Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng thực chất và hiệu quả”

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên toàn thể - Tọa đàm cấp cao chiều ngày 5-6-2022 tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 (Ảnh: Hoàng Hào).

Mở đầu bài phát biểu tại Phiên toàn thể - Tọa đàm cấp cao Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, qua báo cáo các phiên chuyên đề trong buổi chiều hôm nay và qua ý kiến phát biểu của các đại biểu tôi cảm nhận rất hay, rất chân thành, rất tin cậy, rất trách nhiệm, rất xây dựng và rất thẳng thắn đối với nền kinh tế Việt Nam nói riêng và kinh tế thế giới nói chung trong một bối cảnh hiện nay như các đồng chí đã phân tích. Tôi rất cảm ơn sự có mặt của quý vị đại biểu trong nước cũng như ngoài nước, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các nhà quản trị rất tâm huyết, rất trách nhiệm và rất chân thành tình cảm đối với Việt Nam. Tôi trân trọng ý kiến đống góp của quý vị đại biểu.

Nói về chủ đề là xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ nhưng chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả. Thủ tướng chia sẻ, chúng ta cần chú ý đến “chủ động tích cực”, phải nói rằng những kinh nghiệm chúng ta có được qua 35 năm đổi mới đất nước, chúng ta đã trải qua rất nhiều những biến cố từ các yếu tố bên ngoài và cả nội tại của nền kinh tế bên trong chúng ta, đặc biệt là việc chúng ta chống dịch vừa qua và qua những biến động của thế giới hiện nay. Chúng ta vẫn giữ được ổn định trong một thế giới biến động, đấy là cái quan trọng nhất và thể hiện được sự tự tin của chúng ta để chúng ta vừa là độc lập, tự chủ, nhưng lại chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế mà phải có thực chất và hiệu quả. Độc lập, tự chủ, tích cực chủ động nhưng mà không có thực chất, không có hiệu quả thì không có mang lại cái gì cả. Thủ tướng nhấn mạnh.

Tôi phân tích các yếu tố như vậy để thấy Hội nghị hôm nay chúng ta bàn về cái chủ đề mà nó vừa có tính chất cơ bản, lâu dài nhưng mà lại có tính chất thời sự, vừa giải quyết những vấn đề căn cốt nhưng lại vừa những vấn đề có tính chất tình thế.

Chúng ta xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả là chủ trương đúng đắn, nhất quán, xuyên suốt, khách quan và có hiệu quả. Tôi xin chứng minh những điểm này, thứ nhất là phù hợp với Cương lĩnh phát triển đất nước của chúng ta trong thời kỳ quá độ từ năm 2011; thứ hai là phù hợp với Hiến pháp 2013; thứ ba là cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng ta qua một số Đại hội gần đây nhất khi mà tình hình thế giới thay đổi và đặc biệt là Đại hội XIII của Đảng. Chúng ta đưa ra tầm nhìn 100 năm để phấn đấu, phát triển. Đặc biệt là kinh nghiệm sau 35 năm đổi mới, chúng ta đã vượt qua khó khăn như thế nào và tình hình khu vực, thế giới hiện nay đã đòi hỏi chúng ta phải xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Độc lập, tự chủ không có nghĩa là biệt lập, tự cung, tự cấp, vấn đề hội nhập nhưng hội nhập như thế nào, hội nhập ở đây là hội nhập với tư thế của mình, hội nhập phải tích cực chủ động. Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, đại dịch Covid-19 vừa qua, để chúng ta giữ được tâm thế chủ động trong một thế giới bất ổn định này là cái khó khăn chứ? chúng ta nói lên điều đó để thấy chúng ta tự tin, tiếp tục thực hiện chủ trương độc lập, tự chủ nhưng mà tích cực chủ động hội nhập.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chúng ta phải dựa trên nền tảng, bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ thì chúng ta mới phát triển được kinh tế độc lập, tự chủ, chẳng ai có thể phát triển được kinh tế - xã hội ổn định, phát triển mà lại không có độc lập, tự chủ, không có độc lập, tự chủ về lãnh thổ, về chính trị, về các công việc quan trọng của đất nước mình. Nói tóm lại, chúng ta phải dựa trên nền tảng là bảo vệ được độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, đây là nền tảng hết sức là quan trọng mà trên thực tế là chúng ta đang làm được điều này. Từ chỗ bảo vệ được độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ đấy, chúng ta xây dựng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trên thế giới vì hòa bình hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới, đồng thời là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Vừa qua, chúng ta đã trải qua những vấn đề có tính toàn cầu, có tính toàn dân, vì chúng ta có đường lối độc lập, tự chủ, chủ động tích cực hội nhập cho nên chúng ta đưa ra cách tiếp cận vấn đề toàn cầu với vấn đề toàn dân là phù hợp. Ví dụ như việc phòng, chống Covid-19 vừa qua là vấn đề toàn cầu vì nó tác động đến toàn cầu, hay vấn đề chống biến đổi khí hậu toàn cầu, hay Cuộc cách mang 4.0…, cách tiếp cận toàn cầu là phải đoàn kết quốc tế, phải đề cao chủ nghĩa đa phương, cách tiếp cận toàn dân là phải lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể. Mọi chính sách phải hướng đến người dân và người dân phải tham gia vào các vấn đề mà có tác động đến chính họ và trên thực tế chúng ta đã đi hướng này. Thủ tướng phân tích.

Về kinh tế, khi đổi mới chúng ta là một đất nước đã trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh, lúc bấy giờ nền kinh tế của chỉ có 40 tỷ đô-la, bình quân đầu người chỉ có 100 đô-la, thế mà sau 35 năm đổi mới chúng ta có quy mô nền kinh tế 360 tỷ đô-la, thu nhập đầu người 2021 là 3.680 đô-la.

Chúng ta bảo vệ được độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, triển khai được đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đời sống kinh tế - xã hội của Nhân dân được nâng cao, năm sau cao hơn năm trước, nhìn lại chúng ta từ một nền kinh tế quy mô nhỏ, thu nhập thấp, làm không đủ ăn, không đủ lương thực, thu không đủ chi, xuất không đủ nhập, năng lượng thì thiếu, cung ứng lao động thì nhỏ, chưa tham gia vào các chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu thì mới thấy những kết quả mà chúng ta đạt được ngày hôm nay là do chúng ta thực hiện một đường lối đúng đắn.


Quảng cảnh Phiên toàn thể - Tọa đàm cấp cao chiều ngày 5-6-2022 tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4. (Ảnh: Hoàng Hào).

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy khoa học - công nghệ, đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, đa dạng dạng hóa các chuỗi cung ứng. Các ngành công nghiệp nền tảng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển nền kinh tế đô thị liên kết cùng kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo… Về đầu tư công hiện nay còn đang dàn trải, manh mún, chia cắt, chưa tập trung do đó Thủ tướng đề nghị cơ cấu lại đầu tư đầu tư công.

Thủ tướng cũng đề nghị cơ cấu lại thị trường tài chính mà trọng tâm là các tổ chức tín dụng, trong quá trình phát triển đã nảy sinh nhiều vấn đề, một số tổ chức tín dụng yếu kém thì phải tìm cách khắp phục. Chúng ta phải làm cho thị trường tài chính phát triển lành mạnh, không để đổ bể hệ thống, đây là vấn đề rất quan trọng.

Cơ cấu lại doanh nghiệp mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, công ty nhà nước.

Về vấn đề cổ phần hóa, Thủ tướng cho biết, cần phải có các giải pháp tổng kết lại, đánh giá lại, chúng ta không nóng vội trong vấn đề này. Cổ phần hóa là phải làm cho doanh nghiệp phát triển, nâng cao hoạt động hiệu quả của doanh nghiệp, đảm bảo đời sống của người lao động, không mất cán bộ, góp phần làm cho nền kinh tế của chúng ta độc lập, tự chủ.

Theo Thủ tướng, việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng thực chất và hiệu quả có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tình hình hiện nay, Việt Nam khẳng định chủ trương nhất quán không lựa chọn nền kinh tế đóng và luôn kiên định đường lối đổi mới, mở cửa, chủ động, tích cực hội nhập, sâu rộng, thực chất và hiệu quả và tại Hội nghị ngày hôm nay, chúng ta tiếp tục khẳng định đường lối này.

Tạo môi trường pháp lý phù hợp, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, đối tác đầu tư, kinh doanh lâu dài, hiệu quả bền vững trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa người dân, doanh nghiệp, đối tác đầu tư với Nhà nước. Việt Nam mong muốn làm bạn tốt, đối tác tin cậy, trách nhiệm và sẵn sàng chung tay cùng cộng đồng quốc tế để giải quyết các vấn đề thách thức có tính toàn cầu, toàn dân.

Những kết quả thu hoạch được từ Diễn dàn này đã bổ sung cho đường lối nhất quán, xuyên suốt và có tính khách quan, hiệu quả, đó là xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng và thực chất hiệu quả.

Phát huy truyền thông tốt đẹp và những thành tựu, kết quả quan trọng đã đạt được, tôi mong muốn và tin tưởng rằng, các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chúng ta tập trung khắc phục những bất cập, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu, thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp đề ra, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng nhưng mà thực chất và hiệu quả. Góp phần phát triển đất nước phồn vinh và thịnh vượng, mang lại hạnh phúc, ấm no cho Nhân dân, mang lại lợi ích hợp pháp, chính đáng cho các nhà đầu tư… Đây cũng mong muốn nhất của Đảng, Nhà nước cũng như là kết quả của Hội nghị ngày hôm nay - Thủ tướng Phạm Minh Chính.


Hoàng Hào

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất