Thí điểm thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng ở Ninh Bình
Hội nghị sơ kết thực hiện Đề án thí điểm thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Tỉnh uỷ Ninh Bình xây dựng và triển khai nhiều giải pháp quan trọng, trên nhiều lĩnh vực, trong đó tập trung công tác tổ chức xây dựng đảng, chú trọng đổi mới các khâu trong công tác cán bộ nhằm từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Theo đó, ngày 14-3-2013, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Ninh Bình đã ban hành Quyết định số 893-QĐ/TU về Đề án thực hiện thí điểm thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương ở các cơ quan đảng, đoàn thể, cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh.

Thực hiện đề án, toàn tỉnh có 26 đơn vị (10 đơn vị cấp huyện và 16 đơn vị cấp sở) đã tổ chức thi tuyển 35 chức danh (14 cấp trưởng và 21 cấp phó), tổng số ứng cử viên tham gia dự thi có 69 đồng chí. Sau khi thi tuyển đã quyết định bổ nhiệm vào chức danh thi tuyển 35 đồng chí đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.

Quá trình triển khai thực hiện đề án bảo đảm chặt chẽ, khoa học, nghiêm túc, khách quan, công bằng từ khâu tuyên truyền, quán triệt đến công tác chuẩn bị và tổ chức thi tuyển. Việc thực hiện thí điểm thi tuyển bảo đảm 4 yêu cầu: Thứ nhất, bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ. Thứ hai, thi tuyển phải đảm bảo tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh. Thứ ba, điều kiện, tiêu chuẩn đối với chức danh thi tuyển phải cụ thể, rõ ràng và công khai rộng rãi để cán bộ, công chức, viên chức được biết và tham gia thi tuyển. Thứ tư, thực hiện tốt các quy định và hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh trong công tác cán bộ, đổi mới công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI.

Ban Tổ chức Tỉnh uỷ đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan, tổ chức tuyên truyền về đề án trên các phương tiện thông tin đại chúng; thành lập các tổ công tác, tham mưu, giúp Ban Thường vụ Tỉnh uỷ theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Đề án; xây dựng hướng dẫn quy trình tổ chức thi tuyển; tổ chức hội nghị để quán triệt và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện.

Các cơ quan, đơn vị tổ chức thi tuyển thành lập hội đồng thi tuyển, số lượng 7 hoặc 9 người; ngoài các thành viên hội đồng thi tuyển, cơ quan, đơn vị mời lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ, sở chuyên ngành tham gia với vai trò hướng dẫn, giám sát việc thi tuyển. Về nguyên tắc, mỗi chức danh thi tuyển phải có từ 2 ứng viên trở lên tham gia thi tuyển. Các ứng viên tham gia thi tuyển phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. ứng viên dự thi phải trải qua 2 phần thi, bao gồm phần thi viết chương trình hành động và phần thi trình bày chương trình hành động. Ở phần thi trình bày chương trình hành động, các thành viên hội đồng thi tuyển sẽ nêu câu hỏi yêu cầu ứng viên dự thi trình bày làm rõ một số vấn đề nêu trong chương trình hành động và trả lời các câu hỏi xử lý tình huống trong lãnh đạo, quản lý có liên quan đến chức danh thi tuyển. Hình thức thi trên đảm bảo cho nguyên tắc cạnh tranh theo hướng kiểm tra về kiến thức, kỹ năng, sự hiểu biết toàn diện ở người lãnh đạo, quản lý, đặc biệt thông qua việc trả lời các câu hỏi, các ứng viên cũng sẽ thể hiện được kỹ năng lãnh đạo, quản lý, khả năng triển khai thực hiện công việc để đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ. Người trúng tuyển là người đạt kết quả thi tuyển cao nhất và được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm theo phân cấp.

Công tác chuẩn bị thi tuyển được các cơ quan, đơn vị thực hiện chu đáo, với việc rà soát đối tượng trong quy hoạch, động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi, bảo đảm tính cạnh tranh với mỗi chức danh thi tuyển. Thành lập hội đồng thi tuyển ở các cơ quan, đơn vị với cơ cấu, thành phần hợp lý. Các văn bản phục vụ cho việc thi tuyển được chuẩn bị công phu, đầy đủ, chặt chẽ. Việc ra đề thi, đáp án chấm thi được nghiên cứu, chuẩn bị chu đáo, sát với yêu cầu chức danh thi tuyển. Nhiều cơ quan, đơn vị đã tạo điều kiện thuận lợi cho các ứng cử viên dự thi có thời gian tiếp cận, tìm hiểu tình hình hoạt động của đơn vị có chức danh thi tuyển và nghiên cứu tài liệu. Các ứng cử viên tích cực, chủ động, tập trung nghiên cứu, chuẩn bị kiến thức, kỹ năng, tinh thần để bước vào thi tuyển. Công tác tổ chức thi đã được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm quy trình, các bước theo đúng quy định.

Với những kết quả bước đầu thực hiện đề án thí điểm thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng ở các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh Ninh Bình, có thể khẳng định đây là một chủ trương đúng, nhằm đổi mới quy trình lựa chọn để bổ nhiệm cán bộ, bảo đảm nguyên tắc tập trung, dân chủ, khách quan, công khai, góp phần từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; đồng thời thể hiện tinh thần nghiêm túc thực Nghị quyết Trung ương 4 và Kết luận của Hội nghị Trung ương 7 (khoá XI).

Tuy nhiên, quá trình thực hiện đề án còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc, như: Biên chế các cơ quan, đơn vị đã ổn định nên không có điều kiện mở rộng đối tượng dự tuyển; kinh phí tổ chức thi tuyển gặp khó khăn; một số cấp uỷ, lãnh đạo cơ quan, đơn vị còn băn khoăn với chủ trương thi tuyển nên quá trình thực hiện đề án còn dè dặt; số lượng cán bộ, công chức, viên chức đăng ký dự thi ở một số cơ quan, đơn vị còn ít, một số chức danh không bảo đảm tính cạnh tranh; Công tác chuẩn bị và tổ chức thi tuyển ở một số cơ quan, đơn vị còn lúng túng; Một số ứng cử viên chưa dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu tài liệu nên chất lượng các phần dự thi chưa cao...

Qua việc thí điểm thi tuyển, cho thấy: Cần phải làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền sâu rộng, đầy đủ về mục đích, yêu cầu, nội dung của Đề án thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương. Bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của tập thể cấp uỷ, lãnh đạo cơ quan, đơn vị  trong tổ chức thi tuyển. Chuẩn bị chi tiết, đầy đủ các văn bản và điều kiện tổ chức thi tuyển. Quá trình đánh giá kết quả thi, chấm thi phải thực sự dân chủ, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch.

Vũ Mỹ

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất