“Tiếng quê” của nhà thơ Hồng Vinh và những trăn trở về quê hương, thời cuộc

PGS, TS, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh (bút danh Hồng Vinh).

Gọi Hồng Vinh là “nhà thơ trẻ” hẳn cũng không sai, bởi ông chỉ mới làm thơ cách đây khoảng chục năm khi đã rời xa những chức vụ quản lý. Công việc của một nhà quản lý báo chí, nhà tuyên giáo suốt mấy chục năm với những bộn bề, lo toan khiến những “mầm thơ” trong ông chưa kịp chớm nở nhưng cũng thật may khi đã “hoàn dân” tâm hồn ấy đã có cơ hội được trỗi dậy một cách mạnh mẽ, đắm say. Với một người làm thơ có “thâm niên” khoảng chục năm mà hầu như năm nào cũng ra một tập thơ như ông thì thật đáng nể trọng. Từ tập thơ đầu tiên “Từ những nẻo đường” (xuất bản năm 2010) cho đến nay ông đã sở hữu nhiều tập thơ mang những cái tên rất gợi: “Thao thức dòng đời”, “Nhịp điệu thời gian”, “Miền thương nhớ”, “Màu ký ức”, “Lãng quên thì thầm”, “Xanh mãi”, “Tiếng quê”… Tất nhiên là một người “lớn tuổi” làm thơ nên thơ ông luôn đầy sự trải nghiệm, suy ngẫm về những phận đời, phận người, hơn nữa lại là một nhà báo nên chủ đề trong thơ ông cũng luôn ăm ắp tính thời sự.

Thực ra hầu hết mỗi người Việt chúng ta đều có gốc gác từ những vùng quê mà trong quá trình sinh sống, phát triển tổ tiên, ông bà, bố mẹ và đến đời chúng ta đã thoát ly khỏi lũy tre làng. Hình ảnh quê hương luôn nặng sâu trong mỗi người như câu thơ của nhà thơ Đỗ Trung Quân “Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người”, trong đó có nhà thơ Hồng Vinh. Nam Định quê hương ông là mảnh đất sản sinh nhiều văn nghệ sĩ tài danh cho đất nước, trong âm nhạc có Văn Cao, Văn Ký…; trong văn học có Vũ Cao, Vũ Tú Nam và đặc biệt là nhà thơ “chân quê” Nguyễn Bính. Điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến hồn thơ của ông – một hồn thơ trong trẻo, thuần khiết, mộc mạc, giản dị mà sâu lắng. Tôi cảm nhận rất rõ điều đó khi đọc những câu thơ: “Ngày mẹ sinh con trên ổ rơm trải đất/ Tuổi thiếu niên ngủ đất cả đêm hè/ Sáng đi học, chiều về bừa đất/ Tối kéo gầu sòng, đổ nước ải phồng tay” (bài “Đất quê hương”) hay “Cây đa làng rợp bóng/ Khói thuốc lào tỏa bay/ Tốp thợ cày nheo mắt/ Nhóm thợ cấy cười vang” (bài “Tiếng quê”) hoặc “Cây gạo vẫn đầu làng/ Cành cứ vươn tỏa bóng/ Lả tả cánh hoa rơi/ Đỏ mặt sông trong vắt” (bài “Cây gạo năm xưa”). Điều thú vị là bài thơ lấy nhan đề cho tập sách này lại chính bài thơ ông dành tặng người bạn đồng nghiệp thân thiết của mình – nhà thơ, nhà báo Hà Cừ (nguyên Tổng Biên tập Báo Hải Dương). Tác giả đã đồng cảm xen lẫn sự thương xót cho những người nông dân xứ Đông chuẩn bị vào mùa thì dịch COVID-19 tràn về khiến cuộc sống vốn dĩ khó khăn lại càng khó khăn, chật vật hơn.

Lật mở từng trang của tập sách này, tôi bị thu hút bởi những bài thơ mang chủ đề mang tư tưởng lớn, như “Khát vọng”, “Chữ Nhân Dân được viết hoa trong Hiến pháp”, “Con đê niềm tin”, “Những điều ghi khắc trong tâm”, “Hoa ban mùa đầu”, “Những con đường lòng dân”, “Cấp độ”… Đó những lời từ tâm can của ông với những vấn đề lớn của dân tộc và hơn hết ở đó là niềm tin tưởng, lạc quan, hy vọng vào tương lai xán lạn của đất nước dưới sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng. Ở bài thơ “Cấp độ” viết tháng 11-2020, ông có cách đặt vấn đề khá hay khi đưa ra những nguy cơ đang rình rập cuộc sống của chúng ta như bão sẽ vào miền Trung hay COVID-19 đang rình rập ở nhiều nơi, nhiều chỗ rồi ông lại phủ định có những điều nguy hiểm hơn rất nhiều, đó là “Những mưu mô loại bỏ người chân chính/ Những thủ đoạn gây nghi ngờ, chia rẽ”. Sâu xa trong đó là vấn đề tham ô, tham nhũng, lôi bè kết phái, “lợi ích nhóm” trong một “bộ phận không nhỏ” đảng viên hiện nay. Từ ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong phiên họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 25-11-2020, ông đã chuyển thành thành những câu thơ khá nhuần nhuyễn, uyển chuyển: “Mới hay nguy hại/ Giữa lòng tham chính trị/ Và lòng tham kinh tế/ Cấp độ nào lớn hơn?”.

Bên cạnh đó, ông cũng đã dành nhiều bài thơ, vần thơ để viết tặng những người bạn đồng nghiệp đã cùng gắn bó với ông trong suốt nhiều năm công tác mà ở đó mỗi người đều lấp lánh những đức tính cao đẹp, thể hiện sự trân trọng, yêu mến, thậm chí nể phục của tác giả. Có thể kể đến những bài như “Nghĩa Đảng, tình Dân” tặng đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; “Nguồn thơ tỏa sáng” tặng nhà báo, nhà thơ Trần Thế Tuyển, nguyên Tổng Biên tập Báo Sài Gòn giải phóng; “Trang thơ khép mở”, “Thấm đượm nhân văn” tặng Trung tướng, nhà báo Hữu Ước, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng (Bộ Công an), nguyên Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân,  nguyên Tổng Biên tập Truyền hình Công an nhân dân; “Giây phút hạnh phúc” tặng Đại tá, nhà văn, nhà báo Phạm Khải, Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân…

Tập thơ "Tiếng quê" của nhà thơ Hồng Vinh.

Như đề cập ở trên, là một nhà báo nên hẳn nhiên trong những bài thơ của ông luôn ăm ắp tính thời sự, sâu sát với những sự kiện đang diễn ra từng ngày, từng giờ. Và không nói ra thì ai cũng biết trong hơn 1 năm qua, dải đất hình chữ S thân yêu của chúng ta đã phải hứng chịu những trận sạt lở đất thảm khốc chưa từng thấy trong lịch sử rồi những đợt dịch bệnh COVID-19 với mức độ lây lan hết sức nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế quốc gia. Những điều “mắt thấy, tai nghe” ấy đã đi vào trong thơ của Hồng Vinh một cách nhẹ nhàng, dung dị. Trong bài “Tháng Hai đáng nhớ”, ông đã trân trọng dành những vần thơ tặng người “chiến sĩ áo trắng” trên mặt trận chống dịch trong đúng ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2: “Ngày Thầy thuốc Việt Nam – niềm vui đến vỡ òa/ Dịch Covid dã trong tầm kiểm soát/ Nhiều chốt chặn các xóm thôn đã gỡ/ Sự sống bình yên trở lại mọi nhà”. Trong bài “Bình yên dần hồi sinh”, ông đã nhói đau trước vong linh những người nằm sâu trong đất, ông đã thương cảm với những đứa trẻ bơ vơ nhưng rồi nhờ những chuyến hàng cứu trợ, nhờ sự giúp đỡ của các lực lượng vũ trang “Bình yên dần hồi sinh/ Em lại miệt mài bên trang giáo án/ Xôn xao tiếng Đời…”. Trong bài “Thắm tình người Việt Nam”, ông cũng đã có những câu thơ ca ngợi tinh thần quốc tế cao đẹp của đất nước chúng ta khi sẵn sàng cứu người nước ngoài mắc COVID-19 tại Việt Nam: “Hiếm nơi nào như thế/ Không phân biệt quốc gia/ Dù trai, gái, trẻ, già/ Cứu người là tối thượng”.

Nhà thơ Hồng Vinh từng có thời gian học tập và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ báo chí tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Liên Xô (cũ). Cũng bởi thế Liên Xô ngày trước và nước Nga hôm nay luôn gợi nhớ cho ông đầy ắp những kỷ niệm về một thời trai trẻ nhiệt huyết, đam mê và nhiều ước mơ, hoài bão. Tháng 11-2020 nhân kỷ niệm 103 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng chương trình đặc biệt “Tiếng vọng tình yêu” đã khiến ông đã khiến ông “bật” ra những câu thơ: “Tiếng vọng tình yêu” đưa tôi trở lại nước Nga/ Ngắm điện Kremli hồng rực/ Đều đặn vang tiếng chuông như khúc nhạc hòa bình/ Ru giấc ngủ Lênin vĩ đại…”. Qua bài thơ “Tiếng vọng tình yêu” ông đã thể hiện sự biết ơn đất nước Liên Xô anh hùng đã không chỉ cho ông kiến thức mà còn dạy ông nói riêng và Nhân dân Việt Nam nói chung sự kiên cường, hiên ngang, bất khuất trước kẻ thù xâm lược để: “Chúng tôi những người lính Trường Sơn/ Vang bài hát Ca-chiu-sa băng rừng, vượt suối/ Không kẻ thù nào ngăn nổi/ Đã làm nên những “Điện Biên Phủ” trên không và dưới đất/ Cho triệu người “sống để yêu nhau””.

Khép lại tập thơ dày hơn 200 trang của nhà thơ Hồng Vinh điều mà tôi chiêm nghiệm ở ông là con người luôn nuôi dưỡng niềm tin yêu, sự lạc quan cả trong đời sống lẫn trong thơ. Và suy cho cùng thì làm báo hay làm thơ thì ông vẫn luôn quan niệm phải bám chặt lấy đời sống thực tại, phản ánh được hơi thở và nhịp sống hối cả thời đại như ông từng thổ lộ trong câu kết của bài thơ “Hồn thơ – men rượu nồng say”: “Mọi thi pháp văn chương sẽ trở nên vô nghĩa/ Nếu không bám rễ cuộc đời này”.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất