|
Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XV, ngày 14-11-2022.
|
Buổi sáng
Nội dung 1: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Điều 18, Điều 78 và toàn bộ Luật Thanh tra (sửa đổi), kết quả như sau:
- Về Điều 18 quy định về Vị trí, chức năng của Thanh tra Tổng cục, Cục: có 470 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94.38% tổng số ĐBQH), trong đó có 445 đại biểu tán thành (bằng 89.36% tổng số ĐBQH); có 16 đại biểu không tán thành (bằng 3.21% tổng số ĐBQH); có 9 đại biểu không biểu quyết (bằng 1.81% tổng số ĐBQH).
- Về Điều 78 quy định về Ban hành kết luận thanh tra: có 467 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 93.78% tổng số ĐBQH), trong đó có 444 đại biểu tán thành (bằng 89.16% tổng số ĐBQH); có 8 đại biểu không tán thành (bằng 1.61% tổng số ĐBQH); có 15 đại biểu không biểu quyết (bằng 3.01% tổng số ĐBQH).
- Về toàn bộ Luật Thanh tra (sửa đổi): có 471 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94.58% tổng số ĐBQH), trong đó có 459 đại biểu tán thành (bằng 92.17% tổng số ĐBQH); có 10 đại biểu không tán thành (bằng 2.01% tổng số ĐBQH); có 2 đại biểu không biểu quyết (bằng 0.4% tổng số ĐBQH).
Nội dung 2: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi), kết quả như sau: có 475 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95.38% tổng số ĐBQH), trong đó có 472 đại biểu tán thành (bằng 94.78% tổng số ĐBQH); có 3 đại biểu không tán thành (bằng 0.6% tổng số ĐBQH).
Nội dung 3: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tại phiên thảo luận đã có 22 đại biểu phát biểu, 4 đại biểu tranh luận. Đa số các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Đất đai nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW, hoàn thiện hành lang pháp lý về đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập quốc tế, giải quyết những chồng chéo, vướng mắc, bất cập trong thời gian qua. Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những nội dung: hồ sơ, bố cục dự thảo Luật; tính thống nhất của dự thảo Luật so với hệ thống pháp luật hiện hành; bảng giá đất; đất ở, đất sản xuất cho đồng bào vùng dân tộc, miền núi; việc mở rộng hạn mức giao đất cho hộ gia đình, cá nhân; khung giá đất; đăng ký đất đai, quyền sở hữu gắn liền với đất; quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất; việc mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất; việc Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, công cộng; quyền của tổ chức, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất; các trường hợp Nhà nước thu hồi đất; thẩm quyền thu hồi đất; căn cứ giao đất, cho thuê đất; vấn đề tái định cư, áp giá đền bù khi Nhà nước thu hồi đất; thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai; căn cứ pháp lý, thực tiễn trong việc định giá đất; năng lực định giá đất, thành lập cơ quan thẩm định giá đất độc lập; bổ sung hòa giải thương mại vào cơ chế giải quyết tranh chấp; việc quản lý và sử dụng đất do các nông, lâm trường, công ty nông, lâm nghiệp quản lý; hoạt động của văn phòng đăng ký đất đai; dự án thu hồi đất để tạo quỹ đất; sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư; quy định về hạn điền; thủ tục hành chính về đất đai; cơ chế chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp và cộng đồng dân cư…
Buổi chiều
Nội dung 1: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tại phiên thảo luận đã có 16 đại biểu phát biểu, 3 đại biểu tranh luận, tập trung về những nội dung: Hội đồng thẩm định giá đất; cơ chế, nguyên tắc, phương pháp, tư vấn xác định giá đất; vai trò của cơ quan dân cử trong giám sát việc xác định giá đất; tập trung đất nông nghiệp; đất sử dụng đa mục đích; chính sách ưu đãi về đất đai để xây dựng cơ sở giáo dục đào tạo; chế độ sử dụng các loại đất; điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; cơ chế, chính sách hỗ trợ, bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; căn cứ, thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; ngân hàng đất nông nghiệp; việc bỏ khung giá đất; đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp đất chưa được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên; điều kiện để Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất; quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất; điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; tính thống nhất giữa quy định của Luật Đất đai với các luật có liên quan; điều khoản thi hành…
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Nội dung 2: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Điều 3, Điều 32, Điều 33 và toàn bộ Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), kết quả như sau:
- Về Điều 3 quy định về Hành vi bạo lực gia đình: có 481 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 96.59% tổng số ĐBQH), trong đó có 470 đại biểu tán thành (bằng 94.38% tổng số ĐBQH); có 11 đại biểu không biểu quyết (bằng 2.21% tổng số ĐBQH).
- Về Điều 32 quy định về Góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư đối với người có hành vi bạo lực gia đình: có 479 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 96.18% tổng số ĐBQH), trong đó có 446 đại biểu tán thành (bằng 89.56% tổng số ĐBQH); có 18 đại biểu không tán thành (bằng 3.16% tổng số ĐBQH); có 15 đại biểu không biểu quyết (bằng 3.01% tổng số ĐBQH).
- Về Điều 33 quy định về Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng: có 474 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95.18% tổng số ĐBQH), trong đó có 465 đại biểu tán thành (bằng 93.37% tổng số ĐBQH); có 5 đại biểu không tán thành (bằng 1% tổng số ĐBQH); có 4 đại biểu không biểu quyết (bằng 0.8% tổng số ĐBQH).
- Về toàn bộ Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi): có 474 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95.18% tổng số ĐBQH), trong đó có 465 đại biểu tán thành (bằng 93.37% tổng số ĐBQH); có 5 đại biểu không tán thành (bằng 1% tổng số ĐBQH); có 4 đại biểu không biểu quyết (bằng 0.8% tổng số ĐBQH).
Thứ Ba ngày 15-11-2022: Buổi sáng, Quốc hội biểu quyết thông qua: Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi); Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua: Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn, sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”. Sau đó, Quốc hội họp phiên bế mạc, biểu quyết thông qua: Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; Nghị quyết Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV. Phiên bế mạc được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Nguồn: Quochoi.vn