Theo quy định của Điều lệ Đảng, cứ 5 năm lại tổ chức đại hội đảng bộ các cấp một lần từ TCCSĐ đến Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng. Đại hội đảng bộ các cấp phải thực hiện 4 nội dung: 1) Tổng kết thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ nhiệm kỳ hiện tại và xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nhiệm kỳ mới. 2) Thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội toàn quốc của Đảng và văn kiện đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp. 3) Bầu BCH đảng bộ nhiệm kỳ mới. 4) Bầu đoàn đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên. Những nơi có khó khăn liên quan đến công tác nhân sự, được cấp ủy có thẩm quyền đồng ý thì tiến hành đại hội với 3 nội dung, chưa bầu cấp ủy khóa mới.
Như vậy, từ giữa năm 2019, thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đảng bộ các cấp trên cả nước đều phải tập trung chuẩn bị cho đại hội đảng bộ của cấp mình và chỉ đạo đại hội đảng bộ cấp dưới.
Đánh giá kết quả đại hội là phải đánh giá kết quả của cả 4 nội dung đã nêu trên. Qua thực tiễn các “mùa đại hội” trước đây cho thấy, hầu hết đảng bộ các cấp đều chuẩn bị đầy đủ, chu đáo cả 4 nội dung nên kết quả các kỳ đại hội nói chung tốt đẹp. Tuy nhiên, vẫn có một số đảng bộ của địa phương, đơn vị chỉ tập trung chủ yếu vào 2 nội dung: xây dựng báo cáo chính trị và chuẩn bị nhân sự để bầu BCH đảng bộ nhiệm kỳ mới. Nội dung thảo luận góp ý vào văn kiện đại hội cấp trên, nhất là văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng và bầu đoàn đại biểu đi dự đại hội đảng bộ cấp trên ít được chú ý, hoặc góp ý có tính hình thức, nhất là cấp huyện và cơ sở. Thậm chí có đảng bộ không quan tâm việc góp ý, cho rằng cấp trên có nhiều chuyên gia giỏi xây dựng dự thảo văn kiện nên không còn gì để góp ý(!?).
Hai nội dung được tập trung chuẩn bị cũng còn nhiều điều cần trao đổi, rút kinh nghiệm để “mùa đại hội” này đạt kết quả tốt hơn.
1. Báo cáo chính trị của đại hội: Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị chỉ rõ: Phải đánh giá khách quan, trung thực, sát tình hình thực tế. Làm rõ cả ưu điểm và khuyết điểm để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm và xây dựng phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ tới sát thực, khả thi. Bên cạnh những đảng bộ xây dựng báo cáo đánh giá toàn diện, khách quan ưu điểm và thiếu sót của cả nhiệm kỳ, vẫn còn nhiều đảng bộ chỉ tập trung nêu kỹ về ưu điểm, song phần khuyết điểm chỉ nêu chung chung, sơ sài, chưa rõ, chưa cụ thể. Nhiều báo cáo không nêu bật được sự khác biệt của đảng bộ mình với các đảng bộ khác... nên có tình trạng người nghe cảm thấy nó giống với báo cáo của đảng bộ khác mà mình đã nghe. Có nhiều đảng bộ đã mạnh dạn nhận thấy khuyết điểm, nhưng lại không nêu rõ được nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm thuộc về cơ quan, đơn vị nào hay do ai phụ trách... Khi đã không thấy những yếu kém, khuyết điểm, không tìm thấy nguyên nhân của khuyết điểm, không xác định được trách nhiệm thì chắc chắn không thể xây dựng được phương hướng, giải pháp đúng đắn và khả thi. Để khắc phục tình trạng này, thiết nghĩ trong “mùa đại hội” các cấp ủy đảng phải thật sự đổi mới, dám nhìn thẳng vào sự thật để đánh giá khách quan, đúng những ưu điểm, đồng thời dám chỉ rõ những khuyết điểm, yếu kém để sửa chữa, khắc phục theo lời dạy của Bác Hồ: Một đảng dám nhận những thiếu sót, khuyết điểm là một đảng mạnh. Đặc biệt Đại hội XIII của Đảng ngoài việc đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, phải tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 và 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung và phát triển năm 2011) của Đảng. Do đó, yêu cầu đánh giá khách quan, trung thực hết sức cần thiết.
2. Nội dung bầu BCH khóa mới: Để bầu được BCH khóa mới, công tác chuẩn bị nhân sự cần cẩn trọng. Phải thực hiện đúng quy trình, các bước về công tác cán bộ và tiêu chuẩn cán bộ. Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị yêu cầu “phải quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 26-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng và tiêu chuẩn cán bộ nêu tại Quy định số 89-QĐ/TW, Quy định số 90-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XII”. Với quy trình và tiêu chuẩn cán bộ đã quy định chặt chẽ, rõ ràng để chúng ta có thể chọn được một BCH khóa mới chất lượng cao. Nhưng thực tế trong một số nhiệm kỳ qua, các cấp còn để lọt không ít cán bộ, cấp ủy viên không đủ tiêu chuẩn vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Điều này được thể hiện rõ trong thời gian qua có nhiều cán bộ các cấp, các ngành vi phạm. Thậm chí có cả cán bộ cao cấp của Đảng cũng vi phạm khuyết điểm phải xem xét kỷ luật và xử lý hình sự. Câu hỏi đặt ra là tại sao khi tiêu chuẩn cán bộ rõ ràng và cụ thể, quy trình công tác cán bộ chặt chẽ vẫn để lọt những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, phẩm chất đạo đức vào hàng ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp? Để lý giải điều này, các cơ quan chức năng và báo chí đã nêu nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng thiết nghĩ vẫn tập trung vào hai nguyên nhân chính: Chất lượng công tác đánh giá cán bộ của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, người đứng đầu và tinh thần đấu tranh phê và tự phê của cán bộ, đảng viên.
Về đánh giá cán bộ: Trong quy trình chuẩn bị công tác cán bộ cấp ủy khóa mới, khâu đánh giá cán bộ vẫn là khâu quan trọng nhất và xuyên suốt trong các bước. Từ bước rà soát cán bộ cấp ủy đương chức và nhân sự trong quy hoạch đều có khâu đánh giá cán bộ. Sau khi tổng hợp rà soát các cấp ủy lấy ý kiến nhận xét của các cơ quan, đơn vị và nơi cư trú, tiếp đến BTV và cấp ủy lại đánh giá cán bộ và bỏ phiếu giới thiệu. Khâu đánh giá cán bộ tuy dựa vào tiêu chuẩn cán bộ đã được quy định rất rõ, cụ thể nhưng thực chất lại phụ thuộc rất nhiều vào ý chí của người đánh giá. Ví dụ tiêu chí: Tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, không tham vọng quyền lực, không háo danh, không chạy chức, chạy quyền... Khi đánh giá một cán bộ về tiêu chí này, người ủng hộ thì bảo tốt, người khác thì bảo chưa tốt. Nhưng bằng chứng cụ thể để cho rằng một cán bộ không trung thành với Đảng, với Tổ quốc, tham vọng quyền lực, háo danh, chạy chức, chạy quyền rất khó xác định. Về lý là như vậy, nhưng thực tế thì với từng cán bộ, đảng viên và nhân dân đều thấy rõ là ai tốt, ai chưa tốt, ai đủ tiêu chuẩn và ai không đủ tiêu chuẩn. Bởi con người sống với nhau, cùng làm việc sao không biết ai tốt, ai xấu? Nhưng do mỗi cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ và người đứng đầu biết nhưng vì nể nang, dĩ hòa vi quý, vì thiếu trách nhiệm hoặc vì nhiều lý do mà không nói ra. Hoặc có nhiều trường hợp đã nói, đã phản ánh hoặc tố cáo nhưng không được cơ quan có thẩm quyền và người có trách nhiệm xem xét, xử lý kịp thời và nghiêm minh. Trong thực tế trong nhiều vụ án lớn vừa qua chúng ta thấy những vi phạm đã xảy ra nghiêm trọng, kéo dài từ nhiều năm trước, từ khóa trước, nhiều người biết nhưng người vi phạm vẫn được thăng chức cao hơn hoặc nghỉ hưu mới đưa ra xử lý. Trong nhiều báo cáo của Đảng đều nhận xét: Khâu đánh giá cán bộ là khâu quan trọng nhất nhưng cũng là khâu yếu nhất và chậm được đổi mới. Để khắc phục điều này cần thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng là phát huy dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, mỗi cán bộ, đảng viên, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đều được tham gia, nhận xét và đánh giá cán bộ.
Về tinh thần phê và tự phê: Trước hết mỗi cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ và người đứng đầu cấp ủy cần tự soi lại mình, thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình, mạnh dạn đấu tranh với các hành vi sai trái, bao che, nể nang, hoặc tiếp tay cho việc chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm và các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Phải thực sự nêu gương từ lời nói đến hành động. Đồng thời, cấp ủy cấp trên, các cơ quan kiểm tra sâu sát phát hiện, chỉ rõ những vấn đề cần đi sâu xem xét, kết luận. Phát huy dân chủ trong Đảng và xã hội để mọi người, mọi tổ chức chính trị - xã hội được góp ý, nhận xét và đánh giá cán bộ. Thực sự học tập tấm gương tư tưởng, đạo đức và phong cách của Hồ Chí Minh, đặc biệt trong đợt kỷ niệm 50 năm học tập và thực hiện Di chúc của Người.
Với quy trình “5 bước” trong công tác cán bộ của Ban Tổ chức Trung ương đã hướng dẫn, Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền Bộ Chính trị mới ban hành, kết hợp với tinh thần, trách nhiệm phản biện xã hội của mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân, chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi “mùa đại hội” mới, sàng lọc không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng, phẩm chất, năng lực, uy tín thấp, thiếu gương mẫu, cục bộ, bè phái, tham nhũng, lợi ích nhóm, chạy chức chạy quyền, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, bảo đảm lãnh đạo việc tổ chức thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đề ra.
Lê Xuân Lịch