Quốc hội xem xét Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm
Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia bầu cử bổ sung Ban Thường vụ Quốc hội và Ban sửa đổi Hiến pháp tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa I

Mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội, HĐND đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; giúp những người này nhận thức được mức độ tín nhiệm để có biện pháp phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của mình. Lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm để đánh giá mức độ tín nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn làm cơ sở cho việc đánh giá cán bộ của cơ quan có thẩm quyền.

Việc bỏ phiếu tín nhiệm là việc đại biểu Quốc hội, HĐND thể hiện sự tín nhiệm hoặc không tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn làm cơ sở cho việc miễn nhiệm chức vụ đối với người mà Quốc hội hoặc HĐND không còn tín nhiệm.

Nguyên tắc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm phải bảo đảm quyền và nâng cao trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; tôn trọng quyền được báo cáo, giải trình của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; công khai, công bằng, khách quan, đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; bảo đảm sự ổn định của bộ máy nhà nước, sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ.

Căn cứ đánh giá tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn gồm: Việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của pháp luật; tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống.

Dự kiến, Quốc hội sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm với Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Hội đồng Dân tộc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với các phó chủ tịch, các ủy viên của Hội đồng Dân tộc. Các ủy ban của Quốc hội thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với các phó chủ nhiệm, các ủy viên của Ủy ban mình. HĐND thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch, phó chủ tịch, uỷ viên thường trực HĐND, trưởng các ban của HĐND; chủ tịch, phó chủ tịch và các ủy viên của UBND. Các ban của HĐND thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với phó trưởng ban và các ủy viên của ban mình.

Quốc hội, HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm tại kỳ họp đầu năm, kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ.

Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các ban của HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm tại phiên họp toàn thể của cơ quan mình, kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ; việc lấy phiếu tín nhiệm được hoàn thành trước thời điểm lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội hoặc HĐND.

Dự thảo nghị quyết cũng quy định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn khi có một trong các trường hợp sau đây: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm; khi có kiến nghị của ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội; khi có kiến nghị của HĐND, Ủy ban của Quốc hội; Người được lấy phiếu tín nhiệm có trên hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp”; người được lấy phiếu tín nhiệm 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp”.

Thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu khi có yêu cầu của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân; khi có kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp; người được lấy phiếu tín nhiệm có trên hai phần ba tổng số đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp”; người được lấy phiếu tín nhiệm 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp”.

Nếu được thông qua, Nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-2-2013.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất