Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo
Đồng chí Tô Huy Rứa chúc mừng các y, bác sỹ và nhân viên Ngành Y tế nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2.

Thiết thực kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, vào đúng ngày 27-2, tại ĐH Y Hà Nội đã diễn ra Lễ triển khai Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ (BS) trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)”. Chương trình do Bộ Y tế, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, T.Ư Hội LHTN Việt Nam, T.Ư Hội Thầy thuốc trẻ VN triển khai nhằm cung cấp nguồn nhân lực y tế là BS, góp phần chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân tại cơ sở.

Tới dự có đồng chí Tô Huy Rứa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội; đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế; đồng chí Phan Văn Mãi, Bí thư Thường trực BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, Trung ương Đoàn, Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam; lãnh đạo các BV;  cùng hơn 500 sinh viên trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược Thái Nguyên, Hải Phòng, Thái Bình…

Hiện cả nước có số lượng BS của tuyến huyện chiếm 30% trên tổng số BS của cả nước (16.213/57.066 BS). Song trên thực tế, ở một số BV huyện và Trung tâm y tế của các huyện nghèo thì số lượng và chất lượng của đội ngũ BS còn nhiều bất cập, một số bệnh viện chỉ có 7-8 BS, trong đó có 1-2 BSCKI; một số Trung tâm y tế huyện chỉ có 4-5 BS, có 1-2 BSCKI . Khảo sát tại 20 tỉnh có huyện nghèo thì hầu hết các tỉnh đều có nhu cầu sử dụng đội ngũ BS trẻ tình nguyện và mong muốn đội ngũ BS trẻ có trình độ sau ĐH về công tác tại tuyến huyện để phát triển, nâng cao năng lực hệ thống y tế, góp phần nâng cao chất lượng KCB, y tế dự phòng, giảm tải cho các cơ sở y tế hiện đang quá tải ở tuyến trên.

Nhằm giải quyết những bất cập kể trên, Bộ Y tế đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và phê duyệt dự án “Thí điểm đưa BS trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)”. “Dự án “Thí điểm đưa BS trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo) mở ra cơ hội cống hiến để BS trẻ khẳng định năng lực, y đức của mình, phát huy cao nhất tinh thần xung kích, dấn thân của tuổi trẻ để cống hiến tài năng, sức lực cho nhân dân, cho Tổ Quốc.

Giai đoạn 1 của dự án từ 2013 - 2016, dự kiến sẽ đưa 500 bác sĩ trẻ tình nguyện về các huyện nghèo, ưu tiên 62 huyện nghèo nhất trong cả nước. Khi tham gia dự án, các bác sĩ trẻ được tuyển dụng bằng hình thức xét tuyển và ký hợp đồng làm việc tại bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trước khi cử đi đào tạo. Sau khi hoàn thành thời gian tình nguyện, các bác sĩ trẻ sẽ được tiếp nhận về nơi công tác cũ. Các bác sĩ trẻ cam kết đi tình nguyện được ưu tiên đào tạo chuyên khoa I và được cấp chứng chỉ hành nghề, đồng thời được hưởng nguyên lương...

Tại lễ triển khai Dự án, Bộ Y tế đã tổ chức ký cam kết giữa Bộ Y tế, các BV tuyến T.Ư, các trường Đại học Y, các đơn vị liên quan với các BS trẻ đầu tiên được tuyển chọn tham gia Dự án.

                                      
                                                          Ký kết thực hiện Dự án.

Phát biểu tại Lễ triển khai Dự án, đồng chí Tô Huy Rứa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương gửi lời chúc mừng các y, bác sỹ và nhân viên Ngành Y tế nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2. Đồng chí Tô Huy Rứa khẳng định: Nghề y là một nghề cao quý bởi đây là nghề trực tiếp giữ gìn tính mạng con người, phục vụ con người và bảo vệ sức khoẻ của con người. “Dự án “Thí điểm đưa BS trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)” mà Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan là hướng đi đúng đắn, phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước. Dự án không chỉ đơn thuần góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ở những vùng khó khăn mà cùng với trình độ, kiến thức của các thầy thuốc trẻ sẽ mang đến cho bà con vùng sâu, vùng xa những tiến bộ mới của cuộc sống văn minh, góp phần xóa bỏ những hủ tục lạc hậu; đưa đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước nhanh đến với đồng bào các dân tộc và thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội…

Đồng chí Tô Huy Rứa lưu ý Bộ Y tế một số vấn đề khi triển khai thực hiện dự án như: Lựa chọn địa bàn, phân bổ BS các chuyên ngành phù hợp gắn với chiến lược phát triển công tác y tế của các tỉnh, huyện; bảo đảm đồng bộ, gắn kết, hỗ trợ và thúc đẩy lẫn nhau. Chuẩn bị cho BS trẻ về ý chí, tinh thần, trách nhiệm và kiến thức, kỹ năng thực hành phù hợp với điều kiện làm việc của các trạm y tế tuyến xã và BV tuyến huyện, chú ý cả kiến thức về ngôn ngữ, phong tục tập quán, kỹ năng sống, làm việc để BS trẻ có đủ tự tin nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống và điều kiện làm việc mới. Đồng thời tăng cường trang thiết bị y tế, đào tạo đội ngũ y BS tại chỗ, đảm bảo nâng cao và giữ vững chất lượng dịch vụ y tế ở các vùng khó khăn.

Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nội vụ và các tỉnh, thành đảm bảo chế độ chính sách về lương, phụ cấp, nhà công vụ nhằm khuyến khích động viên BS trẻ tình nguyện. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức mạng lưới y tế từ T.Ư đến cơ sở; hoàn thiện chính sách đào tạo, tuyển dụng, đãi ngộ, quản lý nhân lực và nâng cao y đức đối với cán bộ ngành y…

Tin: Sơn Đức, ảnh: Báo suckhoedoisong.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất