Để giải quyết những thách thức trong phát triển giai đoạn mới, Bình Dương đã và đang nỗ lực cao độ triển khai nhiều giải pháp đột phá, phù hợp với Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
|
Bình Dương tiếp tục hiện đại hóa các ngành công nghiệp hiện hữu, chú trọng phát triển công nghiệp công nghệ cao… (Khu công nghiệp Bàu Bàng, Bình Dương).
|
Còn nhiều thách thức
Nhờ chính sách “trải chiếu hoa mời gọi nhà đầu tư”, Bình Dương đã trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có nhiều tập đoàn lớn như Nike, Adidas, P&G, Unilever... góp phần đưa Bình Dương trở thành nơi có số lượng dự án đầu tư nước ngoài (FDI) thuộc top đầu cả nước, với 4.345 dự án, tổng số vốn đăng ký 41,8 tỷ USD tính đến đầu tháng 10- 2024. Cùng với vốn FDI, vốn đầu tư trong nước cũng không ngừng gia tăng về số lượng dự án và quy mô, đến nay toàn tỉnh có trên 71.500 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với tổng số vốn trên 783.000 tỷ đồng trở thành bộ phận đóng góp rất quan trọng để Bình Dương phát triển.
Các nguồn vốn FDI và vốn đầu tư trong nước đã thúc đẩy kinh tế của Bình Dương duy trì đà tăng trưởng cao từ năm 1997 đến nay, đạt trung bình 10,86%/năm. Đến nay, nền kinh tế của Bình Dương đạt quy mô 486.400 tỷ đồng, gấp hơn 120 lần so với năm 1997. Bình Dương cũng trở thành một trong những thủ phủ công nghiệp của Việt Nam...
Tuy vậy, quá trình phát triển của Bình Dương cũng đang đối mặt với không ít thách thức. Thách thức trước hết là trên lĩnh vực giao thông. Thực tế cho thấy Bình Dương đóng vai trò quan trọng trong việc trung chuyển hàng hóa khu vực phía Nam. Với vị trí địa lý thuận lợi, gần TP. Hồ Chí Minh giúp Bình Dương kết nối dễ dàng với các tỉnh miền Đông Nam bộ và Tây nguyên qua Quốc lộ 13, đường Mỹ Phước - Tân Vạn và nhiều tuyến đường khác. Tuy nhiên, do lưu lượng phương tiện vận tải đi qua địa bàn tỉnh ngày một tăng khiến cho nhiều tuyến đường trọng điểm trên địa bàn tỉnh như Mỹ Phước - Tân Vạn, Huỳnh Văn Cù đoạn cầu Phú Cường, Quốc lộ 13… bị quá tải, tắc nghẽn giao thông vào giờ cao điểm. Bên cạnh đó, Bình Dương cũng đang đối mặt với bẫy thu nhập trung bình. Cùng với đó, sự gia tăng dân số cơ học cũng khiến cho tỉnh đối mặt với không ít thách thức về mặt xã hội...
Tăng tốc hoàn thiện hạ tầng kết nối vùng
Bình Dương đang nỗ lực cao độ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm như đường Vành đai 3, đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh, mở rộng Quốc lộ 13… Cùng với đó, Bình Dương vừa khánh thành và đưa vào sử dụng đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, cầu Bạch Đằng 2 kết nối với Đồng Nai… nhằm mở rộng không gian phát triển và tăng cường kết nối Bình Dương với vùng Đông Nam bộ. Trong giai đoạn 2024-2030, Bình Dương tiếp tục triển khai thực hiện nhiều dự án cầu vượt, hầm chui tại các nút giao thông trọng điểm, điển hình như dự án hầm chui Phước Kiến có tổng mức đầu tư 1.050 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Đây là nút giao giữa 4 tuyến đường trọng điểm: Quốc lộ 13, Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Văn Cù, Nguyễn Văn Tiết, góp phần giảm tải giao thông cho các tuyến đường này.
