|
Ngành Tuyên giáo tỉnh Bình Dương gặp mặt, về nguồn nhân kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Ban Tuyên huấn Thủ Dầu Một - nay là Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương.
|
Truyền thống vẻ vang
Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Đảng ta đã nhận thức được rằng: Công tác tư tưởng có tầm quan trọng hàng đầu, là một bộ phận hợp thành chủ yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng và mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều có phần đóng góp tích cực của công tác tư tưởng. Và ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo (1-8) mang ý nghĩa chính trị, tư tưởng, văn hóa sâu sắc.
Đó là một mốc son lịch sử đánh dấu sự ra đời, trưởng thành ngày càng vững mạnh của lĩnh vực công tác tuyên giáo của Đảng - lĩnh vực có lịch sử ra đời sớm nhất trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, khẳng định tầm quan trọng hàng đầu của công tác tư tưởng trong công tác lãnh đạo của Đảng.
Năm 2024 cũng đánh dấu kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Ban Tuyên huấn Thủ Dầu Một - nay là Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương (10-5-1949 – 10-5-2024). Đồng chí Trương Thị Bích Hạnh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết trải qua các giai đoạn cách mạng từ năm 1930 đến nay, công tác tuyên huấn, tuyên giáo luôn giữ vai trò chủ yếu trong việc tạo sự thống nhất trong tư tưởng, ý chí, hành động; là nhân tố tạo nên nguồn sức mạnh đặc biệt trong mọi hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo và xây dựng Đảng.
Trong những thời điểm khắc nghiệt của chiến tranh, những cuộc khủng bố, vây ráp dai dẳng của kẻ thù; những trận mưa bom, bão đạn, chất độc hóa học, đói rét, bệnh tật, thiếu thuốc điều trị cũng không thể lung lay được ý chí, tinh thần người cán bộ tuyên huấn; không thể xóa nổi phiên hiệu Ngành Tuyên huấn của Đảng.
Địch càng bao vây, khủng bố nhằm bóp nghẹt công tác tuyên truyền cổ động công khai của ta, chúng ta càng có những phương pháp tuyên truyền, cổ động bí mật, chống lại địch. Cũng như quân đội cần có những binh công xưởng để sản xuất, sửa chữa các loại vũ khí, đạn dược, thì Ngành Tuyên huấn cũng phải xây dựng nhà in, dù buổi đầu còn thô sơ nhưng cũng đủ khả năng sản xuất vũ khí tinh thần cho mặt trận chính trị tư tưởng. Nhà in dù kỹ thuật còn thô sơ, điều kiện làm việc và cuộc sống hết sức khó khăn, nhưng đã phấn đấu, nỗ lực đủ sức in báo, tin tức, truyền đơn, khẩu hiệu kịp thời đưa về tận cơ sở. Sự xuất hiện truyền đơn cách mạng, báo chí bí mật đã gây dựng và củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự phát triển của cách mạng, của đảng bộ địa phương.
Đoàn văn công xung kích với đội hình gọn nhẹ đến biểu diễn cho đồng bào nhiều nơi vùng bị tạm chiến. Các đội chiếu phim lưu động phục vụ các đơn vị bộ đội, phục vụ nhân dân vùng chiến khu đã động viên bộ đội chiến đấu hăng say, nhân dân rất phấn khởi, tin tưởng và đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến. Những lần bị địch bắn pháo, cán bộ, diễn viên vừa làm công tác dân vận, vừa tiếp tục biểu diễn trước sự khâm phục của đông đảo người dân. Chính niềm tin ấy đã tạo nên sức mạnh tinh thần để chiến đấu và chiến thắng.
Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới
Thời gian qua, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy Bình Dương và các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Đảng bộ tỉnh, Ngành Tuyên giáo của tỉnh tiếp tục đoàn kết nỗ lực, quyết tâm đổi mới, có những đóng góp quan trọng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng.
