|
Toàn cảnh họp báo.
|
Kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực
Mở đầu họp báo, Người phát ngôn của Chính phủ dành thời gian thông tin về nội dung Hội nghị Chính phủ với các địa phương tháng 9-2024 diễn ra sáng nay, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính bàn về tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) 9 tháng và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 10, quý IV năm 2024 và thời gian tới.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều bất định và thiếu vững chắc. Ở trong nước, nền kinh tế tiếp tục chịu "tác động kép" của những yếu tố bất lợi từ bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại; đặc biệt, cơn bão số 3 (Yagi) đã gây hậu quả nặng nề về người và tài sản tại các địa phương phía Bắc.
Tại Hội nghị, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương thống nhất nhận định: nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân, tình hình KTXH tháng 9, quý III và 9 tháng năm 2024 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước; tính chung 9 tháng năm 2024 đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực. Tính chung 9 tháng, GDP tăng 6,82%. Trong đó, cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều tăng trưởng tốt; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Kim ngạch xuất khẩu tăng 15,4%; nhập khẩu tăng 17,3%; xuất siêu ước đạt 20,8 tỷ USD. Cải cách hành chính được chú trọng, nhất là cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 tăng 15 bậc, xếp hạng 71/193. Bên cạnh đó, tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng phó, phòng, chống và khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Trong đó, đã huy động gần 3,4 nghìn tỷ đồng và Chính phủ đã cấp 432,6 tấn gạo hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng.
Tình hình chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng an ninh được tăng cường; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Tổ chức thành công nhiều hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; ngoại giao kinh tế được đẩy mạnh; gìn giữ được môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển đất nước.
12 nhóm giải pháp trọng tâm
Trên cở sở đánh giá kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại; chỉ rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và phân tích tình hình quốc tế, khu vực, trong nước thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp với tinh thần: Quyết tâm cao độ - Nỗ lực hết mình - Hành động quyết liệt - Phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024.
Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh 12 nhóm giải pháp trọng tâm, cụ thể trên các lĩnh vực và 5 nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết thời gian tới. Trong đó, 12 nhóm giải pháp trọng tâm, cụ thể bao gồm:
1. Tập trung khắc phục hậu quả, phòng, chống thiên tai, ổn định đời sống nhân dân, thúc đẩy phục hồi sản xuất kinh doanh.
2. Chuẩn bị kỹ, bảo đảm tiến độ, chất lượng các báo cáo, Đề án tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV với tinh thần chủ động thực hiện đúng theo chức năng, nhiệm vụ được phân công và chủ động, kịp thời xử lý vướng mắc, tạo đồng thuận cao.
3. Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
4. Đẩy mạnh, tạo đột phá giải ngân vốn đầu tư công. Thúc đẩy mạnh mẽ 3 chương trình mục tiêu quốc gia; phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95%.
5. Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Trong đó, về đầu tư tập trung giải ngân vốn đầu tư công; về xuất khẩu tập trung đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; về tiêu dùng tập trung tăng tổng cầu.
6. Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số quốc gia. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về pháp lý, thủ tục để đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội, gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội. Tăng cường kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia.
7. Tiếp tục xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng, kéo dài, trong đó lưu ý chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém; khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án.
8. Chú trọng các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
9. Tăng cường quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế. Tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao.
10. Tăng cường thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội và khí thế phấn khởi, nỗ lực phấn đấu vươn lên của toàn xã hội.
11. Khẩn trương trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2026 và chi đầu tư ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 - 2030. Trong đó lưu ý ưu tiên nguồn vốn cho các dự án có tính kết nối liên vùng, quốc gia, quốc tế và triển khai hệ thống đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị.
12. Tích cực triển khai các nhiệm vụ của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội; chuẩn bị chu đáo phục vụ đại hội đảng bộ các cấp, tiến đến Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Thảo Nguyên