Chưa có một thống kê đầy đủ nhưng nếu tính đến thời điểm đầu năm 2017, khi PGS, TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường (Phó Chủ tịch Thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội) tuyển chọn và biên soạn tập sách nhạc “Vị tướng của lòng dân” (NXB Quân đội nhân dân) thì đã có đến 91 ca khúc và 8 bản hợp xướng (tuyển chọn từ 127 tác phẩm gửi về) viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Giới âm nhạc cũng nhận định số lượng ca khúc về Đại tướng chỉ đứng sau Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Giây phút Đại tướng Võ Nguyên Giáp chơi đàn đã được ống kính của nghệ sĩ nhiếp ảnh ghi lại (Ảnh: Tư liệu).
Nếu xét theo góc độ thời gian thì có thể chia các sáng tác âm nhạc về Đại tướng thành 3 giai đoạn: Trước khi Đại tướng qua đời, khi Đại tướng qua đời và sau khi Đại tướng qua đời. Nếu xét theo góc độ thể loại âm nhạc thì có thể chia làm 2 loại, là hợp xướng và ca khúc. Mỗi một giai đoạn, mỗi một thể loại các nhạc sĩ đã có cách triển khai khác nhau nhưng tựu trung lại đã nói lên tình cảm, sự ngưỡng mộ về tài năng, nhân cách của Người – vị tướng của lòng dân, “vị tướng 5 sao” huyền thoại của dân tộc Việt Nam.
Là người lính, Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho đã trăn trở suốt mấy chục năm mới sáng tác được bản hợp xướng “Có một khu rừng như thế” và đây có thể xem là sáng tác đầu tiên viết về Người. Dù là tác giả của những tác phẩm nổi tiếng về người lính, như: “Tiến bước dưới quân kỳ”, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” (thơ Hữu Thỉnh)… nhưng viết về Đại tướng vẫn một thử thách không hề nhỏ như ông chia sẻ: “Làm sao viết để toát lên vị Đại tướng văn - võ song toàn, trong văn có võ, trong võ có văn là điều rất khó”. Đây cũng là tác phẩm ít ỏi mà Đại tướng được thưởng thức và lại thưởng thức vào dịp đặc biệt, đó là dịp sinh nhật lần thứ 90 của Người.
Cùng thể loại hợp xướng, lịch sử âm nhạc còn ghi nhận những tác phẩm, như: “Tướng Giáp Việt Nam” (nhạc Đặng Nhất Mai, phỏng thơ Nguyễn Đức Thắng); “Những đoàn quân như sóng” (nhạc Đức Trịnh, lời thơ Lê Cảnh Nhạc); “Hát về Người Đại tướng của nhân dân” (nhạc Lê Gia Hiếu, thơ Tống Minh Lung)... Ngoài ra, viết trong thời điểm Người còn sống còn có một số ca khúc nổi bật, như: “Hạt cát ấy, bông hoa ấy” (Văn Chừng), “Noi gương anh Cả toàn quân” (Đào Sơn), “Vị tướng già bên cây trầm hương” (Phạm Huy Thanh), “Đại tướng của chúng ta” (Nguyễn Lân Hùng)…
Mùa thu năm 2013, khi Đại tướng qua đời, trái tim của giới âm nhạc quặn thắt hòa nhịp với nhân dân cả nước và một loạt tác phẩm đã ra đời trong những ngày đau thương đó. Có thể kể đến, như: “Một con người bình dị đã ra đi” (nhạc Phạm Minh Tuấn, thơ Nguyễn Trọng Tạo), “Người lính ấy” (nhạc Lư Nhất Vũ, thơ Hoàng Vũ Thuật), “Huyền thoại một vị tướng” (Trương Quang Lục), “Huyền thoại Võ tướng” (Đoàn Bổng), “Đại tướng” (Nguyễn Văn Hiên), “Còn mãi với mùa thu” (nhạc Quỳnh Hợp, thơ Anh Ngọc), “Vị tướng trong lòng dân” (Lê Vinh Phúc), “Võ Nguyên Giáp, tên Người ngời sáng niềm tin” (Bùi Anh Tôn), “Tiếng đàn” (An Thuyên)…
Lúc sinh thời, Thiếu tướng, nhạc sĩ An Thuyên cho biết ca khúc “Tiếng đàn” ra đời chỉ trong vòng 15 phút ngắn ngủi nhưng chứa đựng trong đó là tình cảm của biết bao người con đất Việt một lòng tiếc thương cho vì tinh tú cao quý vào hàng bậc nhất trời Nam thế kỷ XX. Đại tướng là một con người đặc biệt, bởi ở tuổi cao nhưng Người học chơi đàn Piano vô cùng nghiêm túc và chơi khá bài bản. Đại tướng vẫn luôn thích chơi đàn dương cầm vào những buổi chiều yên bình. Đặc biệt, câu hát chính trong ca khúc này lại là đoạn điệp khúc nhắc đến bốn tiếng đàn: “Tiếng đàn vị tướng”, “Tiếng đàn đồng chí”, “Tiếng đàn Tổ quốc”, “Tiếng đàn Đại tướng” khiến cho người nghe có cảm giác không có sự mất mát đau thương nào, mà tất cả đang hiện hữu. Đại tướng vẫn ngồi bên phím đàn, từng nốt nhạc vang lên trong chiều thu gió nhẹ.
Sẽ là thiếu sót nếu nhắc đến những ca khúc về Đại tướng lại không nhắc đến nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường. Nói vậy không chỉ bởi ông đã dày công tuyển tập và biên soạn tập sách âm nhạc đầu tiên và duy nhất (cho đến thời điểm này) về Đại tướng mà ông còn là tác giả của ca khúc “Vị tướng của lòng dân”. Trong rất nhiều mỹ từ mà mọi người gọi Đại tướng thì có lẽ “Vị tướng của lòng dân” là cụm từ mà nhiều người dùng nhất và có lẽ cũng là sâu sắc nhất, đầy đủ nhất, hàm chứa được tình cảm của Đại tướng trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
Bên cạnh các nhạc sĩ lớn tuổi, những người đã sống trong thời chiến và có may mắn được gặp Đại tướng thì cũng đã có những nhạc sĩ sinh ra trong hòa bình, chỉ được biết về Người qua những tư liệu được đọc, được xem trên sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng. Có thể kể đến như Đại úy, nhạc sĩ 8X Dương Trọng Thành (Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội) với ca khúc “Đại tướng - Người sống mãi với non sông” (thơ Vi Sư Đường) hay Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Phương Thảo với “Đất mẹ ngày về”. Họ có thể coi là đại diện cho góc nhìn của những người trẻ nhìn nhận về Đại tướng bằng sự cảm phục, sự mến yêu và cũng là thể hiện đạo lý “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” tốt đẹp của dân tộc.
Kể từ năm 2017 khi tập sách nhạc “Vị tướng của lòng dân” ra đời cho đến nay cũng đã có nhiều sáng tác về Đại tướng, nhất là mỗi dịp mùa thu về. Mùa thu rất đặc biệt, đó là mùa mà Đại tướng ra đời ở làng An Xá (xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) bên dòng sông Kiến Giang thơ mộng, là mùa mà Người mất đi ở giữa lòng Thủ đô rồi cuối cùng về nằm nghỉ ngàn đời ở Vũng Chùa – Đảo Yến, nơi quê nhà Quảng Bình thân thương. Đó cũng là mùa gắn liền với Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, sự kiện có thể coi là đặc biệt với dân tộc thế kỷ XX gắn liền với thế hệ lãnh đạo cách mạng tiền bối, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh và người học trò xuất sắc Võ Nguyên Giáp.
Năm nay, hướng đến kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Người trong thời điểm COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Nhiều chương trình nghệ thuật phải tạm gác lại nhưng bằng trái tim mình các nhạc sĩ vẫn sáng tác về Đại tướng từ ý thức tự thân. Trong đó đáng chú ý Đại úy, nhạc sĩ Lê Đức Trí (Đội trưởng Đội Tuyên truyền văn hóa, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình) đã sáng tác ca khúc “Bất tử” (thơ Nguyễn Trọng Tạo) được Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Quảng Bình giới thiệu trang trọng. Lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã có thời gian dài vinh dự được canh giữ giấc ngủ ngàn thu khi Người về với đất mẹ và vì thế với nhạc sĩ Đức Trí bài hát không chỉ là nỗi lòng của cá nhân anh mà còn là nỗi lòng, tình cảm của những người lính Biên phòng Quảng Bình với người con ưu tú của quê hương Quảng Bình đầy nắng và gió. Một điều rất thú vị là người thể hiện ca khúc này lại chính là người đồng hương của Đại tướng - Thiếu tá, ca sĩ Viết Danh (Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội). Chính vì những lẽ đó mà người nghe cảm nhận được lắng sâu nhưng vô cùng mạnh mẽ, hào hùng khi giai điệu của “Bất tử” vang lên. Bài hát như một sự khẳng định Đại tướng mất đi nhưng đã trở thành bất tử trong lòng nhân dân.
Những ngày này dân tộc Việt Nam đang bước vào “cuộc chiến” căng thẳng với đại dịch COVID-19, khi mà đâu đó có những sự lo lắng thì những ca khúc về Đại tướng vang lên như thắp lên niềm tin về chiến thắng như những cuộc chiến hiển hách thế kỷ XX mà Đại tướng đã trực tiếp cầm quân trên vai trò Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. “Vị tướng 5 sao” đã về với “thế giới người hiền” 8 năm nhưng ở thời điểm này và còn rất rất lâu nữa những chiến công và cả những ca khúc về Người thì vẫn sống mãi cùng thời gian, như khắc ghi dấu son hào hùng của dân tộc. Điều mà giới nhạc sĩ và công chúng ghi nhận là chưa hề có cuộc vận động sáng tác nhưng số lượng tác phẩm âm nhạc về Đại tướng là không hề nhỏ, chừng đó cho thấy Người là nguồn cảm hứng dồi dào, bất tận trong lòng những người sáng tác âm nhạc nước nhà.
Ngô Khiêm