (5-9-1962-5-9-2012), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trả lời phỏng vấn báo chí về mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong những giai đoạn đấu tranh chống kẻ thù chung, giành độc lập, tự do, hai dân tộc đã kề vai sát cánh, chia ngọt sẻ bùi, hy sinh xương máu và dựa vào nhau để tồn tại và phát triển.

Năm 1962, Việt Nam và Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Quan hệ hai nước trong giai đoạn từ năm 1962 đến năm 1975 là liên minh đoàn kết chiến đấu vì độc lập tự do, giải phóng dân tộc. Trên cơ sở thống nhất về chủ trương, đường lối chính trị, quân sự, bước vào cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung, Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, sát cánh bên nhau, kịp thời đề ra chủ trương, đường lối đúng đắn, đưa cách mạng hai nước tiến lên.

Thắng lợi của cuộc đấu tranh chống ngoại xâm ở Lào đã hỗ trợ tích cực cho cuộc đấu tranh chống xâm lược ở miền Nam, bảo vệ miền Bắc của Việt Nam. Đặc biệt, nhân dân Lào đã kề vai sát cánh với nhân dân Việt Nam trước bom đạn ác liệt của kẻ thù, tạo điều kiện để bộ đội Việt Nam mở đường Trường Sơn và mở các chiến dịch lớn, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975.

Từ sau năm 1975 đến nay, quan hệ giữa Việt Nam và Lào bước sang một thời kỳ mới - thời kỳ từ quan hệ chủ yếu giữa hai Đảng và nhân dân hai nước, chuyển sang quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai Đảng cầm quyền, hai Nhà nước và hai quốc gia độc lập, có chủ quyền, cùng khảo nghiệm, tìm tòi từng bước đổi mới để đưa đất nước phát triển phồn vinh. Bên cạnh mối quan hệ hợp tác chính trị, an ninh quốc phòng hết sức tốt đẹp, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư cũng đang được đẩy mạnh.

Ngày 18-7-1977, hai nước đã ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào và Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia, nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới. Từ sau Đại hội IV của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam, cả hai nước đẩy mạnh công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, quan hệ Việt-Lào đã có những bước phát triển vượt bậc, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước ở mỗi nước.

Nhìn lại chặng đường lịch sử 50 năm qua, đặc biệt qua 35 năm thực hiện Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào, quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt-Lào ngày càng trở nên gắn bó keo sơn và phát triển sâu rộng, trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, đối ngoại, quốc phòng-an ninh, giáo dục đào tạo cho tới kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học-kỹ thuật.

Các cơ chế hợp tác giữa hai nước, đặc biệt là ở cấp cao nhất tiếp tục được tổ chức thường xuyên và phát huy hiệu quả. Quan hệ hợp tác giúp đỡ lẫn nhau giữa các ban Đảng, Bộ, ngành, các đoàn thể, các tổ chức nhân dân và các địa phương hai nước ngày càng được mở rộng và gắn bó.

Hai bên đã ký và thực hiện các Hiệp định hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật Việt Nam-Lào qua các giai đoạn (Hiệp định hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật Việt Nam-Lào giai đoạn 1996-2000; Chiến lược hợp tác 2001-2010, Kế hoạch hợp tác Việt Nam-Lào giai đoạn 2006- 2010; Chiến lược hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học-kỹ thuật Việt Nam-Lào giai đoạn 2011-2020 và Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học-kỹ thuật giữa Chính phủ Việt Nam-Lào giai đoạn 2011-2015).

Hiện nay, Việt Nam có 435 dự án với tổng vốn đầu tư trên 5,2 tỷ USD, đứng ở tốp đầu trong số 53 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Lào. Hai nước phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 1 tỷ USD năm 2012 và đạt 2 tỷ USD năm 2015.

Năm 2012 được Lãnh đạo cấp cao hai nước chọn là "Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào" nhằm thiết thực kỷ niệm hai sự kiện trọng đại là 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 35 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa hai nước.

Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào đã trở thành một tấm gương mẫu mực, thủy chung, trong sáng, vững bền, hiếm có trong quan hệ quốc tế.

Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn gây dựng, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, được thử thách qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân đế quốc vì độc lập dân tộc và ngày càng không ngừng được củng cố, phát triển vững chắc trở nên “rắn như thép, vững như đồng” và phát huy hiệu quả thiết thực; đã trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc và là quy luật phát triển của cách mạng mỗi nước.

Lịch sử đã chứng minh cho thấy nếu không có sự liên minh chiến đấu đoàn kết đặc biệt Việt-Lào thì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của hai nước trước đây khó có thể giành được thắng lợi trọn vẹn và nếu không có mối quan hệ đặc biệt Việt-Lào, thì sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, nhất là trong công cuộc đổi mới ở mỗi nước không thể có được những thành tựu to lớn như vậy.

Chủ tịch nước khẳng định, với những thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước mang tính chỉ đạo xuyên suốt trong tổng thể của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để khẳng định mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào sẽ có bước phát triển mới, năng động, hiệu quả, thiết thực, đáp ứng nguyện vọng thiết tha của nhân dân hai nước là xây dựng thành công nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và xây dựng thành công nước Lào hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và phồn vinh, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất