Ngày 17-5-2012, tại TP. Hồ Chí Minh, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Tạp chí Cộng sản và Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học: Bàn về các giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Tham dự Hội thảo có đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Ban chỉ đạo Tây Nguyên; Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Dự và chỉ trì Hội thảo gồm các đồng chí: Trần Lưu Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương; PGS, TS Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; GS, TS Trương Giang Long, Phó tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản và đồng chí Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Đại diện Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, cùng đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành của Thành phố Hồ Chí Minh, các đồng chí trong thường trực và ban tổ chức các tỉnh ủy, thành ủy khu vực phía Nam, đông đảo các đồng chí lão thành cách mạng, các nhà khoa học, những người tâm huyết với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng.
Sau Báo cáo Đề dẫn của PGS, TS Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đã có 12 tham luận và 5 ý kiến trao đổi, phản biện được trình bày tại Hội thảo. Các đại biểu đều tập trung đi sâu vào 4 nhóm giải pháp cần tập trung thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4, khoá XI. Nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên đã có 2 tham luận và 2 ý kiến phản biện. Trong đó, đồng chí Nguyễn Đức Hà, Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng, Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, nhiều nơi, nhiều cấp, trong đó có cán bộ cấp cao chưa dám nói thẳng, nói thật và thiếu khách quan nên Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã nhận định “có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống”, điều đó có thể hiểu là sự diễn biến vấn đề này rất phức tạp, vì thế, chúng ta cần phải làm sao để mỗi cán bộ, đảng viên phải tự xem xét lại mình, soi rọi lại mình để khắc phục những nhược điểm, yếu kém đó. Thời gian qua, chúng ta chưa dám nhìn thẳng vào những nhược điểm, nên hiện nay tình trạng thiếu thiếu dân chủ, dối mình, dối người vẫn diễn ra; trong xã hội cũng như trong nội bộ của Đảng vẫn nói một đường, làm một nẻo; không ít cán bộ, đảng viên thiếu tự giác...
Đại biểu Đoàn Thế Hanh, Ủy viên Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản nhận định: nguyên nhân dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viện hiện nay là do công tác xây dựng Đảng trong thời gian dài vừa qua chưa tốt, ít hiệu quả đã làm cho tình trạng trên diễn ra, kéo dài và ngày càng trầm trọng.
Ở nhóm giải pháp về công tác tư tưởng, công tác kiểm tra, các đại biểu Trần Trọng Tân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Đặng Văn Hồng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong 4 nhóm giải pháp mà Nghị quyết đã đưa ra, cần xem công tác giáo dục tư tưởng là nhiệm vụ hàng đầu để thực hiện có hiệu quả tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Đồng thời, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện những điều đảng viên không được làm để ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên hiện nay.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Nguyễn Văn Thạo, Trợ lý Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Nghị quyết của Đảng là rất đúng và trúng, nhưng quan trọng nhất là khâu tổ chức thực hiện để mang lại hiệu quả như thế nào. Đáng chú ý là giai đoạn hiện nay có nhiều vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai mà nguyên nhân chính là sự yếu kém trong khâu quản lý, điều đó cho thấy năng lực của cán bộ chưa đáp ứng trước yêu cầu mới; dân chủ trong Đảng chưa đạt yêu cầu đề ra, thậm chí còn yếu; có lúc người đứng đầu dù biết rõ vấn đề sai phạm nhưng không dám nói thẳng, nói thật. Để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cần tăng cường phát huy dân chủ trong Đảng một cách thực chất để xây dựng niềm tin trong lòng nhân dân.
Ở nhóm giải pháp về công tác cán bộ, theo đại biểu Nguyễn Tấn Phát, nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại biểu Trần Trọng Đăng Đàn và Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh: để công tác xây dựng Đảng hiện nay mang lại hiệu quả thiết thực cần thực hiện đồng bộ ở các cấp, các ngành, trong đó những người đứng đầu phải có “lòng trong, mắt sáng” phân biệt chính xác những ưu, khuyết điểm trong tổ chức đảng của mình; người đứng đầu phải có tư cách đạo đức, lối sống trong sáng của một người cộng sản; các ngành, các cấp cần mạnh dạn quy hoạch, đào tạo và bố trí sử dụng những cán bộ có năng lực, trình độ, chuyên môn giỏi; vận dụng và thực hiện có hiệu quả các thể chế liên quan đến công tác cán bộ. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng công tác đào tạo ở các học viện, trường đào tạo cán bộ.
Thực tiễn, kinh nghiệm của các địa phương cũng là một nội dung được Hội thảo chú ý. Đại biểu Trần Quốc Bảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre chia sẻ những kinh nghiệm của Bến Tre trong công tác cán bộ. Theo đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực trẻ được coi là nhân tố đảm bảo phát triển bền vững, góp phần ngăn ngừa suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đại biểu cũng đã nêu lên những cách làm của Bến Tre trong khâu đánh giá, quy hoạch và bố trí cán bộ: Khi tiến hành đánh giá cán bộ thì thực hiện dân chủ, công khai, lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo; bố trí sử dụng cán bộ dựa theo năng lực và trình độ chuyên môn của cán bộ...
Phát biểu với Hội thảo, đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đánh giá cao những tham luận và ý kiến phản biện rất tâm huyết với tinh thần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Có thể thấy, từ khi Trung ương ra Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), cùng với các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện đã thu hút sự quan tâm đặc biệt không chỉ cán bộ, đảng viên mà cả các tầng lớp trong xã hội. Vì lẽ đó, cần thực hiện thật tốt các giải pháp Trung ương đã đề ra cũng như các giải pháp có tính khả thi được nêu ra trong Hội thảo, nhằm đấu tranh thắng lợi trước những tiêu cực trong xã hội, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Trần Lưu Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương khẳng định hầu hết các ý kiến tham luận tại Hội thảo và nhiều ý kiến phát biểu tại hội trường là những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, được chuẩn bị công phu, chu đáo. Các giải pháp đề xuất chứa đựng nhiều nội dung có tính khoa học và thực tiễn cao. Đây chính là nguồn tư liệu hết sức quý báu để các cơ quan tham mưu của Trung ương và cấp uỷ, các tổ chức đảng trong toàn quốc nghiên cứu, vận dụng trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI).
Đồng chí khẳng định, nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết Trung ương 4, Ban Tổ chức Trung ương đã dành nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu, tham mưu về ban hành và thực hiện Nghị quyết. Trong thời gian tới, nhiều vấn đề liên quan đến Điều lệ Đảng, nguyên tắc hoạt động, cơ chế, chính sách... cùng nhiều vấn đề về công tác cán bộ cần tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn. Các chương trình, đề án thí điểm cần được khẩn trương nghiên cứu, sơ kết rút kinh nghiệm, hướng dẫn thực hiện như việc thí điểm bố trí một chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương, thí điểm chủ trương bố trí bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã, sơ kết rút kinh nghiệm để có chủ trương về việc đại hội đảng bộ từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh trực tiếp bầu bí thư cấp uỷ có số dư; thí điểm giao quyền cho bí thư cấp uỷ lựa chọn, giới thiệu để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó, thí điểm chế độ tiến cử, chế độ tập sự lãnh đạo, quản lý... đều là những nội dung quan trọng, thiết thực để Nghị quyết Trung ương 4, khoá XI phát huy hiệu quả trên thực tế.
Đồng chí cho rằng các ý kiến tham luận tại Hội thảo đã góp phần làm sáng tỏ cơ sở lý luận, thực tiễn của Nghị quyết Trung ương 4, đóng góp tích cực cho việc nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách của các cơ quan tham mưu của Trung ương và việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 trong phạm vi toàn Đảng. Đồng chí tỏ ý tin tưởng với quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng và được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, nhất định chúng ta sẽ vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4.
Tin, ảnh: Lê Thuỷ