TP. Hồ Chí Minh mít-tinh kỷ niệm 55 năm Ngày Dân số Việt Nam 26-12
Đồng chí Trần Văn Trị, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ TP. Hồ Chí Minh đọc diễn văn kỷ niệm

Ngày 16-12-2016, TP. Hồ Chí Minh tổ chức Lễ mít-tinh kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam (26-12-1961 - 26-12-2016) với chủ đề: "55 năm truyền thống công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, vì hạnh phúc của mỗi gia đình, vì sự phát triển bền vững của đất nước". Đồng chí Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng ục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan của TP. Hồ Chí Minh tới dự.

Đọc diễn văn kỷ niệm, đồng chí Trần Văn Trị, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ TP. Hồ Chí Minh nêu bật ý nghĩa Ngày Dân số Việt Nam 26-12 và Tháng hành động quốc gia về dân số năm 2016; những kết quả nổi bật trong công tác dân số - KHHGĐ của TP. Hồ Chí Minh trong năm 2016.

Cách đây tròn 55 năm, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính Phủ) ban hành Quyết định 216/CP ngày 26-12-1961 về hướng dẫn sinh đẻ có kế hoạch và chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em. Ngày 19-5-1997, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 26-12 hàng năm làm Ngày Dân số Việt Nam, nhằm tập trung toàn xã hội cho công tác này, điều chỉnh sự phát triển dân số cho phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trước mắt và lâu dài. Trong 55 năm qua, công tác dân số ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu. Hầu hết các chỉ tiêu, mục tiêu về quy mô dân số đều đạt và vượt. Mức sinh thay thế được duy trì vững chắc, tỷ lệ phát triển dân số ở mức 1%/năm; bước đầu giảm được tốc độ gia tăng tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh. Nhu cầu sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại và dịch vụ KHHGĐ của người dân ngày càng được đáp ứng tốt hơn. Viện triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng dân số được triển khai đồng bộ, hiệu quả, góp phần làm giảm tỷ lệ trẻ em sinh ra bị mắc các bệnh, tật và dị tật bẩm sinh. Công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần đáng kể vào việc tăng tuổi thọ và sức khỏe người cao tuổi.

Tuy nhiên, công tác dân số ở nước ta hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, bao gồm cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số. Mức sinh hiện chưa có xu hướng một chiều ổn định, tiếp tục biến động và phụ thuộc nhiều vào chính sách chủ động của Nhà nước. Quá trình già hóa dân số diễn ra ngày càng nhanh. Mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục lan rộng. Tình trạng di cư tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, làm thay đổi nhanh chóng cơ cấu và phân bổ dân số của các vùng, địa phương. Nhu cầu nâng cao chất lượng dân số, hướng tới rút ngắn khoảng cách với các nước trong khu vực trở thành áp lực ngày càng lớn...

Do đó, vấn đề cốt lõi trong chính sách dân số hiện nay là phải chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển. Đây là cuộc cách mạng trong chính sách dân số nhằm giải quyết toàn diện các vấn đề về dân số với các nhiệm vụ chủ yếu như: Duy trì mức sinh thay thế; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; tận dụng cơ cấu dân số vàng; thích ứng với quá trình già hóa dân số; điều chỉnh phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số...

Trong năm 2016, TP. Hồ Chí Minh  hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu kế hoạch trong công tác dân số. Số người sử dụng các biện pháp tránh thai vượt 16% kế hoạch; tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 83,3%, vượt 13,3% chỉ tiêu Trung ương giao; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 72,4%, vượt 10,4% chỉ tiêu Trung ương giao; tỷ số giới tính khi sinh 105,5 bé trai/100 bé gái. Thành phố cũng hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu khám sức khỏe tiền hôn nhân bằng hình thức xã hội hóa, với 638 người sắp kết hôn tự nguyện tham gia. Các đề án, mô hình như: Phòng khám sức khỏe sinh sản - KHHGĐ, Điểm tư vấn miễn phí về sức khỏe sinh sản - tiền hôn nhân... được triển khai rộng khắp và đạt hiệu quả thiết thực. Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số tại 24 quận, huyện, với 82 phường, xã, thị trấn được triển khai sâu rộng, thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu các gói dịch vụ. Thành phố cũng đã đào tạo, tuyển chọn, tập huấn cho 13.322 lượt cán bộ làm công tác dân số các cấp.

Phát động phong trào thi đua yêu nước thực hiện công tác dân số - KHHGĐ năm 2017, Chi cục Dân số - KHHGĐ TP. Hồ Chí Minh triển khai đồng bộ, thường xuyên các hoạt động tuyên truyền, vận động giáo dục và tư vấn, nhằm tăng cường hiểu biết của cộng đồng, tạo dư luận xã hội thúc đẩy mỗi cá nhân, gia đình chủ động và tự nguyện thực hiện chinh sách dân số và sức khỏe sinh sản. Tăng cường tuyên truyền giáo dục thay đổi hành vi cho người vị thành niên và thanh niên. Thực hiện điều chỉnh thông điệp truyền thông từ khẩu hiệu "Mỗi cặp vợ chồng sinh một hoặc hai con" sang khẩu hiệu "Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con". Tập trung mở rộng các hoạt động nâng cao chất lượng dân số thông qua việc triển khai các đề án, mô hình. Chủ động giải quyết các vấn đề liên quan đến cơ cấu dân số, trong đó tập trung kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh; nhanh chóng thích ứng với già hóa dân số, tận dụng giai đoạn cơ cấu dân số vàng. Tiếp tục nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản và cung cấp dịch vụ KHHGĐ; đáp ứng đầy đủ, kịp thời, an toàn và thuận tiện dịch vụ sức khỏe sinh sản và KHHGĐ có chất lượng; đẩy mạnh hoạt động tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai. Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân số và sức khỏe sinh sản. Vận hành kho dữ liệu chuyên ngành dân số TP. Hồ Chí Minh; hoàn thành đổi sổ gia đình giai đoạn 2016-2020. TP. Hồ Chí Minh phấn đấu hoàn thành một số chỉ tiêu chủ yếu: Tỷ lệ sàng lọc trước sinh trên số bà mẹ mang thai đạt 74%; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 64%, tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh không quá 0,5 điểm %, mức giảm tỷ lệ sinh đạt 0,00%o; gần 442 nghìn người sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại... Nhân dịp này, TP. Hồ Chí Minh đã khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác dân số - KHHGĐ năm 2016.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất