Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh (28-2-1916 – 28-2-2016), ngày 26-2, Thành uỷ TPHCM tổ chức toạ đàm “Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh – Người chiến sĩ cộng sản kiên cường”.
Tham dự toạ đàm có các đồng chí lãnh đạo: Lê Thanh Hải, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành uỷ TPHCM; Huỳnh Đảm, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Thọ Chân, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Phan Văn Tánh, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Mạc Thị Kim Cúc, cán bộ lão thành cách mạng, 65 năm tuổi Đảng, phu nhân đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh; Nguyễn Thị Thu Hà, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành uỷ TPHCM; Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TPHCM; Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP; ông Alexey Popov, Tổng Lãnh sự Liên bang Nga tại TPHCM; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và TP; các nhà nghiên cứu; gia đình, thân nhân đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh cùng đông đảo đoàn viên, thanh niên TPHCM.
Chủ trì toạ đàm gồm các đồng chí: Tất Thành Cang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TPHCM; Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TPHCM; Thân Thị Thư, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ.
Các tham luận và phát biểu tại tọa đàm đã khẳng định những công lao, cống hiến của đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, của miền Nam và của Sài Gòn – Chợ Lớn trong hai cuộc kháng chiến; khẳng định công lao của đồng chí đối với công tác tuyên truyền và sự nghiệp báo chí cách mạng của Đảng; là người học trò trung thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người luôn rèn luyện và nâng cao đạo đức cách mạng, giữ vững ophaamr chất, khí tiết, tư cách của người cộng sản, một lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, hết lòng phục vụ nhân dân.
Phát biểu đề dẫn toạ đàm, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TPHCM nêu: Sớm giác ngộ cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh đã kiên quyết xếp bút nghiên, dấn thân vào con đường đấu tranh cách mạng đầy thử thách, hy sinh vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân. Cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí đã trải qua những chặng đường lịch sử quan trọng của đất nước. Đồng chí lần lượt giữ nhiều trọng trách quan trọng. Đặc biệt tự hào đối với nhân dân, Đảng bộ Sài Gòn – Chợ Lớn, TPHCM, đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh hai lần làm Bí thư Thành uỷ (1945 và 1954). Với nhân dân thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn trước đây, cũng như đối với đảng viên, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào TPHCM hôm nay và mãi mai sau, đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh là niềm tự hào, là người có “ơn sâu, nghĩa nặng”. Nhân cách và phẩm chất trong sáng của đồng chí xứng đáng để chúng ta noi theo trong xây dựng, phát triển TP, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
|
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu tại Tọa đàm.
|
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định: 65 tuổi đời, gần 50 tuổi Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh đã sống trọn vẹn là một người Việt Nam dũng cảm, một người cộng sản trong sáng. Chính đức độ, tài năng của đồng chí, chính sự quý mến, trân trọng, biết ơn của anh em, bạn bè, gia đình, đồng chí, đồng đội, đồng bào...mà những câu chuyện, bài viết về đồng chí Nguyên Văn Kỉnh, về người chồng, người cha, người ông vẫn nối dài, vẫn nồng ấm yêu thương, kính trọng.Trong tham luận “Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh, một nhà lãnh đạo tài đức, một chiến sĩ cộng sản kiên cường” gửi tới toạ đàm, đồng chí Phan Văn Khải, nguyên Thủ tướng Chính phủ cho rằng: Trải qua một phần tư thế kỷ tham gia và lãnh đạo phong trào công nhân và phong trào yêu nước cũng như tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp, ở đâu và bất cứ nơi nào, anh Tư Kỉnh cũng luôn nêu cao tấm gương người chiến sĩ tiên phong “trung với Đảng, hiếu với dân, khó khăn nào cũng vượt qua, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Nguyễn Văn Kỉnh đã đồng hành 65 năm cùng lịch sử đất nước. Cuộc đời anh trong như giọt sương, đẹp như ánh sáng. Anh không chỉ là một cán bộ lãnh đạo tài cao, mà còn là một chiến sĩ cách mạng đức trọng. Chính cuộc toà đàm này sẽ giúp chúng ta quảng bá điển hình và nhân rộng mô hình về đồng chí Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Kỉnh, nhằm góp phần xây dựng Đảng bộ TPHCM ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Nhớ về người bạn hiền Nguyễn Văn Kỉnh, phát biểu tại tọa đàm, đồng chí Nguyễn Thọ Chân, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội bồi hồi xúc động: Bao năm quen biết, tôi chưa hề thấy đồng chí to tiếng với ai, luôn điềm tĩnh và hòa nhã khác thường. Trái ý cũng chỉ mỉm cười, tỏ ra con người độ lượng, có văn hóa cao và có thể hợp tác với tất cả mọi người một cách khiêm tốn. Tôi thầm nghĩ sự khiêm tốn của anh Kỉnh có thể là đỉnh cao của sự từng trải trong cuộc sống. Với anh, tôi chỉ thấy làm việc và làm việc, học tập qua sách vở và cuộc sống để trở thành một trí thức uyên bác. Chúng ta quyết theo gương làm việc của anh Kỉnh, thực hiện thật tốt Nghị quyết Đại hội của Đảng và của TP. Thắng lợi lớn hay nhỏ là tùy ở nỗ lực của chúng ta, giàu hay nghèo là ở chúng ta!
Tham luận tại tọa đàm, đồng chí Trần Hữu Phước, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng khu di tích lịch sử cách mạng miền Nam, nguyên Thư ký đồng chí Lê Đức Thọ, cho biết: Những ai tiếp xúc ngay trong buổi đầu gặp gỡ cũng đều nhanh chóng có thiện cảm với anh Tư Kỉnh bởi cách giao tiếp chân tình, sự thân thiện, cởi mở xuất phát từ tấm lòng nhân ái của anh. Trong giải quyết công việc, lúc bình thường cũng như khi gặp những chuyện khó khăn, anh luôn luôn chủ động xử lý mọi tình huống bằng thái độ bình tĩnh và tính tự chủ cao. Nguyễn Văn Kỉnh không bao giờ dùng quyền uy để áp chế cán bộ. Một trong những điểm ưu việt trong nghệ thuật lãnh đạo của anh là biết tìm cách khơi dậy tính năng động chủ quan của cấp dưới trên cơ sở phát huy nội lực để tự tu dưỡng, rèn luyện bản thân. Công tác tư tưởng của anh Tư Kỉnh chính là sự quán triệt tiếp thu phương pháp giáo dục con người mang tính nhân văn sâu sắc của Bác Hồ, đã được trình bày đầy đủ trong quyển sách nổi tiếng “Sửa đổi lề lối làm việc”. Sở dĩ con người và cuộc đời anh Tư Kỉnh được đồng chí và đồng bào ta quý trọng, thương yêu, mến mộ, là vì suốt đời anh đã bền bỉ và khổ công phấn đấu để rèn luyện cho mình có được một quan điểm nhân sinh cách mạng cao đẹp, vũ trang bằng tư tưởng tiên tiến nhất của thời đại, đó là chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
|
Thiếu tướng, PGS.TS Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Namnhận định: Nguyễn Văn Kỉnh là một trong số những nhà lãnh đạo của Đảng, của TPHCM có những nét đặc biệt, từ con người của ông, những đóng góp của ông trong suốt cuộc đời. |
Thiếu tướng, PGS.TS Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam nhận định: Nguyễn Văn Kỉnh là một trong số những nhà lãnh đạo của Đảng, của TPHCM có những nét đặc biệt, từ con người của ông, những đóng góp của ông trong suốt cuộc đời. Sinh ra trong một gia đình trí thức, quốc tịch Pháp, bản thân học trường Pháp nhưng ông lại là một thanh niên sớm giác ngộ cách mạng, sớm đứng trong hàng ngũ những người cộng sản để chống lại thống trị của thực dân Pháp, tham gia cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam khi ông mới 17 tuổi. Là một nhà lãnh đạo của Đảng bộ TPHCM, đóng góp của ông đa dạng, nhiều dấu ấn, trong đó, có lĩnh vực quân sự. Giữ nhiều trọng trách, có nhiều cống hiến, chịu đựng nhiều gian khổ, bốn lần bị giặc bắt, tù đày, từng bị chế độ thực dân kết án tử hình vì tham gia lãnh đạo khởi nghĩa Nam Kỳ, nhưng ông không bao giờ nói về mình, chẳng hề kể công với cách mạng, với nhân dân.
|
Đồng chí Võ Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục Nam bộ thời kháng chiến chống Pháp, cựu Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc và một số nước, phát biểu tham luận. |
Trong cuộc đời hoạt động của mình, đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh có hơn ba nhiệm kỳ, 10 năm làm Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền tại Liên bang Xô Viết, vào thời điểm hết sức quan trọng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; đã góp phần củng cố tình đoàn kết giữa các nước xã hội chủ nghĩa anh em, giữ vững hòa bình, hữu nghị gữa các dân tộc. Với tham luận “Nhớ nhà Quốc tế ngữ lỗi lạc, nhà Ngoại giao tài ba”, đồng chí Võ Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục Nam Bộ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, cựu Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc và một số nước đánh giá: Anh Tư Kỉnh chẳng những là nhà Quốc tế ngữ số một của Việt Nam mà còn là một nhà Quốc tế ngữ có tầm cỡ trên thế giới, được bạn bè quốc tế mến phục. Song song với hoạt động yêu nước, cách mạng, anh Tư Kỉnh kiên trì quyền bá Quốc tế ngữ cho cán bộ, chiến sĩ trong vùng giải phóng. Một nhiệm kỳ đại sứ 10 năm, ba lần dài hơn thông lệ, là một minh chứng hùng hồn cho sự tín nhiệm cao của lãnh đạo nước ta và nước bạn, đồng thời thể hiện kỹ năng “thuyết khách” sắc sảo của một đại sứ tài ba, kiên trì và khéo léo thiết lập “quan hệ trên thực tế” với các đại sứ nhiều nước chưa có quan hệ ngoại giao, thậm chí thù địch với nước ta. |
Đồng chí Mạc Thị Kim Cúc (thứ 2 từ phải sang), cán bộ lão thành cách mạng, 65 năm tuổi Đảng, phu nhân đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh. |
Với Đảng, với nhân dân là vậy, còn đối với gia đình, đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh là người chồng yêu mến, người cha mẫu mực. Đồng chí Mạc Thị Kim Cúc, cán bộ lão thành cách mạng, 65 năm tuổi Đảng, phu nhân đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh chia sẻ: “Mấy chục năm chung sống và công tác gần anh, tôi nhận thấy anh nổi lên nhiều điểm son, đó là: Cống hiến cả cuộc đời cho lý tưởng cộng sản trong bất kỳ tình huống nào; có lối sống trong sáng, giản dị, hy sinh lợi ích riêng; là người chồng chung thủy, thương yêu chân chính, nâng đỡ người vợ hiền học tập nâng cao trình độ năng lực, cống hiến cho cách mạng hiệu quả; vợ chồng chung sống bình đẳng, thương yêu đầm ấm, khen chê đúng mực. Đối với ba người con, quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống, kiến thức, lấy giáo dục thuyết phục là chính, không hề dùng bạo lực, không lớn tiếng nặng lời”. Đại diện cho thế hệ trẻ TPHCM, với tham luận “Bác Tư Kỉnh – Tấm gương sáng ngời cho tuổi trẻ TPHCM học tập và noi theo”, Bí thư Thành đoàn TPHCM Nguyễn Mạnh Cường bày tỏ quyết tâm: Tuổi trẻ TP nguyện học tập và làm theo những phẩm chất đạo đức cách mạng của bác Tư Kỉnh, một tấm gương trong công tác vận động quần chúng nhân dân, tích cực bồi dưỡng lý luận cách mạng, xây dựng lối sống đẹp, nghĩa tình, xung kích tình nguyện thực hiện mọi nhiệm vụ mà Đảng bộ và nhân dân TP tin tưởng giao phó.
|
Tổng lãnh sự Liên bang Nga tại TPHCM Alexey Popov trao đổi với gia đình đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh |
Phát biểu tổng kết toạ đàm, đồng chí Tất Thành Cang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TPHCM nhấn mạnh: Tưởng nhớ, biết ơn, học tập đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh, các thế hệ hôm nay và mai sau của TP quyết tâm phát huy những giá trị lịch sử, những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời đại mới, nêu cao ý chí cách mạng, tự giác phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người cộng sản, kiên trì học tập, nâng cao nhận thức, trình độ mọi mặt, tích cực hoạt động thực tiễn, đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng và nhân dân lên trên, lên trước hết; dám nghĩ, biết làm, năng động, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm trong đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, góp phần xứng đáng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; có vai trò, động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sớm trở thành một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á.
Nhật Thuỵ