Về hệ thống đường sắt, Bình Dương xây dựng quy hoạch tuyến đường sắt Dĩ An - Bàu Bàng - Lộc Ninh kết nối sang Căm-pu-chia, tuyến Dĩ An - Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối cảng Cái Mép - Thị Vải, tuyến Dĩ An - Cần Thơ mở rộng kết nối các tỉnh miền Tây. Đối với ga Sóng Thần - Dĩ An đang được quy hoạch mở rộng từ 60 ha lên 200 ha; đã tổ chức những chuyến tàu liên vận quốc tế tạo nhiều thuận lợi lưu thông hàng hóa cho doanh nghiệp. Riêng đối với đường sắt đô thị, Bình Dương quy hoạch hệ thống giao thông công cộng kết nối với TP. Hồ Chí Minh; các tuyến Bến Thành - Suối Tiên - Dĩ An - Thành phố mới Bình Dương - Bàu Bàng, tuyến dọc Quốc lộ 13 sẽ giúp tăng cường kết nối vùng.
Đáng chú ý, cuối tháng 9 vừa qua Bình Dương đã khởi công dự án phức hợp vòng xoay A1 tại thành phố mới Bình Dương với mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, trong đó có nhà ga rộng 5.800m2 thuộc tuyến Metro 1 kết nối với TP. Hồ Chí Minh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận tải, di chuyển của doanh nghiệp, người dân, đồng thời kết nối hoạt động kinh tế - xã hội giữa các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ…
Nâng tầm phát triển công nghiệp
Xác định công nghiệp tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, Bình Dương đang tiếp tục chú trọng hiện đại hóa các ngành hiện hữu, tăng tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp hỗ trợ và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bình Dương cũng chú trọng phát triển công nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao…
|
Cầu Bạch Đằng 2 vừa hoàn thành đưa vào sử dụng giúp tăng cường kết nối Bình Dương với vùng Đông Nam Bộ.
|
Để cụ thể hóa nhiệm vụ nói trên, Bình Dương quy hoạch khoảng 18.000 ha đất đô thị, dịch vụ dọc theo các tuyến giao thông kết nối vùng như đường Vành đai 3 và Vành đại 4 TP.Hồ Chí Minh, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành kết hợp với xây dựng vành đai công nghiệp thế hệ mới với diện tích khoảng 1.800 ha phục vụ việc phát triển công nghiệp khoa học - công nghệ, công nghiệp thế hệ mới; cụ thể nơi đây hình thành Khu công nghiệp (KCN) Lai Hưng, KCN Vĩnh Lập Riverside, KCN Bắc Tân Uyên. Hiện Bình Dương có 2 KCN Cây Trường (vừa khởi công) và Việt Nam - Xing-ga-po III với diện tích 1.700 ha phục vụ các ngành công nghiệp thế hệ mới, khoa học - công nghệ cao, công nghệ chíp bán dẫn, vi mạch điện tử. Bình Dương cũng đã chuẩn bị quỹ đất 200 ha thành lập Khu công nghệ thông tin tập trung.
Đồng chí Phạm Ngọc Thuận - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC, thông tin KCN Cây Trường là KCN thế hệ mới, được xây dựng theo mô hình hệ sinh thái công nghiệp kiểu mới, với nền tảng đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ, kết hợp với hạ tầng giao thông kết nối vùng, hệ thống logistics, đào tạo nguồn lao động chất lượng cao. KCN có đầy đủ dịch vụ y tế, giáo dục và hạ tầng xanh, tạo ra môi trường sống và làm việc tốt nhất cho chuyên gia và người lao động.
Đồng chí Phạm Trọng Nhân - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, chia sẻ với lợi thế về hạ tầng giao thông, hạ tầng các KCN liên tục được đầu tư hoàn thiện đạt đẳng cấp quốc tế và sự năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh, cùng với môi trường đầu tư thuận lợi, có thể nói Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021- 2023, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ tạo động lực mới để Bình Dương vươn mình mạnh mẽ trong giai đoạn mới, tiếp tục hấp dẫn và đón làn sóng đầu tư nước ngoài thế hệ mới.
Đồng chí Mai Hùng Dũng - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương cho biết, hệ thống chính sách và quản lý của Bình Dương đang đứng trước nhiều thách thức để tiếp tục phát triển bền vững. Bình Dương cần giải quyết các vấn đề về hạ tầng kết nối, cơ cấu kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đồng thời nỗ lực xây dựng tầm nhìn dài hạn trong phát triển đô thị và công nghiệp, cũng như đẩy mạnh các giá trị văn hóa và sinh thái địa phương. Tất cả những điểm nghẽn này sẽ được tháo gỡ thông qua nỗ lực thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nguồn: Tuấn Anh/baobinhduong.vn