Tăng cường công tác cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số

     

                                       Đ/c Phạm Minh Chính phát biểu tại hội thảo.

Dự hội thảo có đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương; các đồng chí Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội là nữ, người dân tộc thiểu số; đại diện lãnh đạo Hội đồng Dân tộc, một số ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo các địa phương và bộ, ban, ngành ở Trung ương và lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị của Ban Tổ chức Trung ương.


Tại hội thảo, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khẳng định, trong các nhiệm kỳ đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội, bầu cử HĐND các cấp, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều chỉ đạo, yêu cầu cụ thể về cơ cấu, tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số đối với các địa phương, từng ngành, từng cấp. Vì thế, đội ngũ cán bộ lãnh đạo nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số từng bước được tăng cường, nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng; đặc biệt số lượng cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số là Ủy viên Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội liên tục tăng qua các khóa gần đây; nhiều đồng chí được tín nhiệm bầu, bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước. Cụ thể, ở cấp Trung ương có 17,5% cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp vụ trở lên. Một số cơ quan có tỉ lệ cao như: Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; cấp tỉnh 12,3%; cấp huyện, xã hơn 10%; trong Quốc hội khóa 14 có 26,7%...


Tuy vậy, tỉ lệ cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số còn thấp, chưa tương xứng với tỷ lệ dân số nữ, người dân tộc thiểu số; số lượng cán bộ nữ giữ chức vụ chủ chốt chưa cao, cơ cấu không đồng đều, nhiều nơi mất cân đối nghiêm trọng; chất lượng đội ngũ cán bộ dân tộc tuy đã được nâng lên nhưng một số cán bộ chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn. Đặc biệt, 10 cơ quan đảng ở Trung ương, 5 Ủy ban thuộc Thường vụ Quốc hội, 11 Bộ và cơ quan ngang Bộ của Chính phủ không có cán bộ nữ là lãnh đạo.


    


Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (ảnh trên) cho rằng, hội thảo có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới, cần thiết phải tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, mà một trong những nội dung quan trọng là công tác cán bộ. Hội thảo cũng là dịp nhìn lại tổng thể công tác cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số trong quá trình thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số.

 

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Chủ tịch Quốc hội vẫn còn băn khoăn: “Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã có đầy đủ và trong thực tế có những địa phương làm rất đúng, rất tốt chủ trương này. Câu hỏi đặt ra, cùng một mặt bằng, nhưng sao có những nơi làm được, nơi làm chưa tốt. Như vậy, nguyên nhân là do nhận thức hay hành động? Cùng mặt bằng chính sách nhưng có những địa phương nghèo hơn thì làm được, một số địa phương khá hơn thì làm chưa tốt”. Từ thực tế ấy, để công tác cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thực chất hơn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các bộ ngành, địa phương thực hiện tốt những giải pháp như: cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về công tác cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số; nâng cao ý thức trách nhiệm cán bộ lãnh đạo, các cấp ủy đảng qua hình thức như tọa đàm chuyên đề... Chủ tịch Quốc hội cho rằng, công tác cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số là trách nhiệm của hệ thống chính trị, toàn xã hội, các cấp ủy cần quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu bình đẳng giới; có những chương trình kế hoạch về đào tạo, sử dụng; lựa chọn những người đủ tiêu chuẩn tham gia vào cấp ủy, lãnh đạo, quản lý và tạo điều kiện cho họ nhiều hơn nữa. Bên cạnh đó, chính những cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số cũng phải ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình không  ngừng phấn đấu, học tập, rèn luyện để lan tỏa những tấm gương sáng trong cộng đồng…


Tiếp tục quan tâm, củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ, Ủy ban dân tộc, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, nhóm nữ Đại biểu Quốc hội…; tăng cường mở các lớp đào tạo, tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình với đề xuất của Ban Tổ chức Trung ương nếu nơi nào chưa đảm bảo được tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số  theo yêu cầu thì cho bầu khuyết (tại Đại hội) và sẽ bầu bổ sung sau để bảo đảm số lượng, tỷ lệ theo đúng quy định. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, ngành cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số.

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất