Sáng 23-6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội Đơn vị bầu cử số 1 đã tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng, sau Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Cùng dự có các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội; Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội.
Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu chính tại trụ sở quận Ba Đình và 55 điểm cầu tại quận Đống Đa, quận Hai Bà Trưng và các phường với hơn 1.200 cử tri tham gia.
Tại Hội nghị, cử tri đã nghe đại diện đại biểu Quốc hội báo cáo về nội dung, kết quả kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XV; báo cáo tổng hợp trả lời của các bộ, ngành và TP. Hà Nội về ý kiến, kiến nghị của cử tri 3 quận trong kỳ tiếp xúc trước.
Khắc phục tình trạng đẩy trách nhiệm lên Trung ương
Các cử tri đánh giá cao kết quả của chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV; ghi nhận sự nỗ lực cố gắng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ thời gian qua.
Trong đó, cử tri 3 quận đề nghị Quốc hội tiếp tục nâng cao chất lượng lập pháp; tăng cường hơn nữa chất lượng công tác giám sát, không chỉ là giám sát tối cao mà nên có các cuộc giám sát theo chuyên đề để đánh giá được thực chất các quyết sách của Quốc hội.
Cử tri kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành có giải pháp cụ thể trong điều hành để phục hồi và phát triển nền kinh tế, kiềm chế lạm phát, khắc phục các yếu kém mà Quốc hội đã chỉ ra. Sử dụng các giải pháp về thuế, về nhập khẩu, sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu nhanh chóng bình ổn giá xăng dầu, kiểm soát và xử lý các trường hợp lợi dụng tăng giá xăng dầu để tăng giá hàng hóa bất hợp lý.
Cử tri hoan nghênh Quốc hội đã quyết định Lịch sử là môn học bắt buộc trong trường phổ thông, bởi đây là môn học có ý nghĩa rất quan trọng trong giáo dục truyền thống, để giới trẻ không quên nguồn gốc của mình. Tuy nhiên, cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo để sớm có bộ sách giáo khoa đạt chuẩn cả về nội dung, quy tắc, quy chuẩn; được sử dụng ổn định, lâu dài trong nhiều năm mà không bị thay đổi, tạo thuận lợi cho việc dạy và học trong các cơ sở giáo dục phổ thông, tiết kiệm chi phí cho người dân.
Đặc biệt, các cử tri bày tỏ trân trọng, tin tưởng và đánh giá cao vai trò của Tổng Bí thư, của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Nhiều vụ việc lớn được xử lý như Việt Á, vụ thao túng thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản và nhiều vụ việc khác tuy không mong muốn nhưng Nhân dân rất đồng tình.
Một số cử tri bày tỏ sự bất bình, lên án mạnh mẽ, phẫn nộ đối với những hành vi trục lợi trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao, có sự tiếp tay, bao che của một số cán bộ, đảng viên, làm giảm sút lòng tin của Nhân dân. Bên cạnh việc đổi mới cơ chế quản lý bệnh viện công, cử tri mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật.
Các cử tri cho rằng, việc Hội nghị Trung ương 5 của Đảng quyết định thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là một việc làm kịp thời, khắc phục tình trạng đẩy trách nhiệm lên Trung ương, tránh tình trạng “trên nóng dưới lạnh”... Cử tri mong muốn Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Quốc hội, Chính phủ có biện pháp để ban chỉ đạo cấp tỉnh đủ mạnh, có thực quyền, trở thành “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo Trung ương, phục vụ đắc lực cho hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.
Một số cử tri đánh giá cao việc Quốc hội thông qua chủ trương xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; đồng thời kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và TP. Hà Nội cần thống nhất kế hoạch thu hồi đất theo quy định, có chính sách đền bù, hỗ trợ tái định cư phù hợp, thỏa đáng, bảo đảm cuộc sống người dân chịu ảnh hưởng của dự án; tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực, uy tín, có cam kết rõ ràng để bảo đảm dự án được thực hiện thành công…
“Cắt một vài cành sâu để cứu cả cây”
Thay mặt các đại biểu Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao cử tri 3 quận nắm rất rõ tình hình Thủ đô, đất nước, phát biểu ý kiến ngắn gọn nhưng sâu sắc, đề cập trúng các vấn đề, đóng góp ý kiến rất xác đáng, mang tầm chiến lược và trách nhiệm của cử tri, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội và Quốc hội khóa XV.
Đề cập nội dung, kết quả Kỳ họp thứ ba, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, không khí làm việc Quốc hội ngày càng đổi mới, sôi nổi, thực chất hơn. Dù chỉ làm việc trong ít ngày, nhưng kỳ họp đã hoàn thành khối lượng lớn: Thông qua 5 luật, 17 nghị quyết; cho ý kiến về 6 dự án luật khác và quyết định nhiều nội dung quan trọng. Kỳ họp để lại dư âm, dư luận rất tốt; Quốc hội đã cho thấy vai trò thực sự là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Từ đó đã thực hiện đúng tinh thần là không nói lý thuyết chung chung, mà bám sát vào đời sống thực tế, bàn những vấn đề thiết thực, thúc đẩy thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, HĐND các cấp cũng phải phát huy tinh thần đổi mới của Quốc hội, làm đúng vai là cơ quan đại diện của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở địa phương; đề ra được các chính sách phù hợp với lòng dân, để huy động sức mạnh Nhân dân phục vụ xây dựng đất nước.
Đề cập đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, quan điểm nhất quán của Trung ương là phải làm một cách kiên trì, nhân văn, bài bản và thuyết phục. Quy trình xử lý cán bộ vi phạm được thực hiện chặt chẽ từ xử lý về mặt Đảng, đến xử lý hành chính và xử lý hình sự theo quy định pháp luật; từng bước đều được cân nhắc một cách dân chủ, công bằng, công khai theo nguyên tắc của Đảng và các quy định pháp luật. Nhờ cách làm này mà ngay cả người vi phạm cũng nhận ra sai phạm, hứa sẽ khắc phục khuyết điểm.
Tổng Bí thư cho biết, cuối tháng này, Trung ương sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng để nhìn lại giai đoạn từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực thuộc Bộ Chính trị. Hội nghị nhằm tổng kết kết quả, hạn chế, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để áp dụng cho giai đoạn mới. Đây là cơ sở Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tổ chức hoạt động đồng bộ, thống nhất, hoạt động hiệu quả từ Trung ương xuống ban chỉ đạo cấp tỉnh, bảo đảm ở đâu cũng “đúng vai, thuộc bài” hướng tới giai đoạn cán bộ “không thể tham nhũng” và “không muốn tham nhũng”...
Tổng Bí thư một lần nữa khẳng định rõ quan điểm xử lý nghiêm cán bộ sai phạm là nhằm làm bài học răn đe chung, cảnh tỉnh để những người khác không vi phạm; đúng như Bác Hồ từng dạy là vì sự nghiệp chung, không thể không làm, “cắt một vài cành sâu để cứu cả cây”.
Còn về ý kiến cho rằng “kỷ luật nhiều cán bộ như vậy thì lấy ai để làm việc”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, không lo không có cán bộ làm việc, bởi cán bộ không chỉ vi phạm pháp luật mà còn sai cả về đạo lý thì không thể không xử lý. Quan trọng là phải chọn đúng cán bộ thay thế, phải làm thật chính xác, chín chắn, không được vội vàng.
Tổng Bí thư mong muốn cử tri và Nhân dân Thủ đô sẽ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục phát huy truyền thống văn hiến nghìn năm của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, đoàn kết, phấn đấu xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng tầm vị thế.
Nguồn: dangcongsan.vn