Kết quả sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã ở Thanh Hóa
Sơ đồ sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại tỉnh Thanh Hóa.

Thanh Hoá là tỉnh lớn, dân số hơn 3,6 triệu người (đứng thứ 3 cả nước), có 27 huyện, thị, thành phố, 635 xã, phường, thị trấn (577 xã, 30 phường, 28 thị trấn), trong đó có 143 xã, phường, thị trấn thuộc diện phải sáp nhập thành 67 xã, phường, thị trấn mới. Sau sắp xếp, tổng số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh từ 635 sẽ còn 559 đơn vị (giảm 76).

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa xác định: Năm 2020 là năm tiến hành đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và ngay từ tháng 1-2020, các chi bộ thuộc đảng bộ cấp xã đã tiến hành đại hội và tháng 3-2020 bắt đầu đại hội điểm đảng bộ cấp xã. Do đó, việc sáp nhập phải hoàn thành vào trước ngày 30-11-2019 để đơn vị hành chính cấp xã mới đi vào hoạt động chậm nhất từ ngày 1-12-2019. Với khoảng thời gian đó, tuy chưa nhiều nhưng cần thiết để bộ máy vận hành nhịp nhàng, cấp ủy, chính quyền cấp xã nắm rõ tình hình của địa phương; cán bộ, đảng viên hiểu rõ về tình hình đảng bộ... Đó là cơ sở quan trọng để đại hội đảng bộ ở những xã mới sáp nhập thành công tốt đẹp. Ngược lại, sẽ rất khó khăn, nếu không nói là không thể thực hiện việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã với tiến hành đồng thời đại hội đảng bộ cấp xã. Bởi sẽ rất khó khăn trong chỉ đạo thực hiện, nhất là ổn định tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân, sắp xếp cán bộ, chuẩn bị văn kiện đại hội và các công việc khác chuẩn bị đại hội.

Với quyết tâm chính trị rất cao, ngay từ đầu tháng 2-2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh để quán triệt Nghị quyết số 37-NQ/TW đến cán bộ chủ chốt toàn tỉnh và 27 huyện, thị, thành phố. Tại hội nghị này, ngoài quán triệt nội dung của Nghị quyết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo: 1-Tạm dừng việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo ở tất cả các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh (Nghị quyết số 37-NQ/TW chỉ yêu cầu tạm dừng ở những xã thuộc diện sáp nhập), kể cả những đơn vị thiếu người đứng đầu để tạo điều kiện cho việc bố trí cán bộ sau sáp nhập. Theo yêu cầu này, một số xã tại thời điểm đại hội mặt trận Tổ quốc nhiệm kỳ 2019-2024 chưa chuẩn bị được nhân sự chủ tịch đã bầu thiếu để tạo điều kiện cho việc sắp xếp. 2- Tạm dừng việc tiếp nhận công chức cấp xã trong toàn tỉnh. Những chỉ đạo này đã giúp các địa phương nhận thức rõ: Khó nhất trong sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã là vấn đề cán bộ. Do đó phải có phương án cụ thể để chủ động trong việc bố trí, sắp xếp.

Ngày 15-3-2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 20/CT-TU về việc lãnh đạo sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 58/KH-UBND ngày 13-3-2019 để thực hiện với lộ trình cụ thể: 1- Hết tháng 4-2019, xây dựng xong phương án sáp nhập xã, phường, thị trấn. 2- Đến 31-5-2019 hoàn thành lấy ý kiến cử tri về việc sáp nhập và đặt tên cho đơn vị mới với tỷ lệ cử tri thống nhất rất cao (hầu hết đạt tỷ lệ trên 90%). 3- Ngày 10-6-2016 HĐND cấp huyện họp thông qua Đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã để trình HĐND tỉnh. 4- Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVII, họp từ ngày 8 đến ngày 10-7-2019, quyết nghị thông qua Đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh, trình Bộ Nội vụ thẩm định vào cuối tháng 7-2019 để trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. 5- Ngày 2-8-2019 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Hướng dẫn số 05-HD/TU hướng dẫn thành lập tổ chức đảng ở các xã, phường, thị trấn mới thành lập sau khi sáp nhập và một số vấn đề về bố trí, sắp xếp cán bộ. Ngày 16-10-2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 786/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Thanh Hóa.

Sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh là công việc hệ trọng, quá trình tổ chức thực hiện gặp không ít khó khăn, trở ngại: 1- Phải sắp xếp, bố trí số cán bộ sau khi sáp nhập quá lớn: 2.842 người, trong đó cán bộ 1.366, công chức 1.476, nhất là đối với những đơn vị nhập ba xã thành một. 2- Một số đơn vị lúng túng trong việc xác định tên gọi của đơn vị hành chính mới. Do chưa nghiên cứu kỹ các yếu tố lịch sử, văn hóa và nguyện vọng của nhân dân nên ở một số ít xã nhân dân thống nhất chưa cao về tên gọi của xã mới, dẫn đến mất nhiều thời gian cho việc lựa chọn tên xã. 3- Việc dự kiến sử dụng công sở của xã nào làm trung tâm hành chính của xã mới, nhất là cả 2 hoặc 3 xã vừa xây dựng công sở xong, cũng là tâm tư mà nhân dân quan tâm. 4- Vấn đề bố trí trường học, trạm xá sau khi sáp nhập như thế nào cho các cháu thuận lợi đi học và nhân dân đi lại khám bệnh, không lãng phí cơ sở vật chất. 5- Nhân dân băn khoăn khi nhập vào xã mới, một số chế độ đặc thù của xã 135, xã đặc biệt khó khăn liệu có còn không? Cán bộ sau khi về xã mới có được hưởng không?

Với quyết tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự đồng thuận của nhân dân, với cách làm linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, Thanh Hóa đã thực hiện thành công, đúng tiến độ việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước về số lượng đơn vị hành chính cấp xã sáp nhập và là một trong những tỉnh đầu tiên hoàn thành việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Đúng ngày 1-12-2019, tại 67 xã mới thành lập đã tiến hành công bố quyết định thành lập đảng bộ; chuyển giao tổ chức đảng và đảng viên; chỉ định BCH, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra đảng ủy. Công bố Quyết định thành lập và tổ chức bộ máy của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Tiến hành kỳ họp thứ nhất HĐND để bầu các chức danh: chủ tịch, phó chủ tịch HĐND xã, chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã và tiếp nhận công việc từ các đơn vị hành chính cũ sang đơn vị hành chính mới. Ở 67 xã, phường, thị trấn mới thành lập việc chỉ định BCH đảng bộ theo đúng quy định của Điều lệ Đảng (chỉ định 15 đồng chí), không tăng thêm. Việc bố trí các chức danh chủ chốt của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, sắp xếp vị trí việc làm của cán bộ, công chức bảo đảm đúng nguyên tắc, dân chủ, công khai, minh bạch nên tạo sự đồng thuận rất cao. Chế độ, chính sách đối với số cán bộ dôi dư sau sắp xếp được quan tâm chỉ đạo giải quyết theo đúng quy định của Chính phủ và chính sách chung của tỉnh. Đến nay, tại 67 đơn vị hành chính cấp xã mới được thành lập tình hình ổn định, đoàn kết, thống nhất, phấn khởi, công việc điều hành của cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể diễn ra bình thường, theo đúng quy định của pháp luật.

Việc sáp nhập 143 đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh, không chỉ góp phần tinh gọn bộ máy hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp xã, mà còn góp phần tinh giản biên chế, tiết kiệm chi ngân sách. Đến nay, qua việc sáp nhập thôn, tổ dân phố; sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã; sắp xếp lại số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, Thanh Hóa đã giảm 28.108 người. Tổng số tiền ngân sách tỉnh tiết kiệm được khoảng 463,6 tỷ đồng/năm. Số tiền này trước mắt dùng hỗ trợ theo chính sách của tỉnh cho các đối tượng nghỉ việc do sáp nhập, do sắp xếp sau sáp nhập và dùng để tăng phụ cấp cho số cán bộ bán chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố. Số còn lại dự kiến đầu tư xây dựng một số công trình tại một trong các huyện miền núi khó khăn của tỉnh.

Qua chỉ đạo thực hiện có thể rút ra một số bài học sau đây:

 Một là, coi trọng công tác tuyên truyền, quán triệt nội dung Nghị quyết số 37-CT/TW ngày 24-12-2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhằm tạo sự đồng thuận và thống nhất cao trong tổ chức thực hiện.

Hai là, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở phải có quyết tâm chính trị cao, dám làm, quyết làm và dám chịu trách nhiệm. Xây dựng kế hoạch thời gian cụ thể, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát.

Ba là, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các nghị quyết, quy định của Trung ương vào tình hình thực tế ở địa phương, trên cơ sở đó ban hành các văn bản hướng dẫn sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động bán chuyên trách phù hợp, gắn với ban hành các chế độ, chính sách của tỉnh (ngoài chính sách chung của Trung ương) hỗ trợ đối với số cán bộ dôi dư do sắp xếp, số cán bộ có nguyện vọng nghỉ trước tuổi...

Bốn là, sâu sát tình hình, thường xuyên giao ban, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc. Sau sáp nhập, tiếp tục bám sát địa phương và cơ sở để giải quyết kịp thời những phát sinh trong sắp xếp cán bộ, công chức, chế độ, chính sách, thủ tục hành chính và công việc cho người dân, doanh nghiệp sau những ngày đầu chính quyền cấp xã đi vào hoạt động.


Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất