Các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án; Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội thảo.
Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; bí thư, phó bí thư 22 tỉnh ủy, thành ủy khu vực miền Nam và 13 tỉnh ủy, thành ủy khu vực miền Trung - Tây nguyên; các đồng chí bí thư, phó bí thư ban cán sự đảng, đảng đoàn đảng ủy trực thuộc Trung ương; đại diện lãnh đạo Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Đài Tiếng nói Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; đại diện lãnh đạo các Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; đại diện thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; đại diện lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp Trung ương; trưởng ban tổ chức một số tỉnh ủy, thành ủy trong khu vực, cùng đại diện lãnh đạo, chuyên viên một số vụ, đơn vị trực thuộc Ban Tổ chức Trung ương tới dự.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án khẳng định, trong hơn 30 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới, Đảng ta luôn xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Nhiều nghị quyết của Trung ương về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã đạt được kết quả nhất định. Tuy vậy, hạn chế, khuyết điểm chung hiện nay là chủ trương, giải pháp đề ra nhiều nhưng chưa tạo được đột phá; tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, có nơi triển khai tích cực, có nơi làm cầm chừng, có nơi không làm. Việc sơ kết, tổng kết, kiểm tra, giám sát chưa được tiến hành thường xuyên...
Nhắc lại những hạn chế, yếu kém trong trong thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đã được Đại hội XII của Đảng chỉ ra, đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ lâu dài. Đây là vấn đề rất khó, vì liên quan đến cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở nên rất cần sự hiến kế của các đại biểu từ kinh nghiệm thực tế.
Đồng chí Phạm Minh Chính nêu vấn đề: Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lệ CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: "Đảng lãnh đạo bằng tổ chức... Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong tổ chức của hệ thống chính trị"... Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 30-7-2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã đề ra chủ trương, giải pháp tương đối toàn diện cả về phương thức và nội dung lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Đại hội XII của Đảng đề ra nhiệm vụ tiếp tục cụ thể hóa phương thức lãnh đạo của Đảng đã xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở tất cả các cấp bằng những quy chế, quy định, quy trình cụ thể. Đổi mới là động lực để phát triển. Vấn đề quan trọng đặt ra trong thời gian tới là tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng như thể nào để trong điều kiện một đảng cầm quyền, Đảng ta tiếp tục phát huy và nâng cao hiệu quả lãnh đạo, bảo đảm cho đất nước luôn ổn định và phát triển bền vững, lâu dài, đạt được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh? Đảng lãnh đạo Nhà nước và thông qua Nhà nước để thực hiện vai trò lãnh đạo như thế nào? Vấn đề tổ chức các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và địa phương; mối quan hệ giữa các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và chính quyền địa phương như thế nào để bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, khắc phục tình trạng chồng chéo; một việc nhiều tổ chức, nhiều cơ quan cùng làm? Chính quyền địa phương có nhất thiết phải như chính quyền Trung ương không, nghĩa là Trung ương có gì thì địa phương phải có nấy, và địa phương này có nhất thiết phải như địa phương khác không? Vấn đề rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị như thế nào? Cùng một việc có nhất thiết cả Trung ương, tỉnh, huyện, xã cùng làm không? Vấn đề phân công, phân cấp hợp lý giữa các cơ quan, tổ chức ở Trung ương, giữa Trung ương và địa phương về nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh như thế nào? Phải chăng việc lãnh đạo, chỉ đạo kinh tế nên phân cấp, phân quyền cho các địa phương nhiều hơn, để phát huy hơn nữa tính chủ động, sáng tạo nhiều hơn của các địa phương, đơn vị, gắn với khoán thu và khoán chi?
Gợi ý thảo luận về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu cho ý kiến, giải pháp cụ thể về một số nội dung: Đảng lãnh đạo để thành lập tổ chức của hệ thống chính trị thế nào? Đảng lãnh đạo thành lập các tổ chức Đảng theo quy định tại Điều 10 Điều lệ Đảng "Hệ thống tổ chức Đảng được lập tương ứng với hệ thống tổ chức hành chính Nhà nước" như thế nào? Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức Đảng và đảng trong bộ máy của hệ thống chính trị thế nào? Đảng lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ ra sao để cho chặt chẽ, hiệu quả? Đảng thống nhất quản lý biên chế của hệ thống chính trị như Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị hiệu quả ra sao? Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ của các tổ chức Đảng, cấp ủy đảng với các tổ chức trong hệ thống chính trị như thế nào để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp, thường xuyên của Đảng?...
Về xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đồng chí Phạm Minh Chính nêu rõ: Văn kiện Đại hội XII của Đảng yêu cầu tiếp tục đổi mới bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Đổi mới kiện toàn tổ chức bộ máy phải gắn với chức năng nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức... Nghiên cứu thực hiện thí điểm hợp nhất một số cơ quan Đảng và Nhà nước tương đồng về chức năng, nhiệm vụ. Tinh giản tổ chức bộ máy gắn với tiếp tục phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của các tổ chức; thực hiện kiêm nhiệm một số chức danh và tinh giản biên chế trong toàn hệ thống chính trị... Gợi ý thảo luận, đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu cho ý kiến tới đây nên sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức các đảng uỷ khối ở Trung ương và địa phương như thế nào? Hoặc tăng cường chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo hướng nào để khắc phục những hạn chế, vướng mắc do cấp ủy không lãnh đạo toàn diện nhiệm vụ chính trị? Làm thế nào để khắc phục được tình trạng bất cập, trùng chéo trong tổ chức và hoạt động giữa đảng ủy với ban cán sự hoặc đảng đoàn ở các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương hiện nay? Nếu sắp xếp lại tổ chức, giao nhiệm vụ của ban cán sự đảng, đảng đoàn cho các đảng uỷ tương ứng ở các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh thì có làm được không và làm như thế nào? Thực tế khoá X, khóa XI, Ban Bí thư đã kết thúc hoạt động của 15 ban cán sự đảng ở tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, đơn vị sự nghiệp Trung ương, 9 đảng đoàn ở các hội văn học - nghệ thuật chuyên ngành Trung ương; còn ở địa phương từ khoá IX, Bộ Chính trị đã kết thúc hoạt động của ban cán sự đảng các sở, ngành cấp tỉnh, chỉ còn ban cán sự đảng ở UBND tỉnh, các cơ quan tư pháp và đảng đoàn ở HĐND, các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh và ở các Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ. Nên sắp xếp đảng bộ cơ sở cơ quan đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc cấp uỷ huyện như thế nào cho phù hợp? Tổ chức đảng trực thuộc đảng uỷ cơ sở xã, phường, thị trấn (đảng bộ bộ phận, chi bộ trực thuộc, chi bộ cơ quan...) nên tổ chức như thế nào để có hiệu quả? Về các cơ quan tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của Đảng cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, nên sắp xếp như thế nào để khắc phục được tình trạng một việc hai cơ quan cùng làm? Có nên thí điểm việc hợp nhất một số cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng và cơ quan chuyên môn của Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ tương đồng như Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã nêu? Về tổ chức bộ máy Nhà nước, làm thế nào để triển khai có hiệu quả nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính; một cơ quan, tổ chức có thể thực hiện nhiều việc để không bỏ trống nhiệm vụ, khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lặp về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ?
Đồng chí Phạm Minh Chính cũng đề nghị các đại biểu góp ý kiến theo các nội dung của Đề án, bao gồm: Nghiên cứu, rà soát tổng thể về tổ chức, tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác... Trên cơ sở đó sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước từ Trung ương tới địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp tình hình mới. Xác định cụ thể tiêu chí, nguyên tắc để quy định chặt chẽ khung số lượng tổ chức trực thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Trên cơ sở đó, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh quyết định thành lập cơ quan trực thuộc phù hợp với nhiệm vụ và tình hình thực tiễn. Đẩy mạnh việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập. Phân cấp hợp lý giữa các cơ quan nhà nước, giữa Trung ương và địa phương để tăng tính tự chủ, gắn với quy định định rõ trách nhiệm trong phạm vi, thẩm quyền được giao; đồng thời, tăng cường hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát. Có thể khoán kinh phí thu, chi thường xuyên và khoán biên chế được không, nhằm tăng tính tự chủ và bỏ cơ chế “xin - cho”? Đẩy mạnh xã hội hóa, chuyển những nhiệm vụ mà các cơ quan nhà nước không cần thiết phải thực hiện để giao cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp... đảm nhận. Xây dựng nguyên tắc, tiêu chí phù hợp và quy hoạch, phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Quy định rõ hơn về chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của HĐND, UBND xã, phường, thị trấn. Xác định quy mô thôn, tổ dân phố và tương đương phù hợp với tình hình hiện nay. Quy định thôn, tổ dân phố và tương đương hoạt động theo hình thức tự quản của cộng đồng dân cư. Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp; xây dựng tổ chức bộ máy của TAND, VKSND các cấp bảo đảm tinh gọn, hoạt động có hiệu quả, nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử. Nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức. Trên cơ sở đó, xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, đúng với tính chất của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, khắc phục tình trạng hành chính hóa. Thực hiện nghiêm quy định Bộ Chính trị quản lý thống nhất về tổ chức, biên chế của cả hệ thống chính trị; phân loại tổ chức, đơn vị hành chính, xác định vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh để làm căn cứ giao và quản lý biên chế cán bộ, công chức, số lượng viên chức trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị; chuyển đổi cơ chế quản lý, cấp ngân sách cho các tổ chức trong hệ thống chính trị theo hướng khoán kinh phí gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn để khuyến khích giảm biên chế; kiêm nhiệm các chức danh phù hợp...
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về phương thức lãnh đạo của Đảng; xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó đi sâu cho ý kiến về đảng ủy không có chính quyền cùng cấp; về mối quan hệ giữa Đảng ủy với Ban cán sự hoặc đảng đoàn; về tổ chức cơ sở Đảng; các cơ quan tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của Đảng; tổ chức bộ máy của Nhà nước... Nhiều ý kiến cho rằng, thực hiện tinh giản biên chế đang là vấn đề cấp bách, và một giải pháp quan trọng là giảm bớt đầu mối cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương.
T.S