Cải thiện và nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, lâu dài của các cấp, ngành tỉnh Long An, góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, minh bạch, liêm chính, kiến tạo, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ.
|
Người dân xã Bình Quới (huyện Châu Thành) truy cập bộ thủ tục hành chính tại Bộ phận “một cửa”.
|
Còn nhiều “điểm nghẽn”
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Hải Tuấn cho biết, PAPI năm 2023 của tỉnh Long An đã đạt 40,83/80 điểm, đứng thứ 46/63 tỉnh, thành phố, thuộc nhóm thứ ba trung bình thấp; tăng 1,03 điểm và tăng 11 bậc so với năm 2022 (57/63 tỉnh, thành phố), đứng thứ 7/13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long.
Theo kết quả công bố PAPI năm 2023 của tỉnh, trong 8 chỉ số nội dung đánh giá có 5 chỉ số nội dung tăng 1,47 điểm và tăng hạng so với năm 2022 (gồm: Công khai, minh bạch tăng 0,06 điểm và tăng 13 bậc; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công tăng 0,47 điểm và tăng 19 bậc; thủ tục hành chính (TTHC) công tăng 0,01 điểm và tăng 2 bậc; quản trị môi trường tăng 0,25 điểm và tăng 16 bậc; quản trị điện tử tăng 0,68 điểm và tăng 39 bậc); có 1 chỉ số nội dung được xếp trong nhóm cao nhất cả nước (quản trị điện tử) và có 1 chỉ số nội dung được xếp trong nhóm trung bình cao (TTHC công).
Dù tăng 1,03 điểm và tăng 11 bậc so với năm 2022 nhưng tỉnh vẫn còn nằm trong nhóm trung bình thấp, chưa được cải thiện nhiều so với năm 2022. Trong 8 chỉ số nội dung đánh giá có 3 chỉ số nội dung giảm 0,44 điểm và giảm thứ hạng so với năm 2022 (gồm tham gia của người dân cấp cơ sở giảm 0,24 điểm và giảm 10 bậc; trách nhiệm giải trình của người dân giảm 0,13 điểm và giữ hạng 59; cung ứng dịch vụ công giảm 0,07 điểm và giảm 2 bậc).
Có nhiều nguyên nhân cản trở việc cải thiện và nâng cao PAPI của tỉnh như một số cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là cấp cơ sở chưa nắm rõ về PAPI; việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cung cấp thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến người dân chưa thường xuyên, liên tục, chưa kịp thời và chưa có nhiều đổi mới về hình thức, nội dung; tinh thần trách nhiệm trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ, giải trình, hướng dẫn của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp với người dân về các chủ trương, chính sách còn hạn chế.
Ngoài ra, kỹ năng hành chính, đạo đức, phẩm chất của cán bộ, công chức, viên chức một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu công tác cải cách hành chính; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; chất lượng cung ứng dịch vụ công giáo dục, y tế, điện, đường giao thông, an ninh, trật tự chưa đáp ứng yêu cầu của người dân;...
Nỗ lực cải thiện
Năm 2024, để tiếp tục triển khai kịp thời các giải pháp nâng cao PAPI của tỉnh, ngày 21-5-2024, UBND tỉnh Long An ban hành Kế hoạch số 1523/KH-UBND nâng cao Chỉ số PAPI năm 2024 của tỉnh. Trong đó, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về PAPI. Nội dung tuyên truyền cần tập trung vào việc quán triệt về nhận thức trong hệ thống chính trị về ý nghĩa, bản chất của PAPI, những lợi ích của Chỉ số mang lại đối với công tác điều hành của chính quyền.
Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức của bộ phận “một cửa” của UBND xã An Lục Long, huyện Châu Thành lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Tấn Hòa (thứ 6, phải qua) thăm, động viên cán bộ, công chức, viên chức Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
|
Thời gian qua, UBND xã thực hiện mô hình Ngày không viết, Ngày không hẹn trong giải quyết TTHC và thực hiện hỗ trợ tổ chức, công dân nộp hồ sơ trực tuyến tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả trên địa bàn xã. Mô hình nhằm hỗ trợ các công dân là những người lớn tuổi, người gặp khó khăn khi viết chữ hoặc điền các thông tin vào hồ sơ.
|
Người dân xã An Lục Long (huyện Châu Thành) được hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến.
|
Bà Trần Thị Bé Chín (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) cho biết: “Nhờ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại bộ phận “một cửa” xã hỗ trợ hướng dẫn nên các TTHC tôi đến xã làm nhanh chóng. Cán bộ, công chức làm việc tại sẵn sàng giải đáp thắc mắc và hướng dẫn người dân thực hiện các TTHC”.
Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa Lê Thành Phong vừa có cuộc đối thoại với người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức về thực hiện TTHC, cải cách hành chính trên tất cả các lĩnh vực của huyện năm 2024 nhằm kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tháo gỡ khó khăn, tạo hiệu ứng tích cực “đối thoại - toại lòng dân”.
|
Đoàn viên, thanh niên huyện Đức Hòa hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến.
|
Tại cuộc đối thoại, người dân và doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức có ý kiến về các TTHC chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai như vướng mắc trong thủ tục hồ sơ tặng cho, chuyển quyền sử dụng đất; thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất; thủ tục cấp đổi quyền sử dụng đất theo cơ sở dữ liệu mới, tách thửa;...
“Thông qua cuộc đối thoại nhằm hướng đến giải quyết tốt nhất những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các quy định về TTHC; đồng thời, góp phần nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR index) cũng như PAPI trên địa bàn huyện” – đồng chí Lê Thành Phong cho biết.
Nguồn: Hà Lan/baolongan.vn