Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Lâm Hùng Tấn đã thông tin nhiều vấn đề liên quan đến Công văn số 3086/UBND-VX ngày 16-9-2021 của UBND TP.HCM về việc thay đổi phương thức làm việc của các cơ quan, đơn vị nhà nước phù hợp với các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố từ ngày 16-9 đến ngày 15-1-2022; thời gian này được chia làm 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn có quy định phương thức làm việc khác nhau, cụ thể như sau: Giai đoạn 1: từ ngày 16-9 đến 30-9: Các cơ quan, đơn vị nhà nước chỉ bố trí số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phù hợp và đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa COVID-19 làm việc trực tiếp tại trụ sở cơ quan và đảm báo công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định (tổ chức xét nghiệm, biện pháp 5K,...) và thực hiện nghiêm Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ quan, đơn vị nhà nước; khuyến khích các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện theo phương án “3 tại chỗ” tại trụ sở, “1 cung đường 2 điểm đến" tại địa điểm lưu trú tập trung. Các công việc chỉ được làm việc trực tiếp tại cơ quan, đơn vị như: trực cơ quan; xử lý văn thư đi - đến và các văn bản theo chế độ mật, khẩn; tham mưu xử lý, giải quyết công tác liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 theo chức năng, nhiệm vụ được phân công; thực hiện các nội dung theo Kế hoạch của UBND thành phố về phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn TP.HCM; tiếp nhận, xử lý, giải quyết thủ tục hành chính bằng hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và các thủ tục hành chính đặc biệt, cấp bách. Bố trí không quá 1/3 công chức, viên chức, người lao động làm việc trực tiếp tại đơn vị. Trường hợp các cơ quan, đơn vị cần bố trí nhiều hơn phải có kế hoạch cụ thể và được sự đồng ý của UBND thành phố. Giai đoạn 2: từ ngày 1-10 đến 31-10: Các cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa COVID-19 (hoặc được cấp Thẻ xanh COVID) làm việc trực tiếp tại trụ sở, đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định (tổ chức xét nghiệm, biện pháp 5k,...) và thực hiện nghiêm Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19. Các nội dung được làm việc trực tiếp tại cơ quan, đơn vị như: trực cơ quan; xử lý văn thư đi - đến và các văn bản theo chế độ mật; tham mưu xử lý, giải quyết công tác liên quan phòng, chống dịch COVID-19 theo chức năng, nhiệm vụ được phân công…; tiếp nhận, xử lý, giải quyết thủ tục hành chính bằng hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và các thủ tục hành chính đặc biệt, cấp bách theo danh mục hướng dẫn của UBND thành phố. Số lượng người làm việc: Bố trí tối đa 1/2 tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trực thuộc cơ quan, đơn vị. Các cơ quan, đơn vị có nhu cầu hoặc các đơn vị đặc thù bố trí quá 1/2 tống số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải được UBND thành phố chấp thuận bằng văn bản. Giai đoạn 3: từ ngày 1-11 đến 15-1-2022: Thực hiện các nội dung đã được quy định tại Giai đoạn 1 và các nội dung, như sau: Bố trí làm việc: chỉ bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã được cấp Thẻ xanh COVID làm việc trực tiếp tại trụ sở; đảm bảo công tác phòng, chống dịch COV1D-19 theo quy định (tổ chúc xét nghiệm, biện pháp 5K,...) và thực hiện nghiêm Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ quan, đơn vị nhà nước theo quy định. Số lượng người làm việc: tối đa 2/3 tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trực thuộc cơ quan, đơn vị. Các cơ quan, đơn vị có nhu cầu hoặc các đơn vị đặc thù bố trí quá 1/2 tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao phải được UBND thành phố chấp thuận bằng văn bản. Đối với công tác tiếp nhận, xử lý, giải quyết thủ tục hành chính: khuyến khích, ưu tiên cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và thực hiện tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính thông qua dịch vụ bưu chính công ích nhằm hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp và tập trung đông người tại trụ sở cơ quan, đơn vị. Các cá nhân, đại diện tổ chức đến trực tiếp trụ sở yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính phải được cấp Thẻ xanh COVID. Trường hợp cá nhân, đại diện tổ chức chỉ được cấp Thẻ vàng COVID phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Lâm Hùng Tấn nói về Công văn 3086/UBND-VX. Số bệnh nhân nhập viện vẫn còn cao hơn số xuất viện Tính đến 18 giờ 00 ngày 20-9-2021, có 342.237 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 341.758 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 479 trường hợp nhập cảnh. Hiện Thành phố đang điều trị 40.909 bệnh nhân, trong đó: có 3.661 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.234 bệnh nhân nặng đang thở máy và 23 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 20-9: có 3.566 bệnh nhân nhập viện, có 2.725 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 1-1-2021 đến nay là 174.227), 182 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 1-1-2021 đến nay là 13.626). Về công tác xét nghiệm, từ 18 giờ ngày 19-9-2021 đến 18 giờ 20-9-2021, lực