- Ngành khí tượng thủy văn Việt Nam đã trải qua hơn 100 năm với nhiều cống hiến quan trọng cho đất nước. Ông đánh giá như thế nào về những thành tựu trong hợp tác quốc tế của ngành thời gian qua?
- Trong hơn nửa thế kỷ qua, công tác hợp tác quốc tế của ngành khí tượng thủy văn Việt Nam đã phát triển sâu rộng và đi vào chiều sâu ổn định, góp phần tích cực vào quá trình phát triển ngành nói riêng và sự nghiệp phát triển đất nước nói chung. Việt Nam là thành viên chính thức của Tổ chức Khí tượng thế giới từ năm 1975. Tuy vậy, trước khi thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngành khí tượng Việt Nam đã tham gia Tổ chức Khí tượng thế giới vào năm 1955. Vào năm 1979, Việt Nam là thành viên của Ủy ban Bão quốc tế. Cùng với việc Việt Nam gia nhập ASEAN, Tổng cục Khí tượng Thủy văn trước đây đã trở thành thành viên chính thức của Tiểu ban Khí tượng và Vật lý địa cầu ASEAN vào năm 1995. Đồng thời, Việt Nam có những quan hệ song phương chính thức với Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Pháp, Phần Lan, Na Uy, Hàn Quốc, Italy, Anh, Campuchia, Lào và một số tổ chức quốc tế khác.
Nhờ sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo cấp trên, các chương trình dự án hợp tác quốc tế với đối tác như: Italy, Pháp, Phần Lan, Thụy Sỹ, Na Uy, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Quỹ Phát triển Bắc Âu, Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á và nhiều đối tác khác đã hoàn thành và phát huy hiệu quả tích cực. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng bản tin dự báo, bảo vệ sức khỏe và tài sản của người dân; đồng thời, góp phần tăng cường tinh thần đoàn kết hữu nghị giữa các nước cũng như thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa các bộ, ban, ngành có liên quan.
Qua những chương trình hợp tác, Việt Nam đã từng bước tăng cường chú trọng việc đào tạo nhân lực trình độ công nghệ cao, cải thiện phương pháp cảnh báo; cập nhật công nghệ thông tin của các nước thành viên. Bên cạnh đó còn thực hiện hợp tác trong mạng lưới quan trắc, hệ thống thông tin, công nghệ dự báo để tiến đến hiện đại hóa ngành, đáp ứng ngày một tốt hơn công tác dự báo phục vụ nhân dân và các ngành kinh tế.
- Những năm gần đây, Việt Nam và thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ các hiện tượng cực đoan của thời tiết, Tổng cục KTTV sẽ đối diện và giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa ông?
- Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng rất lớn của thiên tai có nguồn gốc KTTV. Các cơn bão thường đổ bộ vào đất liền từ biển, chúng ta lại không đặt được các trạm quan trắc trên biển, mà chỉ có thể đặt trên đất liền hoặc các đảo. Khi xuất hiện bão, chúng ta chưa có những thiết bị tối tân như các nước phát triển dùng máy bay nhỏ để đưa các thiết bị quan sát hoặc sử dụng vệ tinh để có thể lấy được thông tin từ cơn bão đó.
Bên cạnh đó, chúng ta đang trải qua tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, điều kiện tự nhiên thay đổi như việc hầu hết các hệ thống sông không còn chế độ dòng chảy tự nhiên mà chịu chi phối bởi rất nhiều các yếu tố khác, thảm thực vật rừng đầu nguồn thay đổi, địa hình, địa vật cũng đã thay đổi nhiều so với trước đây. Trong khi đó, khả năng công nghệ dự báo KTTV hiện nay: Đối với Dự báo Quỹ đạo bão sai số dự báo bão 24h: 100 - 150km; 48h: 150 - 250km; 72h: 250 - 400km; Về cường độ bão, sai số dự báo bão 24h: 10 - 12kts (5-6m/s); 48h: 15 - 20kts (6.5 - 10m/s); 72h: 20 - 25kts (10 - 12m/s). Cảnh báo mưa lớn: Đã thực hiện được dự báo trước 2 - 3 ngày với độ tin cậy khoảng 75%. Đối với mưa lớn cục bộ hoặc mưa lớn trong cơn dông: Mới chỉ cảnh báo trước từ 30 phút đến 2 - 3 giờ; Đã bước đầu dự báo định lượng mưa đến các tỉnh trước 6 đến 12 giờ. Đối với Dự báo, cảnh báo rét đậm, rét hại gây ra bởi không khí lạnh: trước 5 - 7 ngày với độ tin cậy 80%; đối với dự báo, cảnh báo các đợt nắng nóng diện rộng: Trước từ 2 - 3 ngày có độ tin cậy 70%, thời điểm kết thúc các đợt nắng nóng diện rộng chính xác từ 80 - 90%; các loại hình thiên tai khác như lốc, sét, mưa đá… chỉ có thể đưa ra cảnh báo khả năng xuất hiện trên vùng rộng, khu vực chi tiết chỉ cảnh báo trước từ 30 phút -1 giờ ở khu vực có phủ ra đa thời tiết. Đối với dự báo, cảnh báo thủy văn; dự báo, cảnh báo lũ trên các sông khu vực miền Trung, Tây Nguyên trước 24 - 48 giờ, khu vực Bắc Bộ trước 3 - 5 ngày đạt từ 70 - 85%. Lũ quét, sạt lở đất, đá đã cảnh báo trước 6 - 12h và chi tiết đến cấp quận, huyện, vùng núi.
- Hiện đại hóa hệ thống cảnh báo, dự báo KTTV phục vụ phòng chống thiên tai là nhiệm vụ trọng tâm của ngành khí tượng thủy văn nhằm đáp ứng yêu cầu dự báo sớm, chi tiết hơn các hiện tượng thời tiết bất thường, thiên tai, bão lũ để tổ chức phòng tránh hiệu quả. Xin ông cho biết những định hướng trong công tác dự báo và cảnh báo thiên tai?
- Việt Nam đã có chiến lược phát triển, hiện đại hóa ngành khí tượng thủy văn. Tổng cục KTTV sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương tiếp nhận được công nghệ mới và thực hiện phân cấp từ Trung ương đến địa phương để làm tốt hơn công tác dự báo, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường trao đổi thông tin, đẩy mạnh hợp tác song phương trong khuôn khổ hợp tác quốc tế với Hàn Quốc, Nhật Bản, Phần Lan... để tiếp thu công nghệ mới. Tổng cục đã bước đầu phối hợp với Hàn Quốc trong việc tiếp nhận hỗ trợ không hoàn lại để xây dựng, vận hành có hiệu quả hệ thống quan trắc, giám sát và dự báo khí tượng thủy văn khu vực Đông Bắc. Hợp tác cùng Nhật Bản và Phần Lan hỗ trợ xây dựng hệ thống rada mới nhất và sẽ vận hành thử nghiệm vào năm 2020... Tôi tin rằng với sự phát triển của công nghệ rada, vệ tinh, viễn thám, công nghệ vệ tinh truyền thống cùng với sự trao đổi thông tin dữ liệu, chất lượng dự báo của Việt Nam từng bước được nâng lên rõ nét.
Việt Nam được Tổ chức Khí tượng thế giới xác định là hạt nhân phát triển khu vực; từng bước khẳng định vai trò của mình, từ những bước “chập chững” đến nay Việt Nam đã rất chủ động và là trung tâm dự báo khu vực. Sắp tới, từ dự báo về bão, áp thấp nhiệt đới đến dự báo về thiên tai như: Lũ quét, sạt lở đất, thiên tai trên biển cũng như những vấn đề mà Việt Nam đang phải đối chọi. Tôi hy vọng Việt Nam sẽ tiếp nhận được công nghệ mới để phục vụ hiệu quả công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.
- Trân trọng cảm ơn ông!