Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc với Ban Kinh tế Trung ương
Quang cảnh buổi làm việc.
Sáng ngày 11-02-2016, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng,  đã đến thăm và làm việc với Ban Kinh tế Trung ương. Cùng dự có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cùng  và đại diện Lãnh đạo các ban đảng Trung ương. Các đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương; Ngô Đông Hải, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Ngô Văn Tuấn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Trần Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban kiêm nhiệm Ban Kinh tế Trung ương, Bô trưởng Bộ Công Thương; Đặng Huy Đông, Phó Trưởng Ban Kiêm nhiệm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các đồng chí lãnh đạo các vụ, đơn vị của Ban và toàn thể cán bộ, công chức và người lao động của Ban Kinh tế Trung ương tham dự.

Đồng chí Cao Đức Phát, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã báo cáo với đồng chí Nguyễn Phú Trọng về tình hình công tác của Ban. Trong 4 năm qua, Ban Kinh tế Trung ương đã có những đóng góp quan trọng trong điều kiện vừa ổn định bộ máy tổ chức, vừa triển khai thực hiện tốt các công việc, nổi bật là việc Ban Kinh tế Trung ương đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao là cơ quan chủ trì chuẩn bị 7 đề án quan trọng trình Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, gồm 3 đề án trình Hội nghị Trung ương 5 khóa XII (tháng 5-2017) và 4 đề án trình Bộ Chính trị trong năm 2017.

Đây là những đề án hết sức quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nội dung của các đề án tập trung vào việc tổng kết, đánh giá toàn diện kết quả thực hiện một số chủ trương, chính sách lớn của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua, trên cơ sở đó đề ra những chủ trương, chính sách và giải pháp phù hợp, có hiệu quả nhằm góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nêu tại Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đặc biệt là "đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại".

Ngoài các đề án trên, tháng 11-2016, Thường trực Ban Bí thư cũng đã đồng ý giao Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan chủ trì tiến hành Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về "Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại" và nghiên cứu Đề án "Phát triển hợp tác xã kiểu mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới" để làm cơ sở, tổng kết nhân rộng mô hình. Đối với các nội dung này, ngay sau khi được giao nhiệm vụ, Ban Kinh tế Trung ương đã tiến hành xây dựng dự thảo kế hoạch thực hiện, đề cương nghiên cứu, đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo trình Thường trực Ban Bí thư phê duyệt.

Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ chính trị theo chức năng, nhiệm vụ của Ban, các nhiệm vụ liên quan đến công tác tổ chức hoạt động của Ban cũng được Lãnh đạo Ban quan tâm sát sao, thường xuyên trong chỉ đạo thực hiện như Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế, công tác nghiên cứu khoa học… Tổ chức, bộ máy của Ban đang tiếp tục kiện toàn, đã triển khai rà soát, nghiên cứu, bổ sung, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các vụ, đơn vị thuộc Ban làm cơ sở để sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ban trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bày tỏ sự vui mừng đến thăm và làm việc với Ban Kinh tế Trung ương, gửi tới các đồng chí, các cán bộ, nhân viên, người lao động của Ban lời hỏi thăm ân cần với lời chúc tốt đẹp nhất.

Đánh giá cao kết quả Ban Kinh tế Trung ương đạt được, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục quan tâm thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao trong năm 2017 và cả nhiệm kỳ khoá XII. Trọng tâm là:

Một là, phải tập trung ưu tiên thực hiện thật tốt chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Đảng về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Sau 30 năm đổi mới, đến Đại hội XII, Đảng và Nhà nước ta đã hình thành được một hệ thống khá cơ bản và hoàn chỉnh các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách về đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, để nước ta phát triển nhanh và bền vững đúng với tiềm năng, lợi thế của đất nước và mục tiêu, yêu cầu đề ra thì cần phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ hơn nữa, hay như có người nói là phải đổi mới theo chiều sâu. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ những nội dung, vấn đề và định hướng tiếp tục nghiên cứu bổ sung, phát triển. Chương trình làm việc toàn khoá của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã xác định rõ những đề án, báo cáo cần được triển khai xây dựng. Ban Kinh tế Trung ương cần bám sát, quán triệt thật sâu sắc Nghị quyết Đại hội XII, nhất là hai Nghị quyết của Hội Nghị Trung ương 4 khoá XII nêu trên, nghiêm túc tổng kết lý luận và thực tiễn để có những đề xuất bổ sung, phát triển cần thiết, đúng đắn. Chú trọng đến các vấn đề như: động lực và nguồn lực cho phát triển; việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, tranh thủ những thời cơ, thuận lợi, vượt qua những khó khăn, thách thức mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể đem lại; thực hiện thành công ba đột phá chiến lược; thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh mới; cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước; phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; đổi mới quản lý và phát triển xã hội; tăng cưởng quản lý và bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Ngoài những đề án, báo cáo được giao chủ trì nghiên cứu, chuẩn bị, Ban Kinh tế Trung ương còn cần phải tích cực tham gia cùng các ban, bộ, ngành Trung ương thẩm định, phản biện một cách khách quan, sắc sảo, thuyết phục đối với các đề án, báo cáo về phát triển kinh tế - xã hội do các cơ quan khác chủ trì chuẩn bị. Tập trung ưu tiên triển khai nghiên cứu xây dựng các đề án: "Đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập"; "Cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và chính sách đối với người có công"…

Trong quá trình chủ trì nghiên cứu, xây dựng các báo cáo, đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là trình Hội nghị Trung ương 5 sắp tới, các đồng chí cần tập trung làm rõ những vấn đề quan trọng như:

- Đảng ta đã đề ra chủ trương, đường lối phát triển kinh tế nhanh, bền vững và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, biện pháp, chương trình, kế hoạch để thực hiện, thực tế đến nay kinh tế - xã hội nước ta đã phát triển nhanh và bền vững chưa? Nhanh và bền vững ở mức nào? Nếu chưa nhanh, chưa bền vững thì nguyên nhân do đâu? Từ đó đề xuất các chính sách, biện pháp tiếp tục đổi mới, bổ sung, hoàn thiện để thực hiện bằng được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Phải chăng nguyên nhân bao trùm là do việc huy động, đặc biệt là phân bổ, sử dụng các nguồn lực còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa tuân thủ đầy đủ, đúng đắn các quy luật, nguyên tắc của kinh tế thị trường?

- Vì sao việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá IX về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước không đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra; vì sao nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước làm ăn thua lỗ, để xảy ra nhiều vụ tham nhũng, lãng phí lớn với những công trình hàng nghìn tỉ đồng "bị đắp chiếu"? Từ đó đề xuất đồng bộ các chủ trương, chính sách, biện pháp đúng đắn, có tính đột phá nhằm đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước để Hội nghị Trung ương 5 xem xét, ban hành một Nghị quyết mới, đúng tầm, góp phần làm cho doanh nghiệp nhà nước thực sự trở thành lực lượng nòng cốt của nền kinh tế.

- Đánh giá khách quan, toàn diện tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện phát triển mạnh kinh tế tư nhân, chỉ rõ những kết quả, thành tích đã đạt được, hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân; từ đó đề xuất những chủ trương, chính sách, biện pháp phù hợp để tiếp tục định hướng, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển một cách đúng đắn, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

- Trên cơ sở tổng kết việc thực hiện chủ trương xã hội hoá dịch vụ công trong lĩnh vực y tế, giáo dục, nghiên cứu khoa học - công nghệ, văn hoá, xã hội, quán triệt đầy đủ, đúng đắn Nghị quyết Đại hội XII, nghiên cứu, đề xuất với Bộ Chính trị và Trung ương các chủ trương, chính sách, biện pháp đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập và đẩy mạnh xã hội hoá dịch vụ công.

Hai là, cần chủ động, tích cực tham gia quán triệt, tuyên truyền, hướng dẫn việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển kinh tế - xã hội. Là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, được tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng, hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, Ban Kinh tế Trung ương phải phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động cụ thể trên lĩnh vực này. Đồng thời, cùng với Ban Tuyên giáo Trung ương quán triệt, phổ biến, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội đến toàn Đảng, toàn dân, toàn quân để nâng cao, thống nhất nhận thức và hành động, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; chú ý đấu tranh bảo vệ đường lối, quan điểm cơ bản, đúng đắn của Đảng; phê phán, bác bỏ những nhận thức sai, quan điểm sai.

Thời gian qua, nhiệm vụ này dường như chưa được chú trọng đúng mức và Ban cũng chưa chủ động có nhiều đóng góp trong lĩnh vực này. Ví dụ như, Hội nghị Trung ương 4 khoá XII vừa qua đã ban hành hai nghị quyết rất quan trọng, góp phần bảo đảm phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh nền kinh tế nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế thế giới, khu vực và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra nhanh chóng. Đó là: Nghị quyết về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và Nghị quyết về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Mặc dù là cơ quan trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng, thẩm định, trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, ban hành, nhưng đến nay, sự đóng góp của Ban Kinh tế Trung ương vào quá trình quán triệt, tuyên truyền, hướng dẫn việc triển khai thực hiện hai nghị quyết này vẫn chưa thật rõ nét.

Mặt khác, cần đi sâu, bám sát hơn nữa tình hình thực tiễn của đất nước, gắn bó chặt chẽ hơn nữa với các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là cuộc sống của nhân dân để nhìn nhận, phản ánh đúng thực tế tình hình, kịp thời phát hiện những nhân tố mới, những vấn đề mới nảy sinh trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Thực tiễn là căn cứ, là tiêu chuẩn để nhìn nhận, đánh giá đúng sai, những điểm được và chưa được trong chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, để từ đó tiếp tục nghiên cứu đổi mới, hoàn thiện các chủ trương, chính sách, biện pháp và việc tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành.

Đồng thời, phải chủ động hơn nữa trong việc cập nhật, phân tích, dự báo diễn biến tình hình quốc tế, khu vực để đề xuất, tham mưu kịp thời những quyết sách, giải pháp chính xác, bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi và thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển. Thực tiễn năm 2016 cho thấy và như Đại hội XII đã nhận định, tình hình thế giới và khu vực bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, cũng có nhiều khó khăn, thách thức đan xen và đang diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Cần nhạy bén, bình tĩnh, sáng suốt phân tích, dự báo để chủ động, kịp thời nắm bắt, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức.

Ba là, cần thường xuyên quan tâm đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, các quyết sách của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Trong phần Tổ chức thực hiện, các văn kiện của Đảng về kinh tế - xã hội thường quy định: Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện Nghị quyết; định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Thực tế thời gian qua cho thấy, các ban đảng nói chung, Ban Kinh tế Trung ương nói riêng mới chủ yếu tập trung sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, mà chưa thường xuyên giám sát, kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện, định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đặc biệt là rất ít có báo cáo đột xuất trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Bốn là, để thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên, Ban Kinh tế Trung ương và cán bộ của Ban phải nắm rất chắc và quán triệt sâu sắc các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo cơ bản của Đảng được nêu trong Cương lĩnh, các nghị quyết đại hội Đảng; căn cứ vào Chương trình công tác toàn khoá và hằng năm của Trung ương Đảng; đồng thời thường xuyên bám sát thực tiễn, theo sát diễn biến tình hình trong nước và thế giới để tổng kết, đề xuất những cái mới, sáng tạo. Ban cần chú trọng kiện toàn tổ chức bộ máy, không ngừng nâng cao trình độ, phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ. Sau 4 năm tái lập, bộ máy tổ chức, cán bộ của Ban đã được hình thành và đi vào hoạt động khá thông suốt. Ban đã xây dựng được Quy chế làm việc, xác định được mối quan hệ công tác với các cơ quan hữu quan, khá toàn diện, cả về chiều ngang và chiều dọc.

Tổng Bí thư đề nghị Ban Kinh tế Trung ương nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII "Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, nhất là những điểm mà đồng chí Tổng Bí thư lưu ý nghiên cứu xây dựng các đề án, đồng chí Nguyễn Văn Bình khẳng định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Ban trong thới gian tới, đồng thời xin hứa, ngoài việc Ban Chấp hành Trung ương, Ban Bí thư giao thực hiện xây dựng các đề án, thời gian tới, Ban Kinh tế sẽ chủ động đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương, Ban Bí thư và đồng chí Tổng Bí thư các đề án mang tính chiến lược của Ban Kinh tế đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng chí Nguyễn Văn Bình cũng báo cáo với đồng chí Tổng Bí thư về  02 đề án mà Ban Kinh tế đề xuất về đất đai trong nông nghiệp và kinh tế tập thể, và đó chính là bước đầu thể hiện sự chủ động đề xuất.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất