Với tinh thần “Đoàn kết - Trí tuệ - Dân chủ - Kỷ cương”, sáng 26-5, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Gia Lâm lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức khai mạc. Đại hội có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá toàn diện tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong nhiệm kỳ 2020-2025. Đây là đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở đầu tiên và cũng là một trong ba đại hội điểm của Đảng bộ TP. Hà Nội.
Toàn cảnh Đại hội.
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội. Dự Đại hội còn có đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; đại biểu một số cơ quan Trung ương; các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; bí thư cấp ủy các đảng bộ trực thuộc Thành ủy Hà Nội cùng 219 đại biểu chính thức, đại diện cho hơn 10.700 đảng viên của Đảng bộ huyện Gia Lâm.
Trình bày Báo cáo chính trị tại đại hội, đồng chí Nguyễn Tiến Việt, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gia Lâm cho biết, 5 năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI, Đảng bộ huyện Gia Lâm đã đạt kết quả quan trọng, toàn diện; hoàn thành 20/20 chỉ tiêu. Trong đó, giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu thuộc huyện quản lý tăng bình quân hằng năm 11,03%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trung bình đạt 2.772 tỷ đồng/năm, vượt 67% so với kế hoạch. Huyện Gia Lâm được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2018. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 dự kiến đạt 62,5 triệu đồng, gấp 1,88 lần so với năm 2015. Đến nay, huyện Gia Lâm không còn hộ nghèo. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung được tập trung đầu tư đồng bộ, từng bước hiện đại, cơ bản hoàn thành các tiêu chí đô thị.
Nhiệm kỳ mới, Đảng bộ huyện Gia Lâm quyết tâm thực hiện mục tiêu: “Phát huy truyền thống cách mạng và anh hùng; xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; tiếp tục mở rộng dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân; phấn đấu đến năm 2025, huyện Gia Lâm trở thành quận, định hướng đến năm 2030 là đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại”. Để đạt mục tiêu đó, huyện Gia Lâm chú trọng tạo đột phá về kết cấu hạ tầng khung và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, môi trường xanh - sạch - đẹp; đồng thời tập trung xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên đủ phẩm chất đạo đức, năng lực và bản lĩnh hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Ghi nhận những kết quả nổi bật, huyện Gia Lâm đã được tặng Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ 3 năm liên tiếp (2017, 2018 và 2019). Đảng bộ huyện vinh dự là Đảng bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu 5 năm (2015-2019), được Ban Thường vụ Thành ủy tặng Bằng khen.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội (ảnh trên) chúc mừng và biểu dương những kết quả, thành tích mà Đảng bộ và nhân dân huyện Gia Lâm đã đạt được trong 5 năm qua. Trong nhiệm kỳ mới, đồng chí Vương Đình Huệ đề nghị Đảng bộ huyện Gia Lâm chú trọng triển khai thực hiện tốt Đề án “Đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm thành quận đến năm 2025”; coi đây là thời cơ và cơ hội thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của huyện trong 5 năm tới. Trong đó, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch phải đi trước một bước để hình thành quận mới hiện đại, thông minh, xanh, phát triển hài hòa, bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường.
Tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, cơ cấu dân cư theo hướng dịch vụ - công nghiệp, xây dựng; huy động các nguồn vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục và các thiết chế văn hóa thiết yếu... Từng công trình, dự án cần xuất phát từ lợi ích của nhân dân và mang lại lợi ích cho nhân dân. Quá trình phát triển đô thị cần gắn với quá trình phát triển kinh tế đô thị và gắn bó hài hòa hữu cơ với phát triển nông thôn, cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn. Chủ động đi tắt đón đầu một số lĩnh vực nhất là quản trị đô thị thông minh, phát triển ngành nghề trên nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0 để vượt lên trước.
Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp gắn với xây dựng chính quyền đô thị; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ để chính quyền thực sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chăm lo xây dựng Đảng bộ thật sự trong sạch, vững mạnh; kiên trì, kiên quyết thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đề cao trách nhiệm, vai trò nêu gương của cán bộ, công chức, đảng viên, nhất là người đứng đầu; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng đảng viên; tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
Các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện lần thứ XXII.
Đại hội đã bầu BCH Đảng bộ huyện Gia Lâm lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 41 đồng chí; đồng thời bầu trực tiếp Bí thư Huyện ủy tại Đại hội. Theo đó, đồng chí Lê Anh Quân, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm nhiệm kỳ 2015-2020 tiếp tục được Đại hội tín nhiệm bầu làm Bí thư Huyện ủy Gia Lâm khóa XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 với 218/219 phiếu, đạt tỷ lệ 99,54%. Đại hội cũng bầu Ban Thường vụ Huyện ủy; Phó Bí thư Huyện ủy; Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy, nhiệm kỳ 2020-2025.
Ngày 27-5, Đại hội tiếp tục làm việc để bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đảng bộ TP. Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025; thảo luận chương trình hành động và biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội. Sau Đảng bộ huyện Gia Lâm, Đảng bộ quận Ba Đình và Đảng bộ Bộ Tư lệnh Thủ đô là 2 đơn vị tiếp theo tổ chức đại hội điểm cấp trên cơ sở để rút kinh nghiệm trong toàn Đảng bộ TP. Hà Nội.
Thảo Nguyên