Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam”
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Lễ khai mạc.
Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” tổ chức nhân kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18-11-1930 - 18-11-2013), chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23-11-2013). Đây cũng là hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc Việt Nam, góp phần xây dựng, củng cố, tăng cường giao lưu, gắn kết cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” kéo dài từ ngày 18 đến ngày 24-11-2013.

Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Đại đoàn kết dân tộc là truyền thống và di sản văn hóa quý báu của dân tộc ta, được hun đúc qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đại đoàn kết các dân tộc, tập hợp mọi tầng lớp nhân dân dưới ngọn cờ đại nghĩa đã tạo nên sức mạnh vô địch để dân tộc ta chiến đấu và chiến thắng, vượt qua mọi thách thức của lịch sử. Từ khi thành lập, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn coi trọng việc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, không phân biệt giai cấp, dân tộc, tôn giáo, tạo nên sức mạnh vô địch đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, làm nên thắng lợi lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược của những thế lực thực dân, đế quốc hùng mạnh nhất thời đại, giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Ngày nay, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc vẫn là nguồn lực quan trọng nhất, mạnh mẽ nhất để Đảng ta, nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đảng, Nhà nước ta lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng để tập hợp đoàn kết mọi người vào mặt trận chung.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, để xây dựng và củng cố đại đoàn kết toàn dân tộc phải giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc để các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, thương yêu, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ. Đây là nhiệm vụ chiến lược của đất nước ta, của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở và cần phải được thực hiện qua những việc làm hết sức phong phú, sinh động, thiết thực, cụ thể, từ miền xuôi đến miền ngược, từ biên giới, hải đảo, từ bàn tay, khối óc của mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sỹ các lực lượng vũ trang, của đồng bào 54 dân tộc anh em.

Ngay sau phần lễ là chương trình nghệ thuật với chủ đề xuyên suốt là tinh thần đại đoàn kết các dân tộc - di sản quý báu nhất của toàn dân tộc. Đó cũng là sợi dây kết nối bền chặt và sức mạnh nguồn cội của ý chí, nghị lực Việt Nam. Tư tưởng, thông điệp đó được thể hiện bằng những thủ pháp, ngôn ngữ của nghệ thuật qua sự trình diễn của 300 diễn viên chuyên nghiệp, không chuyên và đồng bào các dân tộc đã giới thiệu, tôn vinh những nét đặc sắc, những giá trị văn hóa riêng có của mỗi vùng miền.


   Rực rỡ đêm khai mạc.

Những ca khúc, màn hát múa... được dàn dựng công phu đã mang đến một không gian đa dạng mà hòa quyện các giá trị văn hóa, nghệ thuật của 54 dân tộc. Quá trình xây dựng chùa Khmer tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cùng màn hát múa tái hiện lễ hội Ok Om Bok, một nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer cũng mang lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng công chúng.

Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản văn hóa Việt Nam” có sự tham gia của 17 cộng đồng dân tộc gồm 400 người đến từ 13 tỉnh, thành như Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang. Đặc biệt, nhiều lễ hội đặc sắc sẽ được tái hiện trong khuôn khổ tuần lễ này như: không gian văn hóa chợ nổi Nam Bộ; chợ vùng cao phía Bắc; hội đua bò Bảy Núi; lễ hội Ok Om Bok; lễ hội Nàng Hai; lễ mừng nhà mới; nghi lễ cưới của người H’Mông; lễ kết nghĩa của dân tộc Mơ Nông và Ê đê…

Tuần lễ còn có nhiều chương trình, hoạt động khác như Trại sáng tác điêu khắc Tây Nguyên; chương trình giao lưu đoàn kết các dân tộc; triển lãm, giới thiệu Văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam; hội thảo với chủ đề: “Giải pháp để bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiếu số trong giai đoạn hiện nay”; các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật và giao lưu giữa cộng đồng các dân tộc.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất