Ngay từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện ở nước ta, với việc nhìn nhận rõ những tác động của đại dịch, Chỉnh phủ đã kịp thời có những biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương có thể vượt qua đại dịch. Trong đó, có thể thấy rõ vai trò chủ đạo của các chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH).
Những quyết sách kịp thời
Ngày 9-4-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19-10-2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó nêu rõ: “Người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 50% lao động tham gia BHXH trở lên so với thời điểm cơ quan có thẩm quyền công bố dịch (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa không quá 12 tháng”. Kết quả đã thực hiện được hơn 33 ngàn tỷ đồng cho gần 14,5 triệu đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, trong đó BHXH Việt Nam đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với 1.846 đơn vị/doanh nghiệp cho 192.503 lao động với tổng số tiền tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trên 786 tỷ đồng.
Trước những tác động nặng nề của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 (kể từ 27-4-2021), Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đưa ra 12 chính sách hỗ trợ, trong đó nguồn từ quỹ BHXH, quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và quỹ bảo hiểm tai nạn, bệnh gồm: (1) Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Người sử dụng lao động được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (thời gian từ ngày 1-7-2021 đến hết ngày 30-6-2022) cho người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (trừ cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách nhà nước). Người sử dụng lao động hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động phòng, chống đại dịch COVID-19; (2) Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất: Người sử dụng lao động đã đóng đủ BHXH hoặc đang tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 4-2021 mà bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 15% lao động tham gia BHXH trở lên so với thời điểm tháng 4-2021 (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 6 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị. Đối với trường hợp đã được giải quyết tạm dừng đóng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19-10-2020 của Chính phủ, nếu đủ điều kiện thì vẫn được giải quyết nhưng tổng thời gian tạm dừng đóng không quá 12 tháng. (3) Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động: Người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ BHTN khi đóng đủ BHTN cho người lao động từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; thay đổi cơ cấu công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động; có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020; có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo quy định. Mức hỗ trợ tối đa là 1.500.000 đồng/người lao động/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ được nộp trong thời gian từ ngày 1-7-2021 đến hết ngày 30-6-2022. Kết quả triển khai đến nay, nhóm chính sách bảo hiểm có tổng kinh phí hỗ trợ là gần 5,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 30,6% kinh phí dự kiến chính sách về bảo hiểm của Nghị quyết 68), hỗ trợ cho 378.690 đơn vị sử dụng lao động và trên 11,57 triệu người lao động. Cơ quan BHXH đã rà soát và thông báo cho 378.060 đơn vị sử dụng lao động với gần 11,46 triệu người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ tháng 7-2021 đến hết tháng 6-2022 với tổng số tiền (tạm tính) khoảng 4.322 tỷ đồng. Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đã được thực hiện tại 54/63 tỉnh, thành phố trong cả nước với tổng số 630 đơn vị sử dụng lao động và 113.444 người lao động, tổng kinh phí 777 tỷ đồng (chiếm 9,2% kinh phí dự kiến ban đầu của chính sách này). Đối với chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, có 17 đơn vị sử dụng lao động đã đề nghị cơ quan BHXH xác nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho 1.308 người lao động.
Gần đây nhất, ngày 24-9-2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ quỹ BHTN, nêu rõ: (1) Hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ kết dư Quỹ BHTN: Người lao động đang tham gia BHTN tại thời điểm ngày 30-9-2021 (không bao gồm người lao động đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên); Người lao động đã dừng tham gia BHTN do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-2020 đến hết ngày 30-9-2021 có thời gian đóng BHTN được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người hưởng lương hưu hàng tháng. Với mức hỗ trợ từ 1.800.000 đồng/người đến 3.300.000 đồng/người); (2) Giảm mức đóng vào quỹ BHTN định tại Điều 43 của Luật Việc làm (không bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên) đang tham gia BHTN trước ngày 1-10-2021. Mức giảm đóng: Người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia BHTN. Thời gian thực hiện giảm mức đóng là 12 tháng, kể từ ngày 1 tháng 10 năm 2021 đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2022. Dự kiến khoảng hơn 13 triệu lao động và khoảng 386 nghìn đơn vị sử dụng lao động được thụ hưởng chính sách hỗ trợ từ quỹ BHTN.
Bên cạnh đó, với việc tổ chức thực hiện các chính sách kịp thời, giảm tối thiểu các thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, do vậy các gói hỗ trợ nêu trên đã kịp thời đến với người dân, người lao động và doanh nghiệp để có thể vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch.
Đồng bộ các giải pháp
Với kết quả nêu trên tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của các quỹ BHXH, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, người dân và hỗ trợ sản xuất - kinh doanh của người lao động. Để tiếp tục đóng vai trò trụ cột trong các chính sách an sinh xã hội, trong thời gian tới theo chúng tôi chính sách BHXH cần tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền về tính ưu việt của chính sách BHXH, BHTN, BHXH tự nguyện, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về chính sách bảo hiểm, đặc biệt là vai trò của chính sách BHXH trong việc hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 sẽ củng cố hơn nữa niềm tin của mọi người dân, doanh nghiệp vào mục tiêu an sinh xã hội rất quan trọng của BHXH.
Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách BHXH, BHTN theo hướng mở rộng đối tượng tham gia BHXH kể cả bắt buộc và tự nguyện, chính sách BHTN cần quan tâm đến việc hỗ trợ về đào tạo nghề và nâng cao trình độ nghề nghiệp, kết nối cung - cầu để sớm đưa người lao động trở lại thị trường lao động.
Thứ ba, tăng cường sự phối hợp trong thực hiện và tuyên truyền về chính sách BHXH như: sự phối hợp với các tổ chức công đoàn, hội phụ nữ, liên minh hợp tác xã, đoàn thanh niên,… cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành để tạo sự đồng thuận, đồng bộ trong quá trình đưa chính sách BHXH đến mọi người dân, người lao động, doanh nghiệp mới đảm bảo được hết tính ưu việt trong thực hiện và mở rộng độ bao phủ của chính sách BHXH, BHTN, đặc biệt là đối với chính sách BHXH tự nguyện.
Thứ tư, nâng cao chất lượng công tác dự báo nhu cầu tham gia, đánh giá khả năng tham gia của người lao động nói riêng và người dân nói chung để tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách có liên quan ngày một phù hợp và hấp dẫn hơn người dân trong việc tham gia BHXH. Việc thiết kế chính sách (về đối tượng, mức đóng, chế độ hưởng…) cũng cần linh hoạt hơn nữa. Ví dụ, nghiên cứu có lộ trình mở rộng các chế độ ngắn hạn và linh hoạt đối với chính sách BHXH tự nguyện để hấp dẫn và công bằng hơn trong các nhóm đối tượng tham gia BHXH. Đồng thời, cần có những biện pháp để chủ động hơn trong việc ứng phó với các rủi ro lớn có thể xảy ra như ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 hiện nay để kịp thời hỗ trợ người dân, người lao động và doanh nghiệp.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính, đồng bộ, chia sẻ cơ sở dữ liệu về BHXH, BHYT, BHTN trong việc giải quyết chế độ; đồng bộ hóa và có hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia để quản lý, theo dõi, giám sát cũng như thiết kế chính sách BHXH, đồng thời tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo sự đồng bộ, toàn diện trong các khâu thực hiện chính sách BHXH.
Thu Trang