Để tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách BHXH, BHYT, trong thời gian qua, BHXH Việt Nam xác định công tác thông tin, truyền thông luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành; đồng thời, ưu tiên tập trung mọi nguồn lực để triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh, đổi mới công tác thông tin, truyền thông về BHXH, BHYT theo hướng hiện đại, đa dạng, linh hoạt, phù hợp. Trong đó, việc phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí được Ngành đặc biệt coi trọng, triển khai theo hướng chuyên nghiệp, bài bản, thiết thực, hiệu quả với tần suất cao, phạm vi rộng, hướng tới cơ sở và đến với mọi nhóm đối tượng.
Công tác phối hợp và cung cấp thông tin cho báo chí
Chủ động phối hợp truyền thông với các cơ quan thông tấn, báo chí
Trong năm 2021, BHXH Việt Nam tiếp tục chủ động phối hợp với 4 cơ quan truyền thông quốc gia, các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh triển khai các hoạt động truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN trên tất cả các loại hình báo chí, hướng tới các nhóm đối tượng độc giả, khán - thính giả trong cả nước. Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo BHXH các địa phương duy trì mối quan hệ phối hợp với các cơ quan báo chí địa phương, tổ chức các hoạt động truyền thông chính sách BHXH, BHYT trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.
Chủ động cung cấp thông tin, tạo điều kiện tối đa cho các cơ quan báo chí tác nghiệp
Nhằm kịp thời cập nhật những chính sách mới về BHXH, BHYT, BHTN, thực hiện Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Ngành BHXH Việt Nam, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, năm 2021, BHXH Việt Nam đã tổ chức thành công 2 Hội nghị cung cấp thông tin về chính sách BHXH, BHYT, BHTN cho các nhà báo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí. Qua đó, đã thông tin kịp thời những quy định mới về BHXH, BHYT, BHTN; thông tin trúng những vấn đề dư luận xã hội đang quan tâm... giúp các nhà báo, phóng viên truyền tải thông tin đến với người dân đầy đủ, chính xác, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần định hướng dư luận và củng cố niềm tin của Nhân dân vào chính sách, pháp luật, từ đó tích cực, chủ động tham gia BHXH, BHYT.
Bên cạnh cơ chế cung cấp thông tin qua hình thức tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin, để kịp thời truyền thông về chính sách BHXH, BHYT, BHTN ngay sau khi có quy định mới, cũng như hoạt động nổi bật của ngành BHXH Việt Nam, nhất là trong bối cảnh trong năm 2021 có nhiều quyết sách của Chính phủ, giải pháp của Ngành được triển khai để hỗ trợ người tham gia BHXH, BHYT gặp khó khăn do đại dịch, BHXH Việt Nam đã chủ động, linh hoạt, tăng cường hoạt động cung cấp thông tin cho báo chí thông qua hình thức gửi nhóm email, zalo đến các cơ quan báo chí Trung ương, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và BHXH 63 tỉnh, thành phố (để cung cấp tới các cơ quan báo chí tại mỗi địa phương). Hình thức này đảm bảo việc cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí một cách chính thống, nhanh chóng, kịp thời, chính xác, thuận tiện, đảm bảo các quy định phòng, chống dịch Covid-19.
Song song đó, BHXH Việt Nam và BHXH các địa phương luôn tạo điều kiện tối đa cho các nhà báo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí tiếp cận thông tin về BHXH, BHYT. Trong năm 2021, toàn Ngành đã hỗ trợ khoảng 60 lượt các nhà báo, phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương tác nghiệp, thực hiện ghi hình phóng sự, trả lời phỏng vấn, tham gia tọa đàm,… tại các địa phương trong cả nước nhằm truyền tải, giải đáp, định hướng thông tin chính sách BHXH, BHYT, BHTN kịp thời tới Nhân dân.
Có thể nói, năm 2021 là năm mà số thông tin báo chí của Ngành BHXH Việt Nam cung cấp thông tin tới các cơ quan thông tấn, báo chí nhiều nhất từ trước tới nay, cụ thể: BHXH Việt Nam đã cung cấp hơn 130 thông tin báo chí, bản tin, thông tin tham khảo (gấp 1,8 lần so với trong năm 2020) tới các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và tại 63 tỉnh, thành phố; trung bình mỗi tháng phát hành 11 thông tin báo chí, bản tin, thông tin tham khảo.
Nội dung truyền thông ngày càng được được đổi mới rõ nét, có trọng tâm, trọng điểm theo sát các vấn đề được dư luận và Nhân dân quan tâm
Nội dung truyền thông về chính sách BHXH, BHYT nói chung và trên báo chí nói riêng ngày càng được đổi mới rõ nét. Song song với việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, các cơ quan báo chí đã đặc biệt tăng cường truyền thông về: ý nghĩa, vai trò, lợi ích, tính nhân văn của chế độ BHXH, BHYT, đặc biệt là chế độ BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; các gương người tốt, việc tốt, sáng kiến hay, hữu ích trong thụ hưởng và thực hiện các chính sách BHXH, BHYT, BHTN; các thông tin cảnh báo thông tin “xấu - độc” về BHXH, BHYT, BHTN;… góp phần định hướng dự luận, củng cố niềm tin của Nhân dân vào các chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước.
Bên cạnh các nội dung truyền thông thường xuyên, liên tục về chính sách BHXH, BHYT, trong năm qua, các cơ quan báo chí còn đẩy mạnh truyền thông cao điểm gắn với các chủ đề mang tính thời sự, đáp ứng yêu cầu thực tiễn như: Những nỗ lực và giải pháp của Ngành BHXH Việt Nam trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn do dịch Covid-19, theo tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ; Những tiện ích của ứng dụng VssID, từ đó khuyến khích người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng; Truyền thông khuyến cáo người lao động không nên nhận BHXH một lần; Truyền thông nhằm cảnh báo người dân trước những chiêu trò lừa đảo của một số đối tượng lợi dụng việc nhận hỗ trợ từ quỹ BHTN để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của cá nhân… Các đợt truyền thông cao điểm này đã đem lại những hiệu ứng rất tích cực, góp phần khẳng định lợi ích, tính ưu việt của chính sách BHXH, BHYT trong việc đảm bảo an sinh xã hội, giúp người lao động ổn định cuộc sống nhất là trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19 tác động.
Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông trước - trong - sau sự kiện/sự việc, gắn với các sự kiện, ngày kỷ niệm của Ngành: Ngày thành lập Ngành, Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân, Ngày BHYT Việt Nam, nhân dịp năm học mới…. Trước đây, chưa quan tâm đúng mức đến truyền thông trước sự kiện/sự việc để định hướng dư luận, cũng như truyền thông sau sự kiện/sự việc để thông tin về kết quả, ý nghĩa, sự lan tỏa của sự kiện/sự việc.
Đa dạng các hình thức, phương thức truyền thông hiện đại và linh hoạt, thích ứng với tình hình dịch Covid-19
Năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, vai trò cầu nối của các cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác thông tin, truyền thông chính sách BHXH, BHYT, BHTN đến với người dân càng được tăng cường và sâu sắc hơn. Hầu như hằng ngày trên sóng của Đài Phát thanh, Đài Truyền hình, trên các mặt báo/tạp chí in, báo/tạp chí điện tử ở Trung ương và địa phương đều có các tin, bài, phóng sự, tọa đàm… tuyên truyền về BHXH, BHYT và BHTN.
Đáng chú ý, tận dụng thời điểm giãn cách xã hội, người dân sử dụng truyền hình, mạng xã hội nhiều hơn, BHXH Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương tăng cường công tác truyền thông qua kênh báo hình, báo nói và báo/tạp chí điện tử với số lượng, tần suất các tin, bài, phóng sự, chuyên mục tuyên truyền về BHXH, BHYT, BHTN ngày một tăng.
Đặc biệt, tận dụng lợi thế lợi thế của truyền thông trực tuyến, truyền thông hiện đại, bên cạnh các loại hình truyền thông truyền thống, năm 2021, các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục đẩy mạnh truyền thông chính sách BHXH, BHYT thông qua các thể loại báo chí mới như: Tọa đàm trực tuyến, Infographic, Megastory/ Longform/Emagazine, Podcast… Qua đó, giúp các sản phẩm truyền thông về BHXH, BHYT, BHTN trở nên hấp dẫn, thân thiện, mang tính trực quan, dễ dàng tiếp nhận hơn đối với độc giả, thể hiện rõ hiệu quả trong việc đổi mới loại hình báo chí truyền thông về BHXH, BHYT, BHTN.
Truyền thông hướng đến cơ sở và các nhóm đối tượng đặc thù
Để truyền thông chính sách BHXH, BHYT với nhiều thông tin đa chiều, có giá trị thực tiễn, mang đậm hơi thở cuộc sống, các cơ quan thông tấn, báo chí đã tăng cường thực hiện nhiều tuyến tin, bài đi sâu phản ánh công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN tại các địa phương; cổ vũ, động viên kịp thời những doanh nghiệp thực hiện tốt BHXH, BHYT tốt; nêu tên, phê phán các đơn vị, người SDLĐ chưa chấp hành nghiêm chỉnh các chế độ, chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT; truyền thông qua các nhân vật thực tế; truyền thông lan tỏa cảm hứng qua các tổ chức, cá nhân làm công tác thiện nguyện....
Đặc biệt, thực hiện mục tiêu đảm bảo sự tăng trưởng bền vững trong mở rộng tỷ lệ bao phủ BHYT và thúc đẩy phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, các cơ quan thông tấn, báo chí còn có nhiều bài viết truyền thông, vận động đối với nhóm chủ thể là nông dân và lao động khu vực phi chính thức; nêu gương người thực, việc thực trong công tác phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình... để phát triển, duy trì người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Đồng thời, tiếp tục chú trọng đến nhóm đối tượng độc giả là đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các ấn phẩm tuyên truyền được biên tập riêng cho nhóm đối tượng này như các Poster, ấn phẩm báo, tạp chí, đặc san phát miễn phí đến tận tay cho các già làng, trưởng bản, người có uy tín cũng được được BHXH Việt Nam triển khai sâu rộng, tạo những hiệu quả truyền thông nhất định.
Kết quả thực hiện
Trong năm qua, công tác phối hợp truyền thông giữa BHXH Việt Nam với các cơ quan thông tấn, báo chí được được tiến hành chặt chẽ, hiệu quả, ngày càng có nhiều đổi mới và đạt nhiều kết quả tích cực: Độ bao phủ rộng hơn; tần suất thường xuyên hơn; hình thức truyền thông đa dạng; nội dung truyền thông phong phú, đúng định hướng, trọng tâm, trọng điểm và theo sát các vấn đề được dư luận và Nhân dân quan tâm.
Trong năm 2021, số lượng tin, bài, phóng sự, chuyên trang/chuyên mục trên báo in, cũng như các chương trình cố định trên truyền hình về lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN đều tăng so với các năm trước. Kết quả, đã có trên 31.300 tin, bài, phóng sự được các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương phát sóng và đăng tải (lần lượt tăng gấp 1,9 lần; 2,4 lần; 3,1 lần so với các năm 2020, 2019, 2018), trung bình mỗi ngày có gần 90 tin, bài, phóng sự trên các báo giúp lan tỏa chính sách BHXH, BHYT đến đông đảo người lao động và Nhân dân. Các tin, bài, chương trình, phóng sự... đều được đăng tải kịp thời, với chất lượng thông tin ngày càng chuyên sâu, được đẩy mạnh ở tất cả các thể loại báo chí, với nội dung, hình thức linh hoạt phù hợp trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Đồng thời chú trọng việc tổ chức các hoạt động truyền thông theo chiến dịch, theo chủ đề và truyền thông cao điểm nhằm thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo Nhân dân, từ đó tạo sự lan tỏa tích cực trong việc chấp hành chính sách, pháp luật BHXH, BHYT.
Năm 2021, BHXH Việt Nam tiếp tục nhận được sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ, nhiệt tình và hiệu quả của các cơ quan thông tấn, báo chí và các nhà báo, phóng viên, biên tập viên trong việc triển khai đồng bộ các hoạt động truyền thông chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan thông tấn, báo chí đã góp phần quan trọng cùng Ngành thực hiện thắng lợi mục tiêu “kép”: vừa hoàn thành các nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn, thách thức, vừa thực hiện thành công, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Trong đó, kết quả nổi bật phải kể đến là độ bao phủ BHXH, BHYT liên tục tăng và mở rộng: Đến hết ngày 31-12-2021, số người tham gia BHXH là hơn 16,5 triệu người, trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là gần 15,1 triệu người; Số người tham gia BHXH tự nguyện là gần 1,45 triệu người, đạt 2,96% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức, vượt 1,96% chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW. Số người tham gia BHYT đạt hơn 88,8 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số.
Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, các chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp chưa có trong tiền lệ đã nhanh chóng được ban hành. Theo đó, công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn do dịch bệnh Covid-19, đảm bảo phục vụ tốt nhất quyền lợi của doanh nghiệp, người dân được BHXH Việt Nam thực hiện kịp thời theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, cụ thể: số tiền khoảng 13.036 tỷ đồng do được miễn giảm đóng lần lượt vào các quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; quỹ hưu trí, tử tuất và quỹ BHTN đã được gần 900 ngàn đơn vị sử dụng lao động dùng để phục vụ cho công tác phòng chống dịch, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động và duy trì phát triển sản xuất; gần 13 triệu người tham gia BHTN được nhận tiền hỗ trợ từ quỹ BHTN với tổng số tiền gần 30 ngàn tỷ đồng để ổn định cuộc sống trong lúc khó khăn;...
Có thể nói, trong năm 2021, các cơ quan thông tấn, báo chí đã thực hiện tốt vai trò là cầu nối tuyên truyền đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT vào cuộc sống; góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào hệ thống chính sách an sinh xã hội của đất nước. Nhiều bài báo, phóng sự truyền hình... về BHXH, BHYT được đầu tư công phu, bài bản, kịp thời thông tin về những thay đổi trong chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, giúp người dân hiểu rõ về chính sách, tạo sự đồng thuận trong khâu tổ chức thực hiện, đưa chính sách đi sâu vào cuộc sống.
Đặc biệt, báo chí cũng trở thành “kênh” thông tin quan trọng trong việc phát hiện, cảnh tỉnh, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT và phòng chống tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, quỹ BHYT, thông qua hàng loạt các bài viết, phóng sự phản ánh về tình hình trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, lợi dụng, trục lợi quỹ khám, chữa bệnh BHYT, quỹ ốm đau, thai sản, thu mua sổ BHXH của người lao động để trục lợi... Qua đó, giúp các cơ quan chức năng có thêm thông tin để xử lý kịp thời và mang lại hiệu ứng tích cực trong việc tổ chức, thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT; đồng thời, nâng cao uy tín, khẳng định vị thế của ngành BHXH Việt Nam trong việc tổ chức thực hiện tốt các chính sách BHXH, BHYT, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, người lao động.
P.V