Sáng 6-8-2021, tại TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Bình Dương tổ chức Lễ ra mắt Hệ thống Trung tâm thông tin tác chiến phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Lợi - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh; Phạm Văn Chánh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Lộc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Trương Thị Bích Hạnh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Lộc Hà - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương phát biểu tại buổi Lễ
Trước tình hình diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh COVID-19, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương đã tập trung chỉ đạo thực hiện khẩn trương, kiên quyết, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Trong đó xác định, việc thành lập ngay Hệ thống Trung tâm thông tin tác chiến phòng, chống dịch COVID-19 là ưu tiên hàng đầu của tỉnh, nhằm nâng cao năng lực tiếp nhận, ra mệnh lệnh chỉ huy, điều phối các lực lượng phản ứng nhanh để kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Hệ thống các trung tâm thông tin tác chiến phòng, chống dịch COVID-19 liên thông 3 cấp tỉnh, huyện, xã bao gồm: Trung tâm Thông tin tác chiến tỉnh và các đội phản ứng nhanh cấp tỉnh; trung tâm thông tin tác chiến 9 huyện, thị xã, thành phố và các đội phản ứng nhanh cấp huyện; 91 đội phản ứng nhanh tại 91 các xã, phường, thị trấn.
Hệ thống các trung tâm thông tin tác chiến phòng, chống dịch COVID-19 đặt dưới sự chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19.
Lễ ra mắt Trung tâm Thông tin tác chiến phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương
Trung tâm Thông tin tác chiến phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh được bố trí tại Phòng điều hành Khách sạn Becamex (Thành phố mới Bình Dương). Trung tâm có vai trò trực ban tiếp nhận các thông tin phản ánh; phân tích, ra mệnh lệnh xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo, xin ý kiến từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh, Trung tâm xử lý thông tin và ra mệnh lệnh chỉ huy phòng, chống dịch; đồng thời theo dõi, giám sát việc thực hiện mệnh lệnh chỉ huy, điều phối hoạt động các đội phản ứng nhanh 24/7. Trung tâm có sự tham gia chủ lực của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Y tế, Sở Giao thông vận tải, Hội Chữ thập đỏ…
Theo đồng chí Nguyễn Văn Lợi – Bí thư Tỉnh ủy, sắp tới Bình Dương dự kiến sẽ đưa khoảng 50.000 trường hợp F1 và 10.000 trường hợp F0 không có triệu chứng về thực hiện cách ly tại nhà. Theo đó, nhiệm vụ chính của Trung tâm Thông tin tác chiến phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh sẽ kịp thời xử lý thông tin phản ánh của người dân, đặc biệt là người dân đang sinh sống, làm việc ở những khu vực nguy cơ cao, đặc biệt là vùng tâm dịch. Bí thư Tỉnh ủy cũng sẽ tham gia điều hành, chỉ đạo những hoạt động của Trung tâm Thông tin tác chiến phòng, chống dịch COVID-19 và yêu cầu các thành viên trực thuộc cố gắng phản ứng nhanh nhạy, kịp thời phân bổ thông tin, phân công nhiệm vụ cho các cơ quan, ban, ngành, địa phương để hỗ trợ người dân, không để người dân phải rơi vào cảnh đói khổ và nguy hiểm đến tính mạng.
“Các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ và quyết liệt các biện pháp và cố gắng đến 15-8 tỉnh phải thiết lập và giữ vững vùng xanh của tỉnh gồm các địa phương: TX. Bến Cát, huyện Dầu Tiếng, huyện Bàu Bàng, huyện Phú Giáo, huyện Bắc Tân Uyên (do đồng chí Võ Văn Minh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh được phân công làm Tư lệnh chỉ huy tác chiến). Vùng đỏ là các địa phương còn lại do đồng chí Nguyễn Hoàng Thao - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh làm Tư lệnh chỉ huy tác chiến”.
--Đồng chí Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương-- |
Việc thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Thông tin tác chiến phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, Bình Dương đang cố gắng nâng cao năng lực tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân từ Hệ thống Tổng đài đường dây nóng 1022 lên từ 10.000 đến 15.000 cuộc gọi/ngày. Đồng thời thúc đẩy tốc độ xử lý, điều phối, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị để ứng cứu kịp thời, giải quyết tốt các vấn đề khẩn cấp, bức xúc của người dân. Đây được xem là một trong những bước đi đầy quyết liệt và khẩn trương, giúp tỉnh sớm khoanh vùng kiểm soát tốt và tiến tới đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian tới.
“Nhiệm vụ quan trọng của Hệ thống Trung tâm là phải thông tin kịp thời các phản ánh, kiến nghị của người dân đến cấp có thẩm quyền, để kịp thời "cứu người, giúp dân". Do đó, công tác tiếp nhận, điều phối, ra mệnh lệnh xử lý thông tin phải thật sự hiệu quả.
Đây cũng là việc làm góp phần nâng chất hoạt động của Tổng đài 1022 Bình Dương. Tôi đề nghị các ngành phối hợp, đề xuất nhân sự tham gia; ngành Y tế huy động các bác sĩ về hưu tham gia tư vấn tại Trung tâm.
Các ngành, các cấp quán triệt tinh thần làm việc nghiêm túc, đảm bảo người dân được tư vấn, người bệnh được cấp cứu kịp thời, hàng hoá thiết yếu phải đến tay người khó khăn, an ninh trật tự được đảm bảo”.
--Đồng chí Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương-- |
PV