lượng y tế đã lấy 468.216 mẫu xét nghiệm, trong đó có 5.183 mẫu đơn và 12.150 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 362.560 mẫu. Liên quan đến chiến dịch tiêm vắc-xin, tổng số mũi vắc xin đã triển khai tiêm đến ngày 20-9-2021 là 8.876.463 (tăng 102.593 mũi vắc-xin so với ngày 19-9-2021). Trong đó, tổng số mũi 1 là 6.775.637, mũi 2 là 2.100.826, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 1.039.665. Doanh nghiệp quản lý shipper chịu trách nhiệm tổ chức xét nghiệm Ngoài ra, ngày 21-9-2021, UBND TP.HCM có Công văn số 3120/UBND-ĐT về tạo điều kiện thuận lợi công tác xét nghiệm của lực lượng giao hàng shipper tiến tới quản lý bằng công nghệ. Thông tin thêm về Công văn 3120, Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết, kể từ ngày 22-9 đến hết ngày 23-9-2021, các doanh nghiệp và shipper tiến hành tập huấn công tác xét nghiệm và cập nhật thông tin xét nghiệm trên các ứng dụng của doanh nghiệp hoặc sử dụng ứng dụng do Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn. Bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên sẽ do Sở Y tế cung cấp trên cơ sở số lượng đăng ký của shipper với Sở Công thương theo nguyên tắc mẫu gộp ba người, 3 ngày/1lần. Trong thời gian này, các shipper có thể sử dụng kết quả xét nghiệm còn giá trị. Từ ngày 24-9 đến hết ngày 30-9-2021, các doanh nghiệp quản lý shipper chịu trách nhiệm tổ chức xét nghiệm và cập nhật kết quả vào Kho dữ liệu dùng chung của Thành phố theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Cũng theo Phó Giám đốc Sở Công thương, trước đây shipper sử dụng kết quả xét nghiệm bằng giấy để lưu thông qua các chốt kiểm dịch gặp nhiều bất cập và không an toàn. Trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tự thực hiện xét nghiệm cho shipper và chịu trách nhiệm, kết quả sẽ được công bố qua các ứng dụng công nghệ. Qua đó, giúp công tác kiểm soát được thuận tiện, an toàn; việc thực hiện cũng nhanh chóng và tiện lợi hơn. Chứng nhận cho F0 điều trị tại nhà Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Nguyễn Hồng Tâm, trong bối cảnh hiện nay, việc tiêm vắc-xin và chứng nhận F0 hoàn thành cách ly rất quan trọng. TP.HCM đang tăng cường tiếp nhận nguồn vắc-xin được phân bổ, nhanh chóng đưa về các địa phương để triển khai tiêm nhanh, sớm nhất. Về trường hợp chứng nhận cho F0 khỏi bệnh khi tự cách lý điều trị tại nhà, ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã ban hành Văn bản 3936 để hướng dẫn cách thức cho những đối tượng F0 tự điều trị tại nhà. Theo đó, bệnh nhân có thể nhờ trạm y tế, tổ trưởng tổ dân phố, tổ trưởng tổ chăm sóc F0 tại nhà, đại diện ban quản lý chung cư,… xác nhận và gửi cho ban chỉ đạo phòng, chống, dịch COVID-19 phường, xã để làm cơ sở pháp lý cho việc cấp Thẻ xanh sau này. Về chăm sóc người mắc COVID-19 gặp vấn đề tâm lý Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu, các bác sĩ chăm sóc F0 sẽ mời hội chẩn với bác sĩ ở Bệnh viện Tâm thần thành phố khi bệnh nhân gặp vấn đề về tâm lý. Đến nay, Bệnh viện Tâm thần thành phố đã làm việc với hơn 70 cơ sở có bệnh nhân có triệu chứng trên và trực tiếp thăm khám, cung cấp thuốc điều trị. Trước phản ánh các gói thuốc C đang được mua bán trên thị trường “chợ đen”, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, trên nguyên tắc, gói thuốc C khi sử dụng điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại nhà, tại bệnh viện phải được quản lý chặt chẽ, dưới sự kiểm soát đặc biệt của Bộ Y tế. Các cơ quan y tế có nhiệm vụ theo dõi bệnh nhân hằng ngày trong quá trình họ sử dụng thuốc. Thuốc không sử dụng hết phải trả về cho Sở Y tế để quản lý. Sở cũng thành lập 8 đoàn kiểm tra để quản lý việc cấp các gói thuốc A, B, C. “Trước tình trạng rao bán các gói thuốc C trên mạng, ngày 21-9, Sở Y tế đã có Văn bản 6788 nhắc lại vấn đề sử dụng và quản lý chặt chẽ gói thuốc C. Thanh tra Sở Y tế và Công an thành phố đang tìm hiểu, điều tra vấn đề rao bán thuốc và sẽ xử lý các trường hợp vi phạm nếu có”, bác sĩ Châu chia sẻ.
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu phát biểu tại Họp báo. Gom F0 vào khu cách ly là do hiểu nhầm Trả lời về phản ánh của cơ quan báo chí, hiện nay có hiện tượng gom tất cả F0 vào khu cách ly tại một số địa phương, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, lãnh đạo Sở đã nắm được tình hình trên là do hiểu nhầm, Sở đã có công văn chấn chỉnh, nhắc nhở các quận, huyện. “Chủ trương hiện nay của Thành phố là các trường hợp F0 đủ điều kiện theo dõi, chăm sóc có thể cách ly tại nhà. Trong chiến lược điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-10 sắp tới, TP.HCM đẩy mạnh việc chăm sóc F0 tại nhà, cộng đồng, củng cố hệ thống điều trị để không xảy ra tình trạng bệnh nặng, tử vong”, ông Châu nói. Phó Giám đốc Sở Y tế cũng thông tin thêm, trong thời gian tới, kế hoạch của TP.HCM là giảm dần các khu cách ly tập trung theo lộ trình. Từ ngày 16-9 đến 30-9 Thành phố sẽ chuyển đổi trở lại các bệnh viện đa khoa tại Quận 7, huyện Củ Chi và huyện Nhà bè trở về công năng ban đầu để điều trị các bệnh thông thường; bên cạnh đó, các bệnh viện này sẽ bố trí thêm một số giường để tiếp nhận, cấp cứu bệnh nhân COVID-19. H.Hào |