Tiếp tục đổi mới đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo Đề án 165 một cách nghiêm túc, hiệu quả
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 165 phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Báo cáo của Ban Chỉ đạo 165 do đồng chí Nguyễn Văn Du, Chánh Văn phòng Đề án 165 trình bày nêu rõ: Sau Đại hội XII của Đảng, Ban Tổ chức Trung ương đã tham mưu, đề xuất Ban Bí thư kiện toàn lại Ban Chỉ đạo Đề án nhiệm kỳ mới gồm 13 thành viên; bổ sung, sửa đổi Quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ các thành viên; thực hiện việc cơ cấu lại địa bàn đào tạo, bồi dưỡng; đổi mới nội dung, chương trình và phương thức tổ chức thiết thực, hiệu quả. 

Ban Chỉ đạo Đề án đã xây dựng nội dung đào tạo, bồi dưỡng năm 2017 và giai đoạn 2017-2021 tập trung bám sát ba đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội lần thứ XII và nội dung các Nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa XII của Đảng, Đề án tập trung vào 4 nhóm nội dung chính:

Nhóm nội dung thứ nhất: Xây dựng đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược; phát huy hiệu quả, hiệu lực tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; nâng cao đạo đức công vụ…

Nhóm nội dung thứ 2: Kinh tế vi mô, vĩ mô, kinh tế quốc tế; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường XHCN; tăng trưởng và phát triển; phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường; đánh giá chính sách; hoạch định chính sách; các mô hình phát triển hiện đại; công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt là hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; các mô hình vườn ươm doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; phát triển nguồn nhân lực.

Nhóm nội dung thứ 3: An ninh, chính trị thế giới và khu vực; quốc phòng và an ninh; hợp tác quốc tế; luật pháp quốc tế (công pháp và tư pháp); hợp tác song phương và đa phương; các tổ chức quốc tế; chính sách đối ngoại…

Nhóm nội dung thứ 4: Kinh nghiệm huy động sức sáng tạo của toàn dân; chính sách tôn giáo, chính sách dân tộc; giải quyết xung đột, ứng phó với các tình huống; quản lý và phát triển xã hội, bảo đảm an ninh, an sinh xã hội và con người; nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, Đề án xác định tăng cường hợp tác với các tổ chức, cơ sở đào tạo có uy tín ở nước ngoài; các học giả, trí thức nổi tiếng người Việt ở nước ngoài tham gia đóng góp trí tuệ, gợi ý các ý tưởng sáng tạo, giới thiệu các mối quan hệ để hợp tác lâu dài với Đề án. Mời các chuyên gia nổi tiếng ở nước ngoài đến thuyết trình, giảng dạy, tọa đàm tại Việt Nam các chủ đề thiết thực, đặc biệt là kinh nghiệm của Nhật Bản về xây dựng chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương.

Công tác tổ chức và quản lý các loại hình đào tạo, bồi dưỡng của Đề án được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả, do tổng kết rút kinh nghiệm từ những năm trước.Ban Chỉ đạo Đề án 165 nhiệm kỳ khóa XII đã chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế; Văn phòng 165 đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan, các đơn vị phân cấp và các cơ sở đào tạo có uy tín ở nước ngoài để triển khai tổ chức các loại hình đào tạo, bồi dưỡng có hiệu quả; huy động, sử dụng các nguồn lực trong và ngoài nước tạo cơ hội cho nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý được đi học tập ở nhiều quốc gia khác nhau.

Đối với bồi dưỡng ngắn hạn, Ban Chỉ đạo Đề án đã chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị phân cấp đổi mới cách thức tổ chức, định hướng rõ đối tượng, nội dung, chương trình học. Việc tổ chức các đoàn bồi dưỡng ngắn hạn được các đơn vị chú trọng lựa chọn cơ sở đào tạo có uy tín, chất lượng, cử cán bộ đi bồi dưỡng đúng đối tượng, đúng thành phần, đảm bảo nội dung, chương trình thiết thực, quy trình tổ chức cho phù hợp với nhu cầu của ngành, của cán bộ đi học… 

Lãnh đạo Ban đã giao nhiệm vụ cho Văn phòng 165 phối hợp với các cơ quan, đơn vị xây dựng Dự án “Cải cách bộ máy của hệ thống chính trị đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đào tạo bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược”. Văn phòng Đề án 165 đã tích cực tham gia vào tổ giúp việc xây dựng dự án và bước đầu triển khai hiệu quả. Đến nay, trong khuôn khổ hợp tác của Dự án về hợp phần đào tạo, Đề án đã phối hợp tổ chức được 3 lần thuyết trình do các giáo sư và chuyên gia Nhật Bản trình bày, kết quả các buổi thuyết trình được đánh giá cao và có hiệu quả thiết thực.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Ban Chỉ đạo Đề án đã chỉ đạo Văn phòng 165 tổ chức được 12 đoàn đi bồi dưỡng ngắn hạn tại các nước Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc, New Zealand, Pháp với 271 cán bộ trong đó có 5 đoàn cấp tỉnh, 6 đoàn cấp huyện, 01 đoàn dành cho chương trình nghiên cứu nội dung phục vụ xây dựng Đề án Nghị quyết Trung ương 6.

Đến hết tháng 6-2017 các cơ quan, đơn vị được phân cấp đã tổ chức được 38 đoàn cho 755 cán bộ tham gia, trong đó có 32 đoàn đi theo kế hoạch của năm 2016 được tổ chức trong quý I-2017 do được bổ sung kinh phí muộn; có 06 đoàn đã tổ chức theo kế hoạch của năm 2017.

Từ đầu năm đến nay, Đề án đã tổ chức 2 đoàn bồi dưỡng trung hạn cho 15 cán bộ, trong đó 01 đoàn gồm 5 cán bộ học tại Học viện Chính sách Quốc gia Nhật Bản (GRIPS) và 1 đoàn đi bồi dưỡng tại Hoa Kỳ; hiện Đề án vẫn đang tiếp tục mở rộng trao đổi hợp tác quốc tế với các đối tác uy tín để tổ chức các khóa trung hạn theo kế hoạch và kinh phí được phê duyệt.

Tiếp tục phối hợp với các cơ sở đào tạo ở nước ngoài và các cơ quan hữu quan có thẩm quyền của Việt Nam, tuân thủ các quy định của Đảng và nhà nước trong công tác quản lý số học viên đang học thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài; làm thủ tục trở về cơ quan công tác cho học viên đã hoàn thành khóa học; xử lý các trường hợp không hoàn thành khóa đào tạo. Tính đến thời điểm này, Đề án hiện còn 84 học viên vẫn đang học tập ở nước ngoài.

Triển khai Dự án hợp tác với Nhật Bản: Thực hiện chương trình công tác của Bộ Chính trị, trong chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã đề xuất với Quốc hội và Chính phủ Nhật Bản, đề nghị hỗ trợ nguồn lực để Việt Nam tiến hành nghiên cứu, cải cách bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược, nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ trong giai đoạn mới. Ban Tổ chức Trung ương đã tiến hành phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các bước, xây dựng Dự án. Đến nay, trong khuôn khổ hợp tác của Dự án với Nhật Bản về hợp phần đào tạo, Đề án 165 đã phối hợp tổ chức được 2 đợt thuyết trình do các giáo sư và chuyên gia Nhật Bản đến trình bày, đặc biệt là các nội dung về kinh nghiệm cải cách bộ máy hành chính ở Trung ương và địa phương của Nhật Bản, phục vụ xây dựng nội dung Đề án trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XII. Kết quả các buổi thuyết trình được các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương đánh giá cao và có hiệu quả thiết thực.

Công tác tài chính - kế toán đi vào nền nếp, chất lượng, đảm bảo các điều kiện phục vụ các cơ quan, đơn vị tổ chức đoàn. Về cơ bản, Đề án đã giải quyết đầy đủ, kịp thời các khoản chi theo chế độ cho các đoàn công khai, minh bạch, đúng quy định.

Nhìn chung, Đề án 165 đã thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ từ khâu xây dựng kế hoạch cho đến khâu xây dựng chương trình, nội dung học, công tác đảm bảo hậu cần, chế độ chính sách đảm bảo đúng quy định, đáp ứng nhu cầu của cán bộ. Việc triển khai thực hiện có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị có liên quan và với các đối tác nước ngoài theo thỏa thuận hợp tác, hợp đồng đúng quy định của pháp luật Việt Nam và của nước có đối tác, trên cơ sở đảm bảo chất lượng, hiệu quả của các khóa học. Để tổ chức tốt các khóa bồi dưỡng.

Hội nghị xác định nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017:  Ban Chỉ đạo Đề án sẽ tổ chức một số đoàn hoặc nhóm cán bộ của Ban Chỉ đạo và Văn phòng 165 đến các nước để trao đổi, thỏa thuận hợp tác với các tổ chức, các cơ sở đào tạo có uy tín nhằm tăng cường hợp tác, phối hợp tổ chức các khóa bồi dưỡng; đồng thời tăng cường việc tận dụng các nguồn lực, hỗ trợ từ nước ngoài, các quỹ học bổng phục vụ Đề án...

Tiếp tục triển khai các đoàn đi bồi dưỡng ngắn hạn ở nước ngoài theo kế hoạch đã được phê duyệt. Chuẩn bị kỹ lưỡng công tác triển khai các đoàn, thực hiện đúng quy trình, quy định; tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, phương thức tổ chức, nhằm nâng cao chất lượng các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới; xây dựng nội dung học tập hiệu quả thiết thực, phù hợp với bối cảnh đất nước, bám sát ba đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội lần thứ XII và nội dung các Nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa XII của Đảng. Nâng cao khả năng tiếp thu của cán bộ, khả năng ứng dụng vào hoàn cảnh thực tế Việt Nam và lan tỏa kiến thức trong toàn hệ thống.

Phối hợp chặt chẽ giữa Văn phòng 165 với các đơn vị phân cấp, với các cơ quan có liên quan trong giải quyết các thủ tục tổ chức các đoàn đi theo kế hoạch năm 2017, đảm bảo hiệu quả thiết thực và chất lượng các khóa học. Có quy định nghiêm khắc và chặt chẽ hơn nữa đối với việc chọn cử cán bộ tham gia các khóa bồi dưỡng, các cán bộ hoãn, rút trước khi đoàn lên đường.

Tiếp tục quản lý số học viên được cử đi học dài hạn ở nước ngoài, làm thủ tục cho các học viên đã hoàn thành khóa học được trở về cơ quan công tác, kịp thời giải quyết việc các trường hợp phát sinh và không hoàn thành khóa học, làm các thủ tục bồi hoàn kinh phí đúng quy định.

Tổ chức các khóa bồi dưỡng trung hạn và các lớp bồi dưỡng ngoại ngữ trong nước và ở nước ngoài theo kế hoạch, đảm bảo chất lượng, đúng quy định. Tiếp tục triển khai hợp phần về đào tạo, bồi dưỡng và các nội dung khác trong chương trình hợp tác với Nhật Bản, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu và nhiệm vụ thực hiện Dự án “Cải cách bộ máy của hệ thống chính trị đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đào tạo bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược”.

Tăng cường mở rộng hợp tác với các cơ sở đào tạo nước ngoài, các tổ chức quốc tế, nhằm tranh thủ sự tài trợ, giảm kinh phí đàp tạo, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước; tiếp tục triển khai các hoạt động liên quan đến thực hiện Dự án hợp tác với Nhật, đặc biệt là công tác phối hợp với JICA mời các chuyên gia của Nhật sang thuyết trình, tư vấn xây dựng Dự án và triển khai hợp phần đào tạo, bồi dưỡng; khai thác các nguồn tài trợ khác từ Quỹ Temasek của Xinh-ga-po và các quỹ học bổng khác của các nước.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 165 ghi nhận những kết quả đã đạt được của Ban Chỉ đạo và Văn phòng Đề án 165, đồng chí nhấn mạnh việc đào tạo cán bộ theo Đề án 165 là rất cần thiết, theo đó, tiếp tục đổi mới thực hiện đào tạo theo Đề án 165 một cách thiết thực, hiệu quả. Ban Chỉ đạo và Văn phòng Đề án 165 phải xây dựng kế hoạch đào tạo tổng thể, dài hạn, bám sát ba đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội lần thứ XII và nội dung các Nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa XII của Đảng và phải xuất phát từ nhu cầu đào tạo thực tế, có cơ sở khoa học, hiệu quả. Trong đào tạo tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng quy chế đồng bộ, quy định rõ việc tuyển sinh, thời gian học tập, nội dung chương trình học phù hợp với từng đối tượng đào tạo, quy định rõ trách nhiệm người đi học bảo đảm học tập nghiêm túc, có viết thu hoạch báo cáo kết quả học tập và trách nhiệm các cơ quan tổ chức quản lý cán bộ đi học. Trong quy chế có chế tài xử lý nghiêm những vi phạm. Đồng chí Phạm Minh Chính lưu ý Văn phòng Đề án 165 cần phối hợp nhịp nhàng với các ban, bộ, ngành, địa phương trong phân cấp đào tạo để đạt hiệu quả cao.

Hồng Phúc


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất