Tham dự phiên khai mạc Đại hội có đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Trần Quốc Cường, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Trần Sỹ Thanh, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Các đồng chí Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng: Y Thanh Hà Niê Kđam, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; Nguyễn Hải Ninh, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk cùng 349 đại biểu, đại diện cho hơn 80.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh.
Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Phát biểu khai mạc tại Đại hội, đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk khóa XVI nêu rõ, trong nhiệm kỳ 2015-2020, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã đoàn kết, thống nhất nỗ lực phấn đấu, đạt được những kết quả rất quan trọng; đạt và vượt 15/17 chỉ tiêu, nổi bật là: Tăng trưởng kinh tế tiếp tục phát triển khá, bình quân đạt 8,75%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh ở khu vực dịch vụ và nông, lâm nghiệp. Ngành dịch vụ ngày càng giữ vai trò dẫn dắt, đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng chung. GRDP bình quân đầu người ước đạt 54,55 triệu đồng, gấp 1,67 lần năm 2015. Ngành nông nghiệp được triển khai theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tăng 5,64% và được đổi mới tổ chức sản xuất, tăng cường hợp tác, liên kết, thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và chế biến, đưa Đắk Lắk trở thành vùng chuyên canh cây công nghiệp và cây ăn trái lớn của cả nước. Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chuyển dịch tích cực, trong nhiệm kỳ có 4.937 doanh nghiệp mới thành lập; quy hoạch xây dựng được chú trọng, làm cơ sở quản lý và bảo đảm tính định hướng, đồng bộ. Đã hình thành và phát triển các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn; công nghiệp năng lượng tái tạo phát triển mạnh, góp phần tăng tỷ trọng ngành công nghiệp của tỉnh. Thương mại - dịch vụ duy trì được tốc độ tăng trưởng gần 12%. Nhập khẩu tăng gấp 4,3 lần so với năm 2015.
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk khẳng định, trong nhiệm kỳ qua, công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đạt kết quả tích cực; hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn vững mạnh toàn diện. Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các quy định về nêu gương đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu được chú trọng, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu chỉ đạo tại Đại hội.
Đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phát biểu đánh giá cao và biểu dương những kết quả mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã đạt được trong nhiệm kỳ 2015-2020. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh lưu ý tỉnh Đắk Lắk cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, tầm nhìn chiến lược; đẩy mạnh quy hoạch phát triển, các khâu đột phá, cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ trọng tâm cơ bản sau:
Đắk Lắk có lợi thế so sánh mang tính đặc trưng riêng của một tỉnh miền núi, có tiềm năng lớn về tài nguyên đất ba-zan, thuận lợi cho phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị cao như: cà phê, cao su, phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi, trồng rừng... Vì vậy, Đảng bộ tỉnh cần nhận diện rõ những lợi thế trên để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với đẩy nhanh việc xây dựng nông thôn mới. Nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, trong khu vực tam giác phát triển Căm-pu-chia - Lào - Việt Nam, đây là một trong những điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển kinh tế. Vì vậy, Đảng bộ tỉnh cần khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế trên để sớm đưa Đắk Lắk thực sự trở thành trung tâm của vùng Tây Nguyên, tầm nhìn trở thành trung tâm của Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Căm-pu-chia và tiểu vùng sông Mê-kông. Để đạt được mục tiêu đó, giải pháp chủ yếu mà tỉnh cần quan tâm đó là: Tập trung đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; kết nối hệ thống giao thông với các tỉnh lân cận, khu vực và quốc tế bằng đường bộ, đường sắt và đường hàng không. Rà soát, nghiên cứu sửa đổi và xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển liên kết vùng trong việc thu hút đầu tư kết nối hạ tầng giao thông, phát triển các ngành kinh tế trên cơ sở phát huy các lợi thế.
Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương và của vùng. Thực hiện đồng bộ các chương trình, đề án, chính sách về giải quyết việc làm gắn với nâng cao thu nhập cho người lao động; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa về đào tạo, sử dụng lao động địa phương. Tiếp tục chăm lo công tác giảm nghèo, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phấn đấu giảm nhanh hơn tỷ lệ hộ nghèo ở những khu vực này. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, đặc biệt là chính sách ưu đãi người có công; chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo, người dân tộc thiểu số.
Tập trung chăm lo xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Tập trung đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng về phương pháp, phong cách, lề lối làm việc trong toàn Đảng bộ; bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng. Tổ chức tốt công tác tiếp dân, xử lý đơn, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng; phấn đấu không để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài phát sinh. Tăng cường công tác dân vận, củng cố vững chắc mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân; phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Với tinh thần trách nhiệm trước Đảng bộ và nhân dân trong toàn tỉnh, sáng suốt lựa chọn những đồng chí thực sự tiêu biểu về phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, sáng 15-10-2020, Đại hội đã tiến hành quy trình bầu cử Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Đại hội đã bầu 53 đồng chí vào BCH Đảng bộ tỉnh khoá XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Tại Hội nghị lần thứ nhất BCH Đảng bộ tỉnh đã tiến hành bầu 15 đồng chí vào Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, bầu Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ. Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khóa XVI tiếp tục được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Các đồng chí Phó Bí thư Tỉnh uỷ khoá XVI là Phạm Minh Tấn, Phạm Ngọc Nghị và Y Biêr Niê tiếp tục được bầu giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Nguyễn Khánh Hòa