TP. Hồ Chí Minh sẵn sàng mở lại bệnh viện dã chiến trong trường hợp F0 tăng cao

Quang cảnh buổi họp báo (Ảnh: Hoàng Hào).

Trả lời câu hỏi “Hiện nay Thành phố đã xuất hiện biến thể mới Omicron BA.4 và BA.5, Ngành Y tế khuyến cáo đây là biến thể nguy hiểm. Vậy thực tế mức độ nguy hiểm của biến thế này như thế nào? Nếu so với các biến thể khác thì Omicron BA.4 va BA.5 có nguy hiểm hơn không?”. Đồng chí Lê Thiện Quỳnh Như – Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế thành phố cho biết: Biến thể Omicron với 3 dòng BA.l, BA.2 và BA.3 xuất hiện vào cuối tháng 11-2021 tại Nam Phi sau đó lan ra toàn cầu thay thế biến thể delta trước đó, biến thể BA.4 và BA.5 được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 1 và tháng 2-2022 tại Nam Phi và bắt đầu lan dần ra khắp thế giới.

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), các dòng BA.4 và BA.5 (của biến thể Omicron) đang lây lan nhanh tại Hoa Kỳ. Trong tuần lễ cuối tháng 6-2022, riêng Omicron BA.5 đã chiếm tới 36,6% ca mắc ở Mỹ, trong khi BA.4 chiếm từ 15,7% ca nhiễm. Tính tổng cộng, hai biến thể BA.5 và BA.4 chiếm tới 52% ca mắc COVID-19 mới ở Mỹ. Số các trường họp mắc mới COVID-19 tại Hoa Kỳ khoảng 100.000 ca trong tuần, tăng 2,9% so với một tuần trước đó. Các chuyên gia dự báo rằng 2 biến thể này đang dần chiếm chủ đạo và số ca mắc sẽ còn tiếp tục gia tăng trong những tuần tới.

Trên phạm vi toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới công bố số ca mắc mới trong tuần qua tăng 18% so với tuần trước, số tử vong mới trong tuần tăng 3% so với tuần trước, sự gia tăng số ca mắc và tử vong này tương ứng với BA.4 tăng từ 9% lên 12%, và BA.5 tăng từ 28% lên 43%.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) biến thể Omicron BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể BA.l, BA.2 từ 10 đến 13%. Hai biến thể này có thể thoát khỏi sự bảo vệ của hệ thống miễn dịch khi nồng độ kháng thể trung hòa trong máu hạ thấp theo thời gian, kể cả ở những người đã từng mắc các biến thể B.A1, BA.2 cũng như mắc biến chủng delta trước đó. Tuy nhiên đa số các dữ liệu lâm sàng đều cho thấy việc đã tiêm vắc xin có thể ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng và cũng như ngăn việc cần nhập viện điều trị.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã công bố biến thể phụ BA.5 đã xuất hiện tại Việt Nam và ghi nhận số ca mắc mới bắt đầu có dấu hiệu tăng và số ca nặng cũng bắt đầu có dấu hiệu tăng nhẹ.

Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, vào ngày 4-7-2022, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cùng đã công bố phát hiện 2 mẫu dương với biến thể phụ BA.4 (tại Phường Thạnh Mỹ Lợi - TP. Thủ Đức) và 1 mẫu dương với biến thể BA.5 (tại xã Tân Phú Trung - Củ Chi), tất cả các mẫu dương này đều từ nguồn giám sát ngẫu nhiên qua hệ thống giám sát định kỳ liên tục của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố. Đồng thời Hệ thống giám sát dịch của Ngành Y tế thành phố cũng cho thấy số ca mắc mới có xu hướng tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây, có ngày có trên 50 ca mắc mới (trước đây số ca mắc mới đã giảm sâu dưới 30 ca mắc mới/ngày), mặc dù số ca nhập viện và số ca nặng chưa có dấu hiệu tăng rõ.

Ngành Y tế thành phố đã sẵn sàng các kịch bản để thu dung điều trị các trường hợp F0 trong thời gian tới. Việc quản lý F0 tại nhà do trạm y tế phường, xã, thị trấn đảm trách với sự trợ giúp của các công cụ chuyển đổi số. Tiếp tục tập trung chủ yếu vào việc quản lý và chăm sóc những người thuộc nhóm nguy cơ.

Tất cả các bệnh viện trên địa bàn Thành phố hiện nay đều thực hiện đồng thời 2 chức năng, vừa khám, chữa bệnh thông thường vừa điều trị người mắc COVID-19 có các bệnh lý cấp/mạn tính hoặc bệnh lý nền kèm theo tại các khoa/đơn vị điều trị COVID-19.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng thành phố (cùng với các bệnh viện Trung ương trên địa bàn Thành phố như Chợ Rẫy, Thống Nhất, Quân y 175) là các bệnh viện tuyến cuối về điều trị COVID-19.

Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 13 với 1.000 giường hiện tạm ngưng nhận bệnh, phân công cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới phụ trách, sẵn sàng kích hoạt lại khi cần thiết. Ngoài ra các quận, huyện trên địa bàn Thành phố cũng có kế hoạch sẵn sàng mở lại bệnh viện dã chiến trong trường hợp F0 tăng cao trở lại.

Quan trọng hơn hết là các biện pháp dự phòng COVID-19, cần tuân thủ vấn đề mang khẩu trang và khử khuẩn khi đến nơi công cộng, đồng thời với tăng cường tiêm vắc-xin.

Cần tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng COVID-19 mũi nhắc lại (mũi 3 và mũi 4) theo đúng tinh thần của chiến dịch tiêm vắc-xin phòng COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ phát động. Trong đó, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về lợi ích của tiêm vắc-xin đến từng hộ gia đình, Ngành Y tế luôn sẵn sàng tổ chức các điểm tiêm trong cộng đồng, trong bệnh viện, trong nhà máy, trong trường học,... và nhất là tổ chức các đội tiêm lưu động, tiêm tại nhà cho người thuộc nhóm nguy cơ như người cao tuổi, người mắc bệnh nền gặp khó khăn trong đi lại.

40.000 nhân viên y tế, tình nguyện viên chưa nhận được tiền thưởng

Sở Y tế dự kiến số lượng khen thưởng khoảng 40.000 nhân viên y tế, tình nguyện viên tham gia phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố với tổng kinh phí ước khoảng 19 tỷ đồng. Sở Y tế đã hoàn thành danh sách nhân viên y tế nhận giấy khen của Sở, tuy nhiên, hiện Sở Y tế chưa thể gửi giấy khen và tiền thưởng đến tất cả các nhân viên y tế tham gia phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố vì chưa có nguồn kinh phí để thực hiện.

Về bổ sung đối tượng được hưởng chính sách đặc thù hỗ trợ động viên cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND.

Theo Nghị quyết số 12/2001/NQ-HĐND ngày 24-8-2021 của HĐND thành phố có 5 nhóm đối tượng được hưởng chính sách, trong đó nhóm đối tượng là tình nguyện viên thì chỉ có tình nguyện viên có chuyên môn y tế, tình nguyện viên tôn giáo chăm sóc F0, Fl, tình nguyện viên lái xe vận chuyển Fl, F1 theo ỵêu câu cách ly tập trung thì được hưởng chính sách đặc thù. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều tình nguyện viên khác tham gia phòng, chống dịch tích cực, hiệu quả, bằng những hoạt động thiết thực như: lấy mẫu xét nghiệm, chăm sóc F0,.. thì chưa được hưởng chính sách đặc thù này.

Đồng chí Lê Thiện Quỳnh Như, Chánh Văn phòng Sở Y tế phát biểu (Ảnh: Hoàng Hào).

Ngày 10-6-2022, Sở Y tế đã chủ trì cuộc họp với Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBMTTQ Việt Nam thành phố để thống nhất đề xuất bổ sung đối tượng được hưởng chính sách đặc thù hỗ trợ động viên cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND. Theo đó, các sở, ban, ngành chỉ thống nhất đề xuất bổ sung thêm 1 đối tương là thành viên ban chỉ đạo các cấp được hưởng chế độ đặc thù trên. Ngoài ra cuộc họp cũng chưa đi đến thống nhất về việc điều chỉnh mức chi hỗ trợ cho lực lượng y tế tuyến đầu thực hiện công việc trực tiếp (lấy mẫu xét nghiệm, thăm khám, điều trị chăm sóc bệnh nhân) tại trạm y tế lưu động, đồng thời đề nghị Sở Y tế thống kê đầy đủ số liệu đối tượng Sở Y tế đề xuất để trình UBND thành phố xem xét, chỉ đạo.

Ngày 17-6-2022, Sở Y tế có Công văn số 4059/SYT-KHTC gửi các cơ quan, đơn vị rà soát các đối tượng chưa được hưởng chính sách hỗ trợ tuyến đầu theo Nghị quyết 12/2021/NQ-HĐND (lần 3). Theo đó, Sở Y tế đề nghị các cơ quan, đơn vị tham gia phòng, chống dịch báo cáo số lượng của các đối tượng: Thành viên ban chỉ đạo các cấp; Tình nguyện viên không có chuyên môn y tế; Lực lượng y tế tuyến đầu thực hiện công việc trực tiếp tại trạm y tế lưu động với thời hạn báo cáo là ngày 2-6-2022. Tuy nhiên, đến ngày 4-7-2022 chỉ có 38 cơ quan, đơn vị, (trong đó có 15 UBND quận, huyện) gửi về Sở Y tế.

Hoàng Hào

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất