Tạp chí Xây dựng Đảng trân trọng giới thiệu đến bạn đọc loạt bài 3 kỳ "Khơi dậy khát vọng Việt Nam qua những bài ca về Đảng".
Kỳ 1: Những bài ca về Đảng – một “kho báu” của dân tộc
Đảng ta đã trải qua 91 mùa xuân đồng hành cùng dân tộc, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác để “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” như lời phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Trong các lực lượng làm nên thắng lợi ấy có đóng góp không nhỏ của tầng lớp văn nghệ sĩ, trong đó có các nhạc sĩ. Bằng tình yêu và trách nhiệm với Đảng, với vận mệnh dân tộc và hơn hết từ thực tiễn sinh động của đời sống, các nhạc sĩ đã “rút ruột nhả tơ” sáng tác những bài ca về Đảng với niềm phơi phới, lạc quan, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng sẽ đưa “con thuyền” đất nước vững vàng vươn ra biển lớn, cập bến bờ thành công.
Đồng hành cùng sự ra đời và lớn mạnh của Đảng
Ca khúc "Cùng nhau đi hồng binh" của nhạc sĩ Đinh Nhu đã cổ vũ tinh thần chiến đấu của nhân dân trong phong trào Xô - viết Nghệ - Tĩnh những năm 1930-1931 (Ảnh: Tư liệu).
Mỗi dịp Tết đến Xuân về những bài ca về Đảng vang lên để “Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới” khiến mỗi người Việt Nam đều cảm thấy rạo rực, xao xuyến, bồi hồi. Thực tế cho thấy những bài ca về Đảng luôn đồng hành cùng sự ra đời và lớn mạnh của Đảng. Ngay trong phong trào Xô-viết Nghệ - Tĩnh vào năm 1930 khi Đảng vừa mới ra đời, đã có một hành khúc hùng tráng ca ngợi đội quân Hồng Binh của Đảng với lời lẽ ngắn gọn, dễ thuộc, dễ nhớ, như một lời hiệu triệu, một tuyên ngôn của Đảng trước Nhân dân: “Cùng nhau đi Hồng Binh/ Đồng tâm ta đều bước/ Đừng cho quân thù thoát/ Ta quyết chí hy sinh…” (“Cùng nhau đi Hồng Binh” của nhạc sĩ Đinh Nhu).
Tiếp đó, như một “món quà” chào mừng cho sự hoạt động trở lại của Đảng từ bí mật sang công khai với tên gọi Đảng Lao động Việt Nam (quyết định tại Đại hội II, năm 1951), ở Thái Nguyên, nhạc sĩ Đỗ Minh đã sáng tác ca khúc “Chào mừng Đảng Lao động Việt Nam” (sau đổi là “Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam”) chan chứa niềm vui và lòng tự hào: “Vừng trời đông ánh hồng tươi sáng bừng lên/ Đàn bồ cầu trắng bay về trong nắng mới/ Ngàn triệu dân xiết tay nhau/ Đứng quanh Đảng Cộng sản Việt Nam/ Khối kết đoàn công nông bền vững…”. Sau đó 5 năm, ở Hà Nội, nhạc sĩ Thanh Phúc nhớ về những tháng ngày bà con dân tộc Mèo (H’Mông) ở Hà Giang đùm bọc, cưu mang cách mạng để kháng chiến chống thực dân nên đã sáng tác ca khúc độc đáo: “Người Mèo ơn Đảng”. Đó cũng như lời dân vận cùng với chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng tuyên truyền về đường lối đúng đắn của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người Mèo trước thông tin “Vua Mèo” gây rối ở biên giới phía bắc.
Nói tới những bài ca về Đảng sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến nhạc sĩ Phạm Tuyên. Bởi với 3 ca khúc “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng”, “Đảng đã cho ta một mùa xuân” và “Màu cờ tôi yêu” của ông đã được nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha khẳng định “là cỗ xe tam mã hướng người ta về một lý tưởng cao đẹp”. Năm 1959, bắt gặp bài thơ của nhà thơ cộng sản Pháp Lu-i A-ra-gông qua bản dịch của nhà thơ Tố Hữu in trên báo, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã phổ thành bài hát “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng”. Sau đó đúng 1 năm, nhân kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng, cũng là năm Đảng ta quyết định lấy ngày 3 tháng 2 dương lịch là Ngày kỷ niệm thành lập Đảng (tại Đại hội III năm 1960), nhạc sĩ Phạm Tuyên đã dựa vào câu thơ của nhà thơ cộng sản Pháp Pôn Ve-lan Cu-tua-ri-ê: “Chủ nghĩa cộng sản là mùa xuân của nhân loại” để viết tiếp bài ca thứ hai về Đảng: “Đảng đã cho ta một mùa xuân”. Không dừng ở đó, năm 1979, nhạc sĩ Phạm Tuyên tiếp tục ghi tên mình với một ca khúc rất hay về Đảng được phổ từ thơ của nhà thơ Diệp Minh Tuyền mang tên “Màu cờ tôi yêu”. Điều đặc biệt trong ca khúc không nhắc một chữ nào đến Đảng mà chỉ nói về lá cờ đỏ nhưng khi giai điệu vang lên ai cũng hiểu đó là nói về lá cờ búa liềm, biểu tượng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Dù viết về đề tài vốn được coi là “khó, khô, khổ” nhưng ca khúc “Màu cờ tôi yêu” có giai điệu rất nhẹ nhàng, mềm mại, không hề khô cứng, hô khẩu hiệu.
Khi đất nước được hưởng trọn niềm vui hòa bình, thống nhất đã gây một niềm xúc cảm lớn với các nhạc sĩ. Điều đó thể hiện qua những ca khúc, như “Việt Nam ơi! Mùa xuân đến rồi” của nhạc sĩ Huy Du, “Lá cờ Đảng” của nhạc sĩ Văn An và đặc biệt là “Đảng là cuộc sống của tôi” của Nguyễn Đức Toàn: “Đảng là cuộc sống của tôi/ Mãi mãi đi theo người/ Từ thuở còn thơ đời tôi chưa quen sóng gió/ Đảng đã cho tôi lẽ sống niềm tin/ Giữa biển khơi biết đâu là bờ/ Bầu trời xanh chưa thấy bao giờ”. Lúc sinh thời nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn từng tâm niệm: “Đây chính là tâm sự, là tiếng lòng của tôi với Đảng, cũng là tiếng lòng của mọi người lúc bấy giờ đối với Đảng. Nó là một cái gì đó thân thuộc, máu mủ, rất tự nhiên. Như trong lời ca, tôi viết ca khúc về Đảng, vì Đảng là cuộc sống của tôi, là để nói với chính tôi, với đồng đội, với đồng bào về những tâm tư tình cảm của người chiến sĩ cách mạng, của mọi người dân đối với Đảng. Đảng cho tôi một nhân cách, một định hướng, một niềm tin. Lý tưởng của Đảng đã thấm sâu vào máu thịt tôi, giai điệu về Đảng ngân lên từ trong trái tim tôi”.
Xây dựng hình tượng về Đảng, ngoài ví von với mùa xuân các nhạc sĩ đã chọn những biểu tượng màu sắc tươi sáng, nóng ấm của bình minh, mặt trời, tiêu biểu có thể kể đến “Đường ta đi có nắng mặt trời” của nhạc sĩ Hồng Đăng, “Như hoa hướng dương” của nhạc sĩ Tô Vũ (thơ Hải Như). Có lẽ nhắc đến những bài ca về Đảng cũng nên nhắc đến một sáng tác của một người nhạc sĩ được ví là “cánh chim đại ngàn Tây Nguyên” Linh Nga Niê Kdam được viết ngay trong thời điểm diễn ra sự kiện Liên Xô và các nước trong khối XHCN Đông Âu sụp đổ. Ca khúc “Niềm tin trong tôi” như một lời nhắc nhủ, một sự nhắc nhở phải vững vàng, phải giữ được niềm tin son sắt, niềm tin ấy không thể phai mờ, niềm tin đó là bất diệt. Rồi không chỉ có những ca khúc về Đảng dành cho người lớn mà còn có những ca khúc dành cho thiếu nhi rất sâu sắc, như “Em là mầm non của Đảng” của nhạc sĩ Mộng Lân.
Lời ca về Đảng gắn với hình tượng Bác Hồ
Song hành với Đảng là hình tượng Bác Hồ, bởi Bác chính là hiện thân của Đảng, người đã sáng lập và rèn luyện Đảng ta, người chiến sĩ cách mạng vĩ đại mà cả cuộc đời đã hy sinh cho hạnh phúc nhân dân, cho dân tộc Việt Nam. Và điều đó đã được các nhạc sĩ gửi gắm qua những nốt nhạc thật sinh động, hấp dẫn. Lịch sử âm nhạc cách mạng Việt Nam đã ghi nhận ngay từ buổi đầu tân nhạc đã sớm có những bài ca về Bác Hồ. Đó là “Nhớ ơn Cụ Hồ” của nhạc sĩ Lưu Bách Thụ. Vào dịp sinh nhật lần thứ 59 của Người (năm 1949), nhạc sĩ Văn Cao đã cho ra đời ca khúc “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, đó cũng là ca khúc duy nhất viết về Bác Hồ của tác giả Quốc ca Việt Nam. Điều đặc biệt “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” cũng là cái tên mà hai nhạc sĩ tài danh khác là Lưu Hữu Phước và Đỗ Nhuận đều đặt cho “đứa con tinh thần” của mình. Nếu như nhạc sĩ Đỗ Nhuận viết: “Bừng sáng ánh sao vàng trên bóng cờ, Hồ Chí Minh thân yêu của ta...” thì nhạc sĩ Lưu Hữu Phước phổ thơ của Nguyễn Đình Thi: “Hồ Chí Minh dắt toàn dân nước ta/ Vững bền tranh đấu cho đời chúng ta”. Trong bài hát của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, sau nét nhạc mở đầu trang trọng hào sảng, giai điệu bật lên với khẩu hiệu “Hồ Chí Minh muôn năm” đã nêu bật hình tượng Bác trong nền cờ Ðảng, cờ Tổ quốc. Ðây là một ví dụ điển hình về việc ca từ và giai điệu gắn kết để xây nên hình tượng Bác với Ðảng trong âm nhạc.
Hình ảnh "Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân" đã đem lại niềm tin và sức mạnh tinh thần to lớn cho các chiến sĩ (Ảnh: Tư liệu).
Hình tượng Bác Hồ trong ca khúc tiếp tục được bổ sung thêm nhiều tác phẩm thuộc nhiều màu sắc khác nhau, từ hành khúc “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” của nhạc sĩ Huy Thục đến dân ca “Trông cây lại nhớ đến Người” của nhạc sĩ Ðỗ Nhuận, trong những bản tình ca “Những bông hoa trong vườn Bác” của nhạc sĩ Văn Dung hay trong những khúc tráng ca “Người là niềm tin tất thắng” của nhạc sĩ Chu Minh... Dưới ánh sáng của Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”, thiết thực hưởng ứng cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong những năm gần đây đã có nhiều tác phẩm âm nhạc mới ra đời, có thể kể đến, như “Hành khúc Hồ Chí Minh” của nhạc sĩ Nguyễn Ðức Toàn, “Nước non tên Người” của nhạc sĩ Chu Minh, bản hợp xướng phổ thơ của Bác “Nhật ký trong tù” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam... Nếu coi nhạc sĩ Phạm Tuyên là người sáng tác nhiều ca khúc thành công nhất về Đảng thì nhạc sĩ Thuận Yến chính là người sáng tác nhiều ca khúc thành công nhất về Bác Hồ. Trong suốt cuộc đời mình, nhạc sĩ Thuận Yến đã sáng tác đến 26 ca khúc về Bác Hồ mà trong đó có những ca khúc đã đi sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam, như: “Bác Hồ một tình yêu bao lao”, “Người về thăm quê”, “Miền Trung nhớ Bác”, “Vầng trăng Ba Đình”, “Miền Nam trong tim Bác”…
Giá trị trường tồn cùng thời gian
Đi suốt chặng dài lịch sử của Đảng, của dân tộc, dễ dàng nhận thấy những bài ca về Đảng, về Bác Hồ hầu hết đều ra đời đúng thời điểm, trở thành vũ khí sắc bén cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân ta trong cuộc chiến bảo vệ từng tấc đất và biển trời của Tổ quốc. Không ai có thể phủ nhận được giá trị của âm nhạc. Trong thời chiến, âm nhạc đã hun đúc ý chí, tôi luyện quyết tâm đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, chiến thắng mọi vũ khí hủy diệt của quân thù, “tiếng hát át tiếng bom”; âm nhạc đã cổ vũ tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, nâng bước những đoàn quân làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”, thôi thúc những người con của một dân tộc “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” (thơ Tố Hữu). Sau chiến tranh, âm nhạc len lỏi trong từng nhịp thở của đời sống mới, động viên lớp lớp thanh niên ra công trường, nơi biên giới, thi đua lao động, làm kinh tế, xây dựng Tổ quốc giàu mạnh, tiến lên chủ nghĩa xã hội...
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đến dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa X (nhiệm kỳ 2020-2025). Ảnh: Báo Đại đoàn kết.
Trong bài phát biểu tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa X (nhiệm kỳ 2020-2025), đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã một lần nữa khẳng định những đóng góp của các nhạc sĩ trong dòng chảy lịch sử của Đảng, của dân tộc: “Chúng ta biết ơn và tự hào về những nghệ sĩ dân gian với tâm hồn yêu cái đẹp và giàu sáng tạo, những người chiến sĩ - nghệ sĩ trên mặt trận văn hóa - nghệ thuật, trong đó có những nhạc sĩ, những người hoạt động âm nhạc đã hy sinh tuổi xuân, để lại máu xương của mình trên chiến trường. Chúng ta tự hào khi có những tác phẩm âm nhạc bất hủ đã trở thành di sản văn hóa dân tộc trên bước đường tạo dựng văn hóa, văn hiến, gìn giữ nền độc lập - tự do của Tổ quốc”. Còn PGS, TS. Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đã khẳng định trong đêm nhạc tôn vinh nhạc sĩ Phạm Tuyên tại lễ sinh nhật lần thứ 91, rằng: “Chính sự góp sức của những thế hệ nhạc sĩ như Phạm Tuyên đã nâng tâm hồn của cả dân tộc trong kháng chiến gian lao, trong xây dựng vất vả. Và phải nói là đất nước ta được như hôm nay do rất nhiều lực lượng đóng góp, nhưng chúng tôi nghĩ lực lượng văn nghệ sĩ, trong đó có các nhạc sĩ tài danh nổi tiếng như ông Phạm Tuyên đã giúp chúng ta rất nhiều, cho cả đất nước, cho từng gia đình và cho mỗi con người”.
Khẳng định mối quan hệ máu thịt giữa âm nhạc với dân tộc, nhà thơ, nhà chính trị, quân sự lỗi lạc Nguyễn Trãi đã từng có một nhận định rất sâu sắc: “Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc”. Có thể hiểu, nếu quốc thái, dân an thì đó là cái gốc tươi đẹp, khỏe khoắn của âm nhạc. Chăm lo để “yên dân” là vun gốc cho đời sống có nhiều thanh âm lành mạnh, trong sáng và cao cả. Cũng như nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng có mối quan hệ máu thịt với thiên nhiên, con người, với đời sống chính trị - xã hội, lịch sử và văn hóa... của mỗi quốc gia. Và trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta, một đất nước đã trải qua hàng nghìn năm chiến đấu quật cường chống giặc ngoại xâm để bảo vệ trọn vẹn nền độc lập, giữ gìn hoà bình, xây dựng đất nước mạnh giàu, luôn tự hào có một “kho báu” – những bài ca về Đảng, về Bác Hồ kính yêu.
(Còn nữa)
Ngô Khiêm