|
Các đồng chí lãnh đạo tặng Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương cho 10 cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác dư luận xã hội năm 2022.
|
Đây là hội nghị công
tác dư luận xã hội quy mô toàn quốc lần đầu tiên do Ban Tuyên giáo Trung ương
và Đảng uỷ Khối Các cơ quan Trung ương phối hợp tổ chức. Dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí
thư Tỉnh uỷ Khánh Hoà; lãnh đạo, cán bộ làm công tác dư luận xã hội,
cộng tác viên dư luận xã hội của ban tuyên giáo các tỉnh uỷ, thành uỷ trực
thuộc Trung ương và các đảng uỷ trực thuộc Đảng uỷ Khối Các cơ quan Trung ương.
Công việc quan trọng hàng đầu
nhằm đề ra chủ trương, đường lối cách mạng hợp lòng dân
Phát biểu khai mạc tại Hội
nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ
quan Trung ương khẳng định, ngay từ khi mới
thành lập, Đảng đã coi việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý chí của nhân dân là
một trong những công việc quan trọng hàng đầu nhằm đề ra các chủ trương, đường
lối cách mạng phù hợp với lòng dân. Công tác
nghiên cứu dư luận xã hội được Đảng ta chú trọng và yêu cầu các cấp ủy phải coi
đó là một nhiệm vụ tiến hành thường xuyên, liên tục. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, từ cấp
Trung ương cho đến cơ sở, sẽ khó trở thành hiện thực, khó đi vào cuộc sống nếu
không thực sự quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
|
Đ/c Nguyễn Văn Thể phát biểu tại Hội nghị.
|
Theo đồng
chí Nguyễn Văn Thể, trong năm 2022, tình hình quốc tế và trong nước có những diễn
biến phức tạp, khó lường, bên cạnh thời cơ, thuận lợi, đất nước ta cũng gặp
không ít những khó khăn, thách thức đan xen. Tâm trạng tư tưởng của cán bộ, đảng
viên và các tầng lớp nhân dân cũng có nhiều diễn biến phức tạp, khó dự báo. Tuy
nhiên xu hướng tích cực vẫn là dòng chảy chủ đạo bởi nhiều lý do, trong đó có
những kết quả mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã đạt được, như: Công tác xây dựng,
chỉnh đốn Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí với những kết quả cụ
thể, rõ nét. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng sau khi dịch bệnh Covid-19 tạm thời
được kiểm soát. Chính trị - xã hội được ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng
cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững. Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế
ngày càng phát triển sâu rộng và đạt được những thành tựu nổi bật góp phần nâng
cao nâng cao vị thế đất nước. Đây chính là những nhân tố quan trọng để củng cố,
nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; trong đó có sự
đóng góp quan trọng của công tác dư luận
xã hội và đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội các cấp trên cả nước, đóng góp
vào thành tích chung của Ngành Tuyên giáo và công tác xây dựng Đảng.
Tại Hội nghị, các đại biểu nghe các báo cáo viên truyền đạt
2 chuyên đề: “Công tác dư luận xã hội trong tình hình mới”
và “Các phương pháp nghiên cứu, nắm bắt
dư luận xã hội trong hệ thống tuyên giáo của Đảng”. Báo cáo viên là các đồng
chí lãnh đạo Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương có nhiều kinh nghiệm
về lý luận và thực tiễn trong công tác dư luận xã hội của Đảng. Đây là hoạt động
thiết thực nhằm kịp thời bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dư luận xã hội; cung cấp
thông tin, kiến thức mới, các phương pháp, kỹ năng nắm bắt, tổ chức thăm dò dư
luận xã hội, dự báo, định hướng dư luận xã hội nhằm góp phần nâng cao năng lực
cho đội ngũ cán bộ làm công tác dư luận xã hội trong hệ thống tuyên giáo trên
toàn quốc.
Dấu
ấn nổi bật của công tác dư luận xã hội năm 2022
Năm 2022, Viện Dư luận xã hội
đã phát hành 13 báo cáo nhanh, báo cáo chuyên đề tình hình dư luận xã hội.
Trong đó, có 5 báo cáo nhanh gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tập trung vào những
vấn đề, sự kiện “nóng” được dư luận quan tâm; 8 báo cáo chuyên đề, trong đó có
7 báo cáo phục vụ kỳ họp thứ 3 và kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV.
Viện Dư luận xã hội còn phối hợp
với ban tuyên giáo các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương thực hiện
9 cuộc thăm dò dư luận xã hội. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận xã hội của Viện
đã cung cấp số liệu định lượng cụ thể, khoa học, có giá trị đối với Đảng, Nhà
nước, các ban, bộ, ngành, địa phương và Ngành Tuyên giáo. Nhiều cuộc điều tra
phục vụ thiết thực các Hội nghị Trung ương 5, 6, 7 khóa XIII (khi Trung ương
bàn thảo và quyết định về những vấn đề quan trọng như: việc quản lý và sử dụng
đất; về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống
chính trị trong tình hình mới; về xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức…). Với thông tin khoa học, chính
xác, nhiều báo cáo nhận được phản hồi tích cực từ các đồng chíUỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo các
ban, bộ, ngành Trung ương, coi đây là tài liệu tham khảo quan trọng, đáng tin cậy
trong lãnh đạo, chỉ đạo, thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội.
Năm 2022, ban tuyên giáo các tỉnh
ủy, thành ủy trên cả nước đã thực hiện 125 cuộc điều tra, thăm dò dư luận xã hội.
Đáng chú ý, một số địa phương đã thực hiện trên 5 cuộc thăm dò dư luận xã hội
như: Thành phố Hồ Chí Minh (thực hiện 13 cuộc điều tra), Hà Nội, Đà Nẵng, Cần
Thơ…. Nội dung và chủ đề điều tra dư luận ở các địa phương khá đa dạng, tập trung
vào những vấn đề nóng của địa phương, các đề án, chương trình lớn của tỉnh,
thành phố. Ban tuyên giáo các tỉnh ủy,
thành ủy và một số cơ quan, đơn vị Trung ương đã phát hành 1175 báo cáo tình
hình dư luận xã hội. Trong đó, nhiều tỉnh, thành phố có báo cáo nhanh dư luận
xã hội chất lượng tốt, phản ánh trúng những vấn đề dư luận trong đảng viên và
nhân dân quan tâm.
Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Các cơ quan Trung ương đã tập hợp hàng nghìn ý kiến phản ánh từ đội ngũ cộng
tác viên dư luận xã hội trong Khối (với gần 200 nhóm vấn đề được cán bộ, đảng
viên, công chức, viên chức, người lao động trong Khối các cơ quan Trung ương
quan tâm); phát hành 30 báo cáo tình hình dư luận xã hội gửi Ban Thường vụ và
Viện Dư luận xã hội. Công tác dư luận xã hội tiếp tục được đổi mới theo hướng
tăng cường về cường độ nắm bắt thông tin (một tuần một báo cáo) và theo vấn đề,
sự việc có địa chỉ cụ thể (phản ánh theo từng đảng bộ trực thuộc).
Tiếp tục nâng cao chất lượng
công tác nghiên cứu dư luận xã hội
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng
chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên
giáo Trung ương ghi nhận và đánh giá cao các hoạt động, mô hình, giải pháp mà
nhiều nơi đã linh hoạt, chủ động, tìm tòi nhằm nâng cao chất lượng công tác nắm
bắt, thăm dò dư luận xã hội. Ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực
thuộc Trung ương đã chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy từng bước nâng cao
chất lượng công tác nghiên cứu dư luận xã hội, phục vụ tốt hơn cho công tác
lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, các cấp, các
ngành, các lĩnh vực.
|
Đ/c Lại Xuân Môn phát biểu kết luận tại Hội nghị.
|
Phân tích bối cảnh trong
năm 2023, và những năm tiếp theo, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, công tác
tuyên giáo nói chung và công tác dư luận xã hội nói riêng cũng phải đối mặt với
rất nhiều khó khăn, thách thức, đồng chí Lại Xuân Môn đề nghị công tác dư luận trong năm 2023 cần quan tâm, thực hiện tốt một
số nội dung trọng tâm sau đây:
Một
là, cần quán triệt và nhận thức sâu sắc, toàn diện về những định hướng, chỉ đạo
của Đảng đối với lĩnh vực công tác dư luận xã hội, được đề cập trong Văn kiện Đại
hội XIII của Đảng. Nâng cao nhận thức của các cấp ủy, của cán bộ,
đảng viên về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dư luận xã hội trong
đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, để “ý Đảng” phù hợp với “lòng Dân”. Công
tác dư luận xã hội của Ngành Tuyên giáo phải chủ động, đóng vai trò quan trọng
trong xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức.
Hai
là, công tác dư luận xã hội phải bám sát các sự kiện chính trị, kinh tế, văn
hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước; tham gia tích cực bảo
vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống âm mưu, quan điểm sai trái, thù
địch. Năm 2023 là năm bản lề nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, với
nhiều sự kiện quan trọng: Đánh giá kết quả hai năm rưỡi thực hiện Nghị quyết
Đại hội XIII; Trung ương tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Ban Chấp
hành Trung ương bầu; Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh Quốc hội
bầu và phê chuẩn… Công tác dư luận xã hội phải tập trung bám sát các sự kiện
chính trị quan trọng này, chủ động nắm bắt, phân tích, phản ánh khách quan,
toàn diện dư luận của các giai tầng, dự báo tình hình, tình huống có khả năng
phát sinh và đề xuất giải pháp định hướng dư luận xã hội. Công tác dư luận xã hội
không thể đứng ngoài, mà phải thâm nhập sâu hơn nữa, rộng hơn nữa vào môi trường
mạng xã hội, góp phần định hướng dư luận xã hội ngay trên không gian mạng.
Ba
là, công tác dư luận xã hội phải bám sát thực tiễn cuộc sống. Phải nắm chắc tư tưởng, chính trị; diễn biến
tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; dư lận xã hội đối
với cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng cách mạng, thiếu bản lĩnh chính trị, đấu
tranh phê và tự phê bình yếu; tinh thần trách nhiệm, ý chí phấn đấu giảm sút;
thiếu gương mẫu, sống thực dụng, suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Công tác dư luận xã hội phải đồng hành cùng cuộc sống thực tế của cán bộ, đảng
viên và các tầng lớp Nhân dân; phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người
dân; chủ động nắm bắt thông tin về những điểm nóng, vấn đề nảy sinh, dự báo
tình hình và xây dựng các kịch bản ứng phó.
Bốn
là, công tác dư luận xã hội phải đặc biệt coi trọng yêu cầu về mặt khoa học, nhất
là tính chính xác, khách quan, toàn diện; chú trọng ứng dụng công nghệ trong nắm
bắt và định hướng dư luận xã hội theo tinh thần Kết luận số 21-KL/TW của Hội
nghị Trung ương 4 khóa XIII. Phải coi ứng dụng công nghệ
trong nghiên cứu dư luận xã hội là khâu đột phá trong đổi mới phương thức công
tác dư luận xã hội. Các báo cáo dư luận xã hội phải đặt yêu cầu khoa học, chính
xác, khách quan, toàn diện lên hàng đầu. Viện Dư luận xã hội cần phối hợp với các
cơ sở đào tạo trong và ngoài nước tăng cường đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, nâng
cao năng lực công tác dư luận xã hội cho hệ thống ban tuyên giáo các tỉnh,
thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương.
Năm
là, tham mưu cấp ủy đảng các cấp chuẩn bị các nội dung tổng kết 10 năm thực hiện
Kết luận số 100-KL/TW của Ban Bí thư khóa XI về “Đổi mới và nâng cao chất lượng
công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội”. Viện
Dư luận xã hội cần chủ động tham mưu để Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối
hợp với các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương tổng kết 10 năm thực
hiện Kết luận số 100-KL/TW của Ban Bí thư khóa XI. Trên cơ sở tổng kết, kiến
nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành văn bản mới, tạo cơ sở chính trị quan trọng
để đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác dư luận xã hội đáp ứng yêu cầu
tình hình mới.
Công tác dư luận xã hội
là công việc khó, thậm chí phức tạp, đòi hỏi không chỉ chuyên môn, nghiệp vụ
chuyên sâu, mà còn có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiến thức thực tiễn, kinh nghiệm
công tác, sự nhạy bén, nhạy cảm chính trị. Việc đổi mới mạnh mẽ nội dung,
phương thức công tác dư luận xã hội là yêu cầu của thực tiễn, góp phần đổi mới
phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tạo sự thống
nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội.
PV