Truyền thống vẻ vang của Ngành Tuyên giáo tỉnh luôn được các thế hệ cán bộ tuyên giáo từ tỉnh đến cơ sở giữ gìn và phát huy, không ngừng học tập, rèn luyện, trưởng thành qua thực tế công tác, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần tích cực cùng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh xây dựng và phát triển quê hương Bình Dương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
|
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương nhận Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương vì có thành tích xuất sắc trong 5 năm triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2023 (Ảnh: Quốc Chiến).
|
Đặc biệt, năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, Ngành Tuyên giáo của tỉnh Bình Dương ghi dấu sự liên tục đổi mới mạnh mẽ nội dung hoạt động, phương thức, phương pháp làm việc; bám sát thực tiễn cơ sở, nắm chắc tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, nâng cao khả năng dự báo; tăng cường kiểm tra, đôn đốc; xác định chương trình công tác trọng tâm, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tổ chức thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của Ngành.
Cụ thể, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương tiếp tục chủ động tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai nghiên cứu, học tập, quán triệt và sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng theo hướng chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả; nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục trong tuyên truyền…
Nổi bật sau 3 năm phát động phong trào thi đua “Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo” nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo từ tỉnh đến cơ sở, toàn ngành đã có gần 80 mô hình hay, cách làm hiệu quả ở các lĩnh vực như công tác lý luận chính trị, lịch sử Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, dư luận xã hội; công tác tuyên truyền, văn hóa - văn nghệ, báo chí - xuất bản, thông tin đối ngoại; công tác khoa giáo và tổng hợp.
Thời gian tới, ngành tuyên giáo sẽ tiếp tục duy trì thực hiện các mô hình hay, cách làm hiệu quả đã triển khai trong thời gian qua; đồng thời rà soát, lựa chọn tên gọi, xây dựng tiêu chí từng mô hình trên từng lĩnh vực cụ thể nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng các mô hình hay, cách làm hiệu quả”, đồng chí Trương Thị Bích Hạnh cho biết. |
Song song đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương còn tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 35 của tỉnh đã chủ động, tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, của các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, nhất là trên không gian mạng.
Ban Chỉ đạo 35 tỉnh tăng cường trách nhiệm và sự chủ động của các thành viên, nhóm chuyên gia, tổ thư ký, các cơ quan chức năng, báo chí, cán bộ, đảng viên trong việc đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh cũng như tham gia đấu tranh ngăn chặn, gỡ bỏ tin giả, thông tin xấu, độc trên in - tơ - nét, mạng xã hội, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng.
Với vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng văn hóa, Ngành Tuyên giáo của tỉnh đang tiếp tục chủ động, sáng tạo để tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận trong nhân dân; khơi dậy ý chí, khát vọng xây dựng Bình Dương thành đô thị thông minh, hiện đại, đáng sống và nghĩa tình…
Ngày 1-8-1930, nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, Ban Cổ động và Tuyên truyền đã xuất bản tài liệu mang tên “Ngày Quốc tế đỏ 1-8”.
Đây là tài liệu duy nhất và sớm nhất còn lưu giữ đến nay đề rõ “Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam ấn hành”. Ngay sau khi phát hành, tài liệu đã tạo được tiếng vang lớn, có sức cổ vũ mạnh mẽ quần chúng cách mạng nước ta đứng lên đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chống áp bức, bóc lột, phản đối chiến tranh xâm lược, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc.
Từ đó, ngày 1-8 trở thành mốc son, đánh dấu một hoạt động rất có ý nghĩa đối với công tác tuyên giáo của Đảng. Năm 2000, Bộ Chính trị (khóa VIII) quyết định lấy ngày 1-8 hằng năm làm Ngày truyền thống công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng. Đến năm 2007, sau khi hợp nhất Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) quyết định lấy ngày 1-8 hàng năm làm Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo của Đảng…
|
Nguồn: Thu Thảo/baobinhduong.vn