Sáng 12-8-2010, Đại hội IX Hội Nhà báo Việt Nam, nhiệm kỳ 2010-2015 đã chính thức diễn ra tại cung Văn hoá hữu nghị Hà Nội. 403 đại biểu đại diện cho 17.763 hội viên sinh hoạt tại 263 đơn vị hội về dự. Đại hội đã được đón đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, nhiều đại diện các bộ, ban, ngành ở Trung ương và Hà Nội tới dự.
Đại hội IX có nhiệm vụ đánh giá các hoạt động báo chí và tổng kết hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ qua, khẳng định những thành tựu và đóng góp của báo chí Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất nước, chỉ ra những yếu kém, khuyết điểm trong hoạt động báo chí cũng như hoạt động của các cấp hội, xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trong nhiệm kỳ 2010-1015, thông qua Điều lệ Hội (sửa đổi). Đại hội đã bầu Ban Chấp hành khoá IX gồm 51 uỷ viên. Đồng chí Đinh Thế Huynh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân được bầu lại làm Chủ tich Hội Nhà báo Việt Nam khoá IX.
Thay mặt Đảng và Nhà nước, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu với Đại hội.
Thưa các vị đại biểu,
Thưa các đồng chí,
Trước hết, tôi xin được thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, gửi đến các vị đại biểu, các đồng chí, và qua các đồng chí đến toàn thể những người làm báo Việt Nam, đặc biệt là các nhà báo lão thành, thân nhân, gia đình các nhà báo liệt sĩ, cùng đông đảo cộng tác viên và anh chị em làm công tác in ấn, phát hành báo chí trong cả nước lời chào thân ái và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Đại hội lần thứ IX Hội Nhà báo Việt Nam được tiến hành vào thời điểm nhân dân ta, đất nước ta đang có nhiều hoạt động và sự kiện quan trọng, nhiều ngày lễ lớn; giới báo chí cả nước cũng vừa tưng bừng kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và vinh dự đón nhận Huân chương Sao vàng - phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước trao tặng. Trong 85 năm qua, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập tờ báo Thanh niên, khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam, giới báo chí nước ta luôn luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, đã chứng kiến và trải qua những chặng đường lịch sử vô cùng oanh liệt và vẻ vang của dân tộc.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã nhất tề đứng lên đấu tranh cách mạng và tiến hành các cuộc kháng chiến trường kỳ, vượt qua muôn vàn gian lao, thử thách, lần lượt đánh thắng các thế lực xâm lược, lật đổ ách áp bức thống trị của chế độ thực dân phong kiến, giải phóng dân tộc, giành lại độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, tiến lên xây dựng, phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Được Bác Hồ và Đảng ta chăm lo gây dựng, dìu dắt và rèn luyện, các thế hệ nhà báo Việt Nam đã tham gia tích cực và có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, thực sự là những chiến sĩ cách mạng, những người lính xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng. Nhiều nhà báo đã không quản gian nguy đến những nơi đầu sóng, ngọn gió để phản ánh cuộc chiến đấu anh dũng và sáng tạo của chiến sĩ, đồng bào. Hàng trăm nhà báo đã ngã xuống nơi chiến trường hay trong ngục tù của thực dân, đế quốc, hiến dâng cả cuộc đời mình cho sự nghiệp vẻ vang của dân tộc.
Gần 25 năm thực hiện đường lối đổi mới, báo chí nước ta đã có sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ về nhỉều mặt. Đến nay, chúng ta đã có một hệ thống báo chí đầy đủ các loại: báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử. Đội ngũ nhà báo lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng với hơn 17.000 nhà báo chuyên nghiệp, hàng chục nghìn cán bộ, công chức, chuyên viên kỹ thuật, dịch vụ đang làm việc trong các cơ quan báo chí và rất đông đảo đội ngũ cộng tác viên trong cả nước. Nhiều nhà báo đã được đào tạo cơ bản, nâng cao về trình độ chính trị, lý luận, nghiệp vụ, được giao lưu tiếp thu kinh nghiệm của các bạn đồng nghiệp trong nước và quốc tế, tiếp cận các phương tiện làm báo hiện đại.
Hoạt động báo chí trong những năm đổi mới nói chung và trong 5 năm qua nói riêng đã đóng góp to lớn và quan trọng vào thành tựu phát triển chung của đất nước: Đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, cổ vũ nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh trung thực, sinh động ý chí, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, những vấn đề bức xúc, nóng bỏng của cuộc sống, góp phần tổng kết thực tiễn, hoạch định chính sách, tham gia quá trình giám sát và phản biện xã hội, quản lý đất nước. Đã phát hiện, biểu dương, cổ vũ những nhân tố mới, điển hình tiên tiến; tích cực tham gia đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ kỷ cương pháp luật; giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường dân tộc, truyền bá văn hóa, nâng cao dân trí, nhận thức chính trị và trách nhiệm xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ, đồng thời góp phần nâng cao uy tín, vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Trong những thành tích chung của báo chí cả nước, có sự đóng góp tích cực của Hội Nhà báo Việt Nam, nhất là những cố gắng tập hợp, đoàn kết, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo, phối hợp cùng các cấp, các ngành, các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức Hội và những người làm báo. Thay mặt Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng và cảm ơn những đóng góp to lớn của giới báo chí nước nhà và của Hội Nhà báo Việt Nam.
Tuy nhiên, báo chí cũng còn những thiếu sót, khuyết điểm cần kiên quyết sửa chữa, khắc phục. Đó là tình trạng một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ mục đích, sa vào giật gân, câu khách tầm thường, để lọt những thông tin sai sự thật, lộ bí mật quốc gia, làm tổn hại đến lợi ích chung của nhân dân, của đất nước; đưa thông tin tiêu cực một chiều, lại thiếu sự phân tích, bình luận khách quan làm cho xã hội phân tâm. Một số ít nhà báo còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín và danh dự của giới báo chí.
Hội Nhà báo Việt Nam trong nhiệm kỳ vừa qua tuy đã có cố gắng làm nhiều việc, nhưng ở nhiều tổ chức Hội hoạt động còn mang tính hình thức, thiếu chiều sâu. Việc giáo dục, bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện những quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Thưa các đồng chí,
Công cuộc đổi mới trong gần 25 năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, làm thay đổi rõ rệt bộ mặt của đất nước, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế, tạo ra những cơ sở quan trọng để tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hiện nay, Đảng ta đang tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Đại hội sẽ tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991; 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2001-2010) và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng, trên cơ sở đó đề ra những phương hướng, quyết sách quan trọng để đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nhiệm vụ trong giai đoạn tới là rất nặng nề, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết nhất trí, tập trung cao độ sức người, sức của, khai thác tích cực nhất mọi tiềm năng, trí tuệ và sức sáng tạo để thực hiện mục tiêu đã đề ra. Báo chí với những khả năng và thế mạnh của mình, phải là một trong những lực lượng quan trọng đi đầu trong việc thực hiện những nhiệm vụ, mục tiêu đó.
Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm ủng hộ và tạo các điều kiện thuận lợi để báo chí phát triển, để các nhà báo phát huy tài năng sáng tạo, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, phục vụ và cống hiến nhiều nhất cho đất nước. Đồng thời, mong muốn và tin tưởng giới báo chí và Hội Nhà báo Việt Nam sẽ nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhất trách nhiệm của mình, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra với báo chí đã được nói rõ trong nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng và nhiều văn bản pháp luật của Nhà nước. Tại Đại hội này, tôi chỉ xin nhấn mạnh thêm một số điểm mong được các đồng chí đặc biệt quan tâm trong quá trình thảo luận, cụ thể hóa và triển khai thực hiện.
Với chức năng là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội, đồng thời là diễn đàn của nhân dân, báo chí cần nỗ lực phấn đấu để góp phần nâng cao dân trí, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, cổ vũ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; đồng thời tích cực bồi dưỡng, từng bước hình thành bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn, nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Muốn thế, nội dung thông tin báo chí cần trung thực, khách quan, phong phú, nhiều chiều. Cách diễn đạt và chuyển tải thông tin cần chính xác, kịp thời, sinh động, hấp dẫn, giữ gìn bản sắc và sự trong sáng của tiếng Việt; trước những vấn đề mới, phức tạp hoặc những sự kiện lớn, quan trọng trong nước và quốc tế, cần có phân tích, bình luận sắc sảo, thuyết phục nhằm hướng dẫn nhận thức, dư luận xã hội một cách đúng đắn theo quan điểm, đường lối của Đảng. Tránh cách đưa thông tin phiến diện hoặc suy diễn, vũ đoán; loại bỏ những thông tin sai lệch ảnh hưởng đến đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Tích cực biểu dương, cổ vũ cho cái đúng, cái tốt, cái đẹp; phê phán, lên án những thói hư tật xấu, các hiện tượng tiêu cực, suy thoái về đạo đức lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tư tưởng cơ hội, thực dụng. Đồng thời kiên quyết đấu tranh bác bỏ những luận điệu sai trái, làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta. Ở đây đòi hỏi người làm báo phải có đủ bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ và đạo đức nghề nghiệp.
Các cấp Hội cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện những quy định về trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp, bồi dưỡng nâng cao nhận thức và năng lực chuyên môn cho những người làm báo. Hội cần tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, có kế hoạch và biện pháp cụ thể nhằm tập hợp và đoàn kết rộng rãi các nhà báo vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Mở rộng dân chủ, tăng cường đoàn kết, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành chức năng, các cơ sở đào tạo và các cơ quan báo chí để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, nâng cao vai trò, vị trí, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam.
Các cấp ủy đảng, các cơ quan nhà nước cần đổi mới sự lãnh đạo và quản lý; các bộ, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp,... cần thường xuyên cung cấp thông tin và tạo điều kiện để các nhà báo hoạt động theo quy định của pháp luật. Các cơ quan chủ quản với tư cách là người chủ nhiệm tập thể phải thường xuyên quan tâm chỉ đạo và có trách nhiệm lớn trong việc lãnh đạo, quản lý tờ báo của mình.
Thưa các đồng chí,
Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra cho nền báo chí nước nhà những yêu cầu, nhiệm vụ mới với trách nhiệm nặng nề và rất vẻ vang. Chúng ta tin tưởng rằng, với truyền thống tốt đẹp của Báo chí cách mạng Việt Nam, với những tiềm lực quan trọng mà báo chí nước ta đã xây dựng, tích lũy được, nhất định đội ngũ những người làm báo Việt Nam sẽ ngày càng phát triển đông đảo, có bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp vững vàng, trình độ chuyên môn cao để “phục vụ tốt nhân dân, phục vụ tốt cách mạng” như Bác Hồ đã dạy; nhất định Hội Nhà báo Việt Nam sẽ ngày càng vững mạnh, thật sự là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo trong cả nước.
Xin chúc các đồng chí thành công!
Chúc các vị đại biểu và tất cả chúng ta sức khỏe, hạnh phúc!
Xin trân trọng cảm ơn.
Ảnh: Bạch Kim