Tọa đàm khoa học kỷ niệm 105 năm Ngày sinh GS. Trần Văn Giàu
Đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh phát biểu bế mạc Tọa đàm

Ngày 15-9-2016, kỷ niệm 105 năm Ngày sinh GS. Trần Văn Giàu  (11-9-1911 - 11-9-2016), Thành ủy TP. Hồ Chí Minh tổ chức cuộc Tọa đàm khoa học: “Đồng chí Trần Văn Giàu Nhà cách mạng - Nhà giáo - Nhà khoa học, dấu ấn một nhân cách”. Các đồng chí: GS,TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS,TS. Phan Xuân Biên, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương; Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tây Ninh; đại diện Thường trực Tỉnh ủy các tỉnh: Long An, Vĩnh Long, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. Cần Thơ tới dự.                       
Cuộc Tọa đàm đã nhận được 130 tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà sử học trong nước và nước ngoài. Trong đó có nhiều tham luận rất công phu của các học giả nổi tiếng, như: GS. Phan Huy Lê, GS,TS. Tạ Ngọc Tấn, PGS. Huỳnh Lứa, PGS,TS. Đinh Quang Hải, PGS,TS. Vũ Quang Đạo, PGS,TS. Võ Văn Sen, PGS,TS. Hà Minh Hồng, TS. Mai Quốc Liên, PGS,TS. Phan Xuân Biên, Phạm Phương Thảo… Đây là những người đã có sự tiếp xúc, cùng được làm việc với GS. Trần Văn Giàu.  
                    
Khai mạc Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nêu bật thân thế sự nghiệp và những cống hiến to lớn của GS. Trần Văn Giàu trong đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Sinh ra tại xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, khi mới 15 tuổi đồng chí Trần Văn Giàu đã tham gia phong trào để tang cụ Phan Châu Trinh và bị thôi thúc bởi lời kêu gọi của nhà yêu nước Nguyễn An Ninh: “Cần rời khỏi nhà mình, đi xa, đi thật xa để tìm một lý tưởng mà phấn đấu”. Năm 1928, sau khi tốt nghiệp Trường trung học Chasseloup Laubat ở Sài Gòn, đồng chí Trần Văn Giàu được gia đình cho sang Pháp du học tại Đại học Toulouse với ý chí học thật giỏi, “tìm một cái gì mới”. Tại đây, đồng chí được đọc tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Tháng 3-1929, đồng chí Trần Văn Giàu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, chính thức bắt đầu con đường “làm chính trị”, con đường  mà chàng thanh niên Trần Văn Giàu chọn để góp phần vào việc cứu nước, thực hiện ước mơ làm việc nghĩa mà anh đã thấm nhuần từ những ngày được nghe cha mẹ ngâm những câu thơ Lục Vân Tiên. Tháng 6-1930, đồng chí bị cảnh sát bắt giam tại nhà tù Loa Roquillis và sau đó bị Chính phủ Pháp trục xuất về nước vì đã tham gia cuộc biểu tình đòi xóa án tử hình cho 13 thủ lĩnh Quốc dân Đảng bị Pháp bắt trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái.                           

Sau khi về nước, nhanh chóng hòa vào dòng chảy sôi sục cách mạng, đồng chí gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương và được phân công cùng Hải Triều phụ trách Ban Học sinh và Ban Phản đế của Xứ ủy Nam Kỳ... Từ nhà một nhà chính trị thâm hiểu thực tế, GS. Trần Văn Giàu đã được Trung ương Đảng, Bác Hồ rèn luyện và trở thành nhà giáo mẫu mực, nhà khoa học đầu ngành, người đặt nền móng đầu tiên cho sự nghiệp giáo dục đại học, đào tạo nhân tài cho đất nước sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, miền Bắc được lập lại hòa bình. Với các cương vị Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, GS. Trần Văn Giàu là người đã trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công ở Sài Gòn - Gia Định và toàn Nam Bộ. GS. Trần Văn Giàu luôn quan tâm, theo dõi những bước đi lên của thành phố sau ngày hòa bình; ông đã góp nhiều ý kiến cho lãnh đạo thành phố về những điều mà ông tâm huyết, cùng những quyết sách lớn để thành phố đi lên, luôn đứng đầu trong tốc độ phát triển kinh tế và đi đầu trong nhiều chính sách về xã hội của cả nước. GS. Trần Văn Giàu là tấm gương mẫu mực trong nghiên cứu khoa học; ông luôn quan tâm, theo dõi, đào tạo các thế hệ  trẻ và trực tiếp chỉ đạo các công trình khoa học xã hội mang tầm ảnh hưởng lớn của thành phố đối với cả nước. Trong hơn 2/3 thế kỷ nghiên cứu, đào tạo, viết các công trình có ý nghĩa lớn cho đất nước, GS. Trần Văn Giàu đã khắc họa trong giới nghiên cứu khoa học cả nước về tấm gương trung thành tuyệt đối với Đảng, nhân cách sáng trong của người làm khoa học phục vụ đất nước.                          
Những tham luận được trình bày tại cuộc Tọa đàm đều khẳng định tính cách trung thành tuyệt đối với Đảng, những đóng góp rất lớn trong đào tạo các thế hệ giảng viên đại học, công trình khoa học lớn.                   

Kết thúc  Tọa đàm, đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đã đúc kết 4 vấn đề mà các nhà khoa học đã trao đổi tại cuộc Tọa đàm. Đó là: GS.Trần Văn Giàu là nhà cách mạng suốt đời đã phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp cao cả của Đảng, của cách mạng; GS. Trần Văn Giàu - một nhà giáo mẫu mực, cây đại thụ của nền khoa học xã hội Viêt Nam; GS. Trần Văn Giàu - nhân cách sáng ngời của một người Cộng sản; Bài học quý báu về tấm gương của GS. Trần Văn Giàu đối với xây dựng thành phố hôm nay. Đồng chí Tất Thành Cang khẳng định: Tên tuổi GS. Trần Văn Giàu đã, đang và sẽ luôn còn gắn mãi với vùng đất, con người Sài Gòn - Gia Định - TP. Hồ Chí Minh hôm qua, hôm nay và mai sau. GS. Trần Văn Giàu là tấm gương sáng ngời nhân cách nhà cách mạng và nhà khoa học hàng đầu trong khoa học xã hội Việt Nam.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất