Qua thảo luận tại Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, các đại biểu cho rằng, quy định về phân hạng đối với các chức danh nghề nghiệp còn có một số bất cập, chưa thể hiện được rõ sự khác biệt giữa các hạng.
Ngày 8-8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 7. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp.
Tại phiên họp, Ủy ban đã tổ chức Phiên giải trình: "Việc thực hiện quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý và việc quản lý viên chức theo mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp."
Phát biểu khai mạc tại phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, trong những năm qua, cùng với quá trình phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm giữ ổn định, bảo đảm ươm mầm, bổ nhiệm cán bộ, thông qua hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập để cung cấp dịch vụ công cơ bản, thiết yếu cho nhân dân.
Cơ chế quản lý đối với các cơ sở sự nghiệp công lập, viên chức từng bước được đổi mới, nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước được ban hành để xây dựng, phát triển đội ngũ viên chức hướng tới phục vụ người dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, hoạt động giải trình của các cơ quan sẽ giúp xem xét, đánh giá tình hình thực hiện quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý, việc quản lý viên chức theo chức danh nghề nghiệp, trách nhiệm của các cơ quan; từ đó, kiến nghị biện pháp để khắc phục các bất cập, hạn chế trong việc ban hành và tổ chức thực hiện pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý, quản lý viên chức theo chức danh nghề nghiệp, góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý viên chức bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về đổi mới cơ chế, phương thức quản lý đối với viên chức.
Hoạt động giải trình được tiến hành công khai, tập trung vào các nội dung liên quan đến tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý, quản lý viên chức theo chức danh nghề nghiệp, được xã hội quan tâm; qua đó hướng đến đánh giá đầy đủ, toàn diện, khách quan những mặt tích cực, bất cập, hạn chế và nguyên nhân; làm rõ trách nhiệm đối với những vấn đề bất cập, hạn chế cả đối với công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và công tác tổ chức thực hiện; đưa ra các kiến nghị, giải pháp được đề xuất phải cụ thể, rõ ràng, có tính khả thi.
Báo cáo tại phiên giải trình, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý, các văn bản của Đảng và văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nội dung này hiện nay về cơ bản đầy đủ, đồng bộ.
Việc phân cấp cho bộ, địa phương quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý giúp bộ, địa phương đưa ra các tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của đơn vị mình.
Thừa nhận việc phân cấp thẩm quyền này là cần thiết nhưng Thứ trưởng Trương Hải Long cho rằng, điều này dẫn đến tình trạng cùng một vị trí viên chức lãnh đạo, quản lý nhưng tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm lại không giống nhau ở từng địa phương.
Đối với quản lý viên chức theo chức danh nghề nghiệp, các bộ quản lý chức danh nghề nghiệp chuyên ngành đã quy định cơ bản đầy đủ về mã số, tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thuộc ngành, lĩnh vực quản lý.
Song, một số bộ quản lý ngành, lĩnh vực chưa ban hành đầy đủ mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dẫn đến các địa phương sau khi tuyển dụng không thể xếp vào chức danh nghề nghiệp tương ứng như: vị trí thẩm kế viên (Bộ Xây dựng), kỹ sư Nông học, kỹ sư Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, quy định về phân hạng đối với các chức danh nghề nghiệp còn có một số bất cập, theo đó chưa thể hiện được rõ sự khác biệt giữa các hạng.
Một số chức danh nghề nghiệp yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng, nhưng nhiều nội dung của chương trình bồi dưỡng còn trùng lắp với chương trình đào tạo. Một số ý kiến lưu ý, cần có giải pháp để thống nhất quản lý tiêu chuẩn trình độ lý luận chính trị vì mỗi địa phương lại thực hiện khác nhau.
Ngoài ra, tiêu chuẩn bổ nhiệm viên chức quản lý không thống nhất giữa các địa phương gây băn khoăn trong các viên chức làm việc ở đơn vị sự nghiệp.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, Ban Tổ chức Trung ương đã có quy định nhưng mỗi nơi làm khác nhau.
Cán bộ lãnh đạo, quản lý có chỗ đòi hỏi cao cấp chính trị mới được bổ nhiệm giám đốc, có chỗ chỉ cần Trung cấp chính trị cũng được bổ nhiệm giám đốc. Trong khi đó, có chỗ quy định chuyên viên chính hoặc chỉ cần chuyên viên. Đại biểu đề nghị Bộ Nội vụ đưa ra giải pháp để dễ dàng tổ chức thực hiện.
Giải trình về các nội dung này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long nêu rõ: Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4-8-2017 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có quy định tiêu chuẩn chung đối với chức danh lãnh đạo quản lý nói chung gồm tiêu chuẩn chuyên môn, trình độ quản lý nhà nước, tiêu chuẩn lý luận chính trị.
Như vậy, tất cả các chức vụ công chức, viên chức làm lãnh đạo, quản lý đều phải có yêu cầu trình độ lý luận chính trị.
Tuy nhiên, qua rà soát, Bộ Nội vụ thấy rằng, viên chức quản lý đơn vị sự nghiệp với nhiều mô hình khác nhau mà phải có tiêu chuẩn lý luận chính trị thì rất bất cập.
Thứ trưởng Trương Hải Long cho biết, thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các cơ quan đôn đốc hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương khi quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với chức danh lãnh đạo quản lý, kể cả công chức, viên chức các cấp phải đảm bảo đồng bộ giữa các quy định của Đảng về tiêu chuẩn lý luận chính trị.
Đối với vấn đề tiêu chuẩn bổ nhiệm viên chức quản lý khác nhau giữa các địa phương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với bộ quản lý chuyên ngành xây dựng tiêu chuẩn bổ nhiệm viên chức quản lý, tuyển dụng viên chức mang tính chất tiêu chuẩn sàn.
Việc bổ nhiệm, tuyển dụng viên chức nên giao cho các bộ, ngành, địa phương được quy định cao hơn để đáp ứng đòi hỏi thực tế từng địa bàn, không trái với tiêu chuẩn chung được xác định.
Giải trình liên quan đến vấn đề phân hạng đạo đức nhà giáo, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nêu rõ: Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức có yêu cầu về tiêu chuẩn về đạo đức.
Trên cơ sở đó, Bộ đã xây dựng các thông tư với mục tiêu giáo viên ở các hạng khác nhau cần đáp ứng ở mức độ khác nhau về tính gương mẫu, tác động lan tỏa, ảnh hưởng tới đồng nghiệp...
Tuy nhiên, khi ban hành có nhiều ý kiến góp ý. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiếp thu ý kiến này và xem xét sửa đổi các thông tư. "Điều này đã điều chỉnh", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Bộ trưởng khẳng định, đội ngũ nhà giáo là nguồn lực quan trọng nhất của ngành để nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nên việc gì có thể nâng cao điều kiện công tác, chất lượng giáo dục thì Bộ đều không quản ngại thực hiện.
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạọ đã kịp thời nghiên cứu, rà soát thực tế, qua đó bãi bỏ hiệu lực của một số quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện mới… Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cam kết sẽ tiếp tục quan tâm xây dựng ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện cho các địa phương, đơn vị sự nghiệp.
Theo chương trình, tại Phiên họp toàn thể lần thứ 7, Ủy ban Pháp luật thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập thị trấn Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; thành lập thị xã Chơn Thành và thành lập các phường thuộc thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước và thẩm tra Tờ trình của Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Nguồn: TTXVN