Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, từ khi được Quốc hội giao chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã thực hiện ngày càng tốt công tác này, đạt được nhiều tiến bộ trong giải quyết chậm đóng, trốn đóng, nợ đọng, trục lợi các quỹ bảo hiểm.
Ngày 20-11-2014, Quốc hội thông qua Luật BHXH số 58/2014/QH13 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016) trong đó có nội dung giao cơ quan BHXH thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (TTCN) về đóng BHXH, BHTN, BHYT. Từ đó đến nay, BHXH Việt Nam luôn chủ động, nỗ lực, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện tốt công tác này. Qua những kết quả đạt được cho thấy công tác TTCN của BHXH Việt Nam đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc phát triển người tham gia, tăng thu và quản lý thu hồi nợ; đồng thời, có tác dụng răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia BHXH, BHTN, BHYT. Bên cạnh đó, cũng cho thấy năng lực thực hiện công tác này của ngành BHXH Việt Nam ngày càng được nâng cao, hoàn thiện. Qua từng năm, công tác TTCN về đóng BHXH, BHTN, BHYT đã có chuyển biến mạnh mẽ cả về chất và lượng, số đơn vị được thanh tra tăng dần theo từng năm chủ yếu tập trung vào các đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHTN, BHYT.
Cụ thể, từ khi ngành BHXH Việt Nam được giao chức năng TTCN, hiệu quả công tác thu hồi, giảm nợ đóng đã có những chuyển biến rõ rệt. Nếu năm 2015 khi chưa được giao chức năng TTCN về đóng BHXH, BHTN, BHYT thì số nợ là 7.780,6 tỷ đồng, tương ứng với 3,74% tổng số phải thu theo kế hoạch được Chính phủ giao thì sang các năm 2016, 2017, 2018 và 2019 số nợ đã giảm dần tương ứng là 2,7%; 2,2%; 1,7% và 1,6% so với tổng số phải thu theo kế hoạch được Chính phủ giao. Riêng năm 2020 tỷ lệ này có tăng lên do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Về số cuộc TTCN, trong giai đoạn 2016-2020, toàn ngành BHXH Việt Nam chủ trì, phối hợp thực hiện TTCN về đóng BHXH, BHTN, BHYT tại 75.785 đơn vị sử dụng lao động. Kết quả: đã phát hiện, xử lý và yêu cầu khắc phục 240.245 trường hợp sai phạm về đối tượng, mức đóng với số tiền phải truy thu là 664 tỷ đồng (chưa bao gồm tiền lãi); xử phạt hoặc kiến nghị xử phạt 2.103 vụ việc, với số tiền phạt là 114,5 tỷ đồng.
Năm 2020, trong tình hình dịch bệnh, công tác TTCN vẫn được BHXH Việt Nam đẩy mạnh thực hiện với nội dung, hình thức phù hợp, có nhiều đổi mới, áp dụng công nghệ thông tin (CNTT), qua hình thức trực tuyến. Theo đó, toàn Ngành đã thực hiện 8.567 cuộc tại 11.875 đơn vị. Kết quả: Phát hiện 35.271 trường hợp sai phạm về đối tượng, mức đóng với số tiền phải truy thu là 148 tỷ đồng; đã thu hồi số tiền 1.443 tỷ đồng trên tổng số nợ của các đơn vị được thanh tra là 1.971 tỷ đồng (tỷ lệ thu hồi nợ đạt 73,2%).
So sánh về hiệu quả, giai đoạn 2016-2020, qua TTCN tổng số đơn vị vi phạm được phát hiện, xử lý bằng 120%, số tiền yêu cầu truy thu bằng 451% so với giai đoạn 2011-2015 khi chỉ thực hiện kiểm tra thông thường. Đặc biệt, giai đoạn 2011-2015 cơ quan BHXH chưa có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính nên nhiều đơn vị chây ì, không khắc phục số tiền nợ; đến giai đoạn 2016-2020, qua TTCN các đơn vị đã khắc phục nợ 8.956 tỷ đồng (tương đương 70% tổng số tiền nợ của các đơn vị được thanh tra). Qua TTCN, trong thời gian từ năm 2018 đến tháng 9/2021, cơ quan BHXH cũng kiến nghị khởi tố 354 vụ. Kết quả, cơ quan điều tra đã thụ lý và đang trong quá trình xem xét 157 vụ (trong đó, đã ra Quyết định khởi tố 6 vụ).
Về tổ chức thực hiện, từ khi được giao chức năng TTCN, BHXH Việt Nam luôn đặc biệt coi trọng, quan tâm thực hiện công tác này, không ngừng hoàn thiện, bổ sung về quy trình nghiệp vụ, đào tạo nâng cao đội ngũ làm công tác thanh tra từ Trung ương đến địa phương (toàn ngành BHXH Việt Nam hiện có trên 2.500 người có trình độ, đã được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về thanh tra, kiểm tra). Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động thanh tra, kiểm tra; khai thác, phân tích dữ liệu để đánh giá, xác định dấu hiệu lạm dụng, trục lợi và các hành vi vi phạm pháp luật. Từ năm 2019, BHXH Việt Nam đã đưa vào triển khai Phần mềm quản lý hoạt động thanh tra, kiểm tra; đến nay, phần mềm tiếp tục được nâng cấp, bổ sung chức năng xử lý dữ liệu, cảnh báo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra (đã xây dựng 121 dấu hiệu nhận diện của 77 hành vi vi phạm trong thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHTN, BHYT; 141 dấu hiệu nhận diện sai sót trong nghiệp vụ). Việc triển khai thanh tra, kiểm tra trên cơ sở dữ liệu điện tử đã làm tăng năng suất, hiệu quả, chất lượng công việc và giảm nhân lực, thời gian tiến hành các đoàn thanh tra, đặc biệt là rút ngắn thời gian làm việc trực tiếp với đơn vị. Qua thống kê, với phương pháp thanh tra, kiểm tra truyền thống thủ công như trước đây thì thời lượng làm việc trung bình tại 1 đơn vị sử dụng lao động là 20 giờ (tương đương 2,5 ngày làm việc); ứng dụng CNTT đã giảm thời lượng làm việc tại đơn vị khoảng 48%, xuống còn 10,5 giờ (tương đương hơn 1 ngày làm việc).
Có thể thấy, hoạt động thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là TTCN đóng của ngành BHXH Việt Nam thời gian qua đã mang lại những hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao tính tuân thủ pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT của cả người lao động và chủ sử dụng lao động (tỷ lệ thu hồi nợ qua công tác TTKT toàn Ngành trung bình đạt trên 70% là minh chứng rõ rệt cho điều này); cùng với tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ sẵn có và nguồn cơ sở dữ liệu liên thông giữa các phần mềm nghiệp vụ, là cơ sở để nhiệm vụ TTCN của ngành BHXH Việt Nam được thực hiện ngày càng tốt hơn và sẵn sàng cho những nhiệm vụ, vai trò mới nếu được Quốc hội, Chính phủ giao.
